Giáo dục giới tính cho giới trẻ: Đâu là giới hạn?

Sức khỏe - Ngày đăng : 07:22, 25/06/2011

(HNM) - Quan hệ tình dục ngày càng


"Thoáng" về nhận thức
Được nghỉ hè, để "xả hơi", nhiều TTN lên mạng internet và sa vào những trang web sex. Tò mò xem, rồi lại tò mò "thực hành"… để rồi sau một, hai tháng hè, những phòng khám sản khoa tiếp không ít khách "nhí" đến giải quyết "hậu quả". Kết quả Dự án "Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ thân thiện cho vị thành niên, thanh niên" do Hội Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) Việt Nam thực hiện tại 11 tỉnh, thành phố cho thấy thanh niên ngày nay có nhận thức "thoáng" hơn về quan hệ tình dục (QHTD) trước hôn nhân. Cứ 3 TTN trong số được khảo sát thì 1 người đã QHTD.

Cả nước hiện có 24 triệu TTN (lứa tuổi 10-24), chiếm khoảng 1/3 dân số. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin và kiến thức về các bệnh lây truyền qua đường tình dục, tình dục an toàn, các biện pháp tránh thai (BPTT) và phòng, chống HIV/AIDS còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, sự thay đổi về lối sống, việc tiếp cận với trào lưu văn hóa hiện đại khiến quan điểm của TTN về vấn đề tình dục đang ngày một "đơn giản". Tuổi trung bình của TTN có QHTD lần đầu đã giảm xuống còn 18,1; thậm chí còn thấp hơn ở một bộ phận TTN được xem là "nhạy bén".

Đừng cấm, hãy chỉ đúng đường
Trong số trên 700.000 ca nạo phá thai mỗi năm, có tới 30% là người chưa lập gia đình. Mặc dù số TTN có QHTD trước hôn nhân ngày càng tăng nhưng số người sử dụng các BPTT rất ít. Theo điều tra, đại bộ phận TTN được biết và tiếp cận thông tin về các BPTT nhưng không nhiều người "thực hành" đúng điều đã được khuyến cáo dẫn đến hậu quả có thai ngoài ý muốn, mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, HIV/AIDS. Việt Nam đang phải đối mặt với tỷ lệ tăng nhanh số ca mới mắc HIV, đặc biệt, hơn 40% số ca nhiễm HIV là thanh niên.

Theo Tổ chức UNESCO và Tổ chức Y tế thế giới (WHO), giáo dục giới tính (GDGT) là biện pháp tốt nhất để khắc phục vấn đề này. Hiện nay, các cấp, ngành giáo dục, các nhà nghiên cứu và dư luận xã hội, nhất là các bậc cha mẹ đã quan tâm đến GDGT cho trẻ nhưng thực tế thì phần lớn TTN không được tiếp cận kiến thức về GDGT một cách bài bản, đúng cách.

Đơn cử trên thị trường truyện tranh đang xuất hiện những cuốn truyện dán nhãn truyện dành cho lứa tuổi 16, 17, 18 hay tuổi trưởng thành… được học sinh tiểu học, trung học cơ sở tìm đọc rất hứng thú. Nhưng, trong đó, nhiều cuốn có nội dung về chuyện tình tay ba, tay tư éo le, với nhiều cảnh "nóng bỏng" được tả rất chi tiết mà đến người lớn đọc còn đỏ mặt. Không ít ông bố, bà mẹ khi biết con mình đọc loại truyện tranh này đã hoang mang, chọn giải pháp cấm đọc chứ không giải thích cho con nên đọc gì, không nên đọc gì. Việc làm này vô tình khiến các em mất cơ hội đọc những truyện có nội dung giáo dục bổ ích. Vì vậy, những nhà quản lý, nhà xuất bản cần kiểm soát chặt chẽ, sàng lọc nội dung để bảo đảm những cuốn sách đến tay giới trẻ, nhất là truyện có nội dung GDGT, đều là ấn phẩm "sạch", bổ ích.

Bên cạnh tăng cường GDGT, ngành y tế cần có những biện pháp quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ tư vấn, chăm sóc SKSS/KHHGĐ, góp phần "vẽ đường" cho giới trẻ biết cách  "chạy" đúng đường.

Vân Nga