“Bịt” những “khe hở” pháp lý
Đời sống - Ngày đăng : 07:17, 25/06/2011
Đối với trường hợp căn hộ số 1702-CT1 Ngô Thì Nhậm (Hà Đông), căn cứ kết quả xác minh của công an thành phố, Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục yêu cầu Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (chủ đầu tư dự án) thực hiện nghiêm túc việc xử lý vi phạm theo chỉ đạo của UBND thành phố, khẩn trương làm việc với hộ gia đình bà Cao Thị Loan để chấm dứt hợp đồng mua bán căn hộ trên.
Ngoài căn hộ 1702-CT1, trên cơ sở kết quả điều tra, xác minh của công an các quận Hà Đông, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị Công ty CP Bê tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai chấm dứt hợp đồng mua bán nhà thu nhập thấp đối với hộ gia đình ông Đoàn Viết Long tại căn hộ số 1707 do không đủ điều kiện là đối tượng được mua nhà thu nhập thấp. Đồng thời, kiểm tra, đối chiếu lại hồ sơ, nếu không đủ điều kiện thì chấm dứt hợp đồng mua nhà với 3 trường hợp khác là hộ gia đình ông Nguyễn Toàn Thắng mua căn hộ số 510-C7, gia đình ông Nguyễn Công Giao mua căn hộ số 915-C9, gia đình bà Đặng Thị Oanh mua căn hộ 1104-C2.
Trao đổi với PV, ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà-Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, cùng với văn bản trên, Sở Xây dựng Hà Nội có văn bản thứ hai gửi các chủ đầu tư dự án nhà thu nhập thấp trên toàn thành phố yêu cầu bổ sung một số nội dung vào hợp đồng mua bán căn hộ. Cụ thể, sau 3 tháng kể từ khi bàn giao căn hộ mà bên mua không đến ở thì coi như không có nhu cầu và cơ quan quản lý sẽ thu hồi căn hộ theo quy định. Nếu bên mua cho người khác sử dụng nhà hoặc vi phạm quy chế quản lý nhà thì sẽ chấm dứt hợp đồng mua nhà. Hướng dẫn bên mua nhà cam kết với chủ đầu tư và thực hiện quy chế quản lý nhà khi ký hợp đồng mua nhà, nộp ảnh chân dung các thành viên hộ gia đình. Hợp đồng mua bán nhà phải kèm quy chế quản lý sử dụng. Quy định này nhằm "bịt" những khe hở pháp lý trong các văn bản đã ban hành về mua bán, sử dụng nhà ở cho người thu nhập thấp. Ông Vũ Ngọc Đạm cho biết thêm: xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp là chủ trương mới nên khó có thể hoàn thiện ngay về chính sách. Hà Nội sẽ tiếp tục bổ sung kịp thời các quy định để khắc phục bất cập, trong đó cần nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án. Trước đó, qua thống kê của chủ đầu tư dự án CT1-Ngô Thì Nhậm, sau 3 tháng bàn giao, tỷ lệ căn hộ bỏ trống lên tới 21%. Đây là con số bất hợp lý bởi những người được mua nhà thu nhập thấp đều là những người có khó khăn về nhà ở như chưa có nhà hoặc chỗ ở quá chật, dưới 5m2/người. Cả chủ đầu tư và cơ quan quản lý đều băn khoăn trước tình trạng này nhưng thiếu chế tài để xử lý thu hồi căn hộ bỏ trống vô lý.
Được biết, UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư dự án đã hoàn thành, nhanh chóng thành lập Ban quản trị theo quy định để quản lý tòa nhà ngay sau khi các hộ dân đến ở. Công an thành phố chỉ đạo công an phường nơi có dự án nhà ở thu nhập thấp kiểm tra thường xuyên, nắm bắt việc thay đổi nhân khẩu, hộ khẩu để phát hiện kịp thời việc mua bán nhà ở thu nhập thấp sai quy định. Đã có trên 3.000 căn hộ thu nhập thấp thuộc các dự án tại Kiến Hưng, Đặng Xá, Sài Đồng... đang trong quá trình xét duyệt, chờ ký hợp đồng mua bán. Trong khi đó, khoảng 7.400 căn hộ khác đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư. Các dự án nhà ở thu nhập thấp nhận đơn xin mua được niêm yết công khai tại trụ sở UBND các phường. Trường hợp xác nhận hồ sơ mua bán được UBND các phường vào sổ theo dõi để bảo đảm mỗi hộ gia đình chỉ xác nhận 1 bộ hồ sơ. Trường hợp tạm trú, khi lập hồ sơ mua nhà, ngoài việc xác nhận về tình trạng nhà ở tại nơi tạm trú, yêu cầu bổ sung xác nhận tình trạng nhà ở tại cả nơi đăng ký hộ khẩu thường trú.