Chỉ giải quyết phần “ngọn”!

Kinh tế - Ngày đăng : 06:58, 25/06/2011

(HNM) - Sau nhiều lần soạn thảo và lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị có liên quan, hai phương án tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) mới dự kiến sẽ được Bộ Tài chính trình Quốc hội khóa XIII, diễn ra vào giữa tháng 7-2011 tới.

Phương án tính thuế TNCN mới được kỳ vọng sẽ tạo tính công bằng và hiệu quả, đồng thời góp phần hỗ trợ một bộ phận người dân trước tình trạng lạm phát tăng cao thời gian qua. Ngay sau khi được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phương án tính thuế TNCN của Bộ Tài chính đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc...

Ông Ngô Anh Văn (phường Trung Tự, quận Đống Đa): Chính sách "chạy" theo lạm phát?
Lần dự thảo này, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án tính thuế TNCN. Phương án một, là các cá nhân có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng mới phải nộp thuế. Cụ thể, sẽ miễn thuế cho đối tượng nộp thuế ở bậc thuế đầu tiên 5% (từ 4 triệu đồng/tháng trở xuống), chỉ thu thuế từ bậc thứ 2 với 10%. Phương án hai, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ miễn thuế cho người làm công ăn lương không có người phụ thuộc có thu nhập từ 5 triệu đồng/tháng trở xuống; có 1 người phụ thuộc thu nhập không quá 6,6 triệu đồng/tháng; có 2 người phụ thuộc thu nhập không quá 8,2 triệu đồng/tháng. Nghiên cứu 2 phương án này, tôi thấy phương án 1 khả thi hơn, vì phù hợp với chỉ số giá tiêu dùng và mức sống thực tế của người dân. Vào thời điểm năm 2007, mức thuế TNCN và giảm trừ gia cảnh được quy định trong Luật Thuế TNCN là hợp lý. Tuy nhiên, sau 4 năm ban hành, đến nay tỷ lệ lạm phát của Việt Nam đã từ mức 1 con số lên 2 con số, chỉ số giá tiêu dùng liên tục tăng. Trong 4 năm, tiền lương tối thiểu cũng được điều chỉnh tăng vài lần…, chỉ riêng mức khởi điểm chịu thuế và giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN là không hề thay đổi. Điều đó dẫn đến nghịch lý, nhiều người dân phải oằn mình trước tốc độ giá cả tăng chóng mặt, song vẫn phải móc hầu bao để đóng thuế TNCN. Điểm mới trong dự thảo của Bộ Tài chính là nâng dần mức khởi điểm nộp thuế TNCN và chiết trừ gia cảnh, tuy nhiên mức thay đổi này chưa nhiều. Dù rất cố gắng, song hai phương án của Bộ Tài chính đưa ra mới chỉ giải quyết được quyền lợi của một bộ phận nhỏ người dân. Do đó, mục tiêu cuối cùng là phải kìm chế lạm phát đến mức thấp nhất, sao cho tất cả người dân được hưởng lợi, chứ không nên để xảy ra tình trạng thay đổi chính sách "chạy" theo đà lạm phát.

Bà Nguyễn Thu Hương (phường Quảng An, quận Tây Hồ): Vẫn chỉ mang tính chắp vá...
Theo tôi, các phương án mà Bộ Tài chính đưa ra trong lần dự thảo này vẫn chỉ mang tính chắp vá. Sau 4 năm ban hành, Luật Thuế TNCN đã lạc hậu với mức sống của đa số người dân, do đó cái gốc của vấn đề là cần phải nhanh chóng sửa đổi một số điểm của luật này, còn nếu chỉ thay đổi cách tính càng làm cho luật thêm khập khiễng. Ở các nước tiên tiến trên thế giới, tôi thấy mức tính thuế TNCN của họ rất linh hoạt và hiện đại. Thuế TNCN chỉ được tính sau khi đã giảm trừ tất cả những chi phí đủ bảo đảm cho đời sống của người lao động. Còn ở Việt Nam, Luật Thuế TNCN chỉ sau vài năm ban hành đã quá lạc hậu, bởi mức tối thiểu để bảo đảm cho cuộc sống hiện nay là bao nhiêu, không nhà làm luật nào trả lời được. Theo tôi, để hạn chế tối đa tình trạng sửa đổi luật, Bộ Tài chính nên đề nghị tính mức khởi điểm thu nhập chịu thuế ở mức gấp 8 - 10 lần lương tối thiểu. Như vậy, khi lương tối thiểu tăng lên, mức thu nhập chịu thuế cũng tăng theo, mà không cần ban hành các văn bản sửa đổi, điều chỉnh lại Luật Thuế TNCN.

Bà Kiều Thị Thanh (Bộ Y tế): Chưa thấy bàn đến mức thuế giảm trừ cho người phụ thuộc
Theo quy định của Luật Thuế TNCN, mức khởi điểm chịu thuế là từ 4 triệu đồng/tháng trở lên, song do tình hình giá cả có nhiều thay đổi, Bộ Tài chính đề nghị nâng mức khởi điểm chịu thuế là 5 triệu đồng/tháng trở lên. Như vậy, số thuế phải nộp chỉ được bớt đi 50.000 đồng một tháng, song mức giảm trừ cho người phụ thuộc (cha, mẹ, người tàn tật, con nhỏ dưới 18 tuổi...) lại chưa tăng, vẫn là 1,6 triệu đồng/người/tháng. Mức thu nhập để xác định người phụ thuộc (người có thu nhập dưới 500.000 đồng/tháng) cũng chưa được điều chỉnh. Với mức giảm trừ 1,6 triệu đồng/người/tháng hiện nay, mỗi gia đình sẽ rất khó khăn để nuôi con. Thực tế cho thấy mức giảm trừ gia cảnh thấp trong khi giá cả tăng vọt sẽ buộc người tiêu dùng phải thắt chặt các khoản chi tiêu, sức mua giảm. Doanh nghiệp phải chịu "gánh nặng hai vai" khi giá thành sản phẩm tăng theo chi phí, nhưng hàng hóa lại không tiêu thụ được. Nếu mức giảm trừ gia cảnh tăng, sẽ giúp người dân giảm áp lực tài chính và khi có tiền trong tay, họ sẽ không phải thắt chặt chi tiêu, mức tiêu thụ nội địa sẽ tăng. Như vậy, tăng mức giảm trừ gia cảnh thực chất là giúp người dân có thêm tiền để tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hưởng lợi do tiêu thụ được hàng hóa, góp phần không nhỏ trong việc ổn định giá cả thị trường, giảm lạm phát...

Ông Vũ Văn Hòa (phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm): Phải kiểm soát được thu nhập của người dân
Theo lý giải của Bộ Tài chính, nguyên tắc xây dựng cách tính thuế TNCN lần này nhằm bảo đảm tính công bằng và hiệu quả. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, trước tiên phải kiểm soát được thu nhập của người dân. Hiện tại, tỷ lệ thất thu các loại thuế, nhất là thuế TNCN còn rất lớn. Đa số nguồn thu từ thuế TNCN là tập trung vào các cơ quan Nhà nước, còn tại các doanh nghiệp tư nhân, người có nhiều nguồn thu nhập… cơ quan quản lý hầu như không thể kiểm soát. Sở dĩ như vậy là do chúng ta chưa triển khai được việc khấu trừ thuế TNCN ngay tại nguồn, mà mới chỉ dựa vào sự tự giác kê khai của người dân. Nếu cơ quan chức năng không có biện pháp quản lý ngay tại nguồn, tăng cường kiểm soát và quản lý người phụ thuộc... thì chắc chắn tình trạng gian lận thuế sẽ vẫn diễn ra. Kinh nghiệm từ các nước cho thấy, thuế TNCN chiếm tỷ lệ rất cao trong tổng nguồn thu ngân sách nhà nước. Do vậy, cơ quan quản lý nên đặt mục tiêu kiểm soát được các nguồn thu của người nộp thuế, sau đó hãy nghĩ đến việc điều tiết thuế ở mức nào cho phù hợp.

Bảo Nga