Nhiều mô hình hay
Đời sống - Ngày đăng : 06:53, 25/06/2011
Cảnh sát giao thông đường thủy (Công an TP Hà Nội) tuần tra, giữ gìn an ninh trật tự trên sông Hồng. Ảnh: Tiến Sính |
Mười năm về trước, cuộc sống của người dân ở làng chài Cửa Vạn, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thường du cư theo con nước. Mải mê mưu sinh nên Cửa Vạn trở thành địa phương "5 trắng": y tế, giáo dục, khai sinh, khai tử, đăng ký kết hôn. Trăn trở trước thực trạng đời sống của những người dân sông nước này, CBCS Cảnh sát giao thông đường thủy (CSGTĐT) TP Hạ Long đã tìm cách xóa các "điểm trắng". Việc đầu tiên là cử cán bộ đến từng thuyền thăm hỏi, động viên và vận động mọi người thay đổi thói quen sinh hoạt lạc hậu từ nhiều đời nay. Để khuyến khích người dân "an cư lạc nghiệp", CSGTĐT TP Hạ Long đã làm thí điểm miễn phí 15 căn nhà nổi cho bà con. Có nhà, trẻ em được đi học và tiếp cận với cuộc sống văn minh, mọi người đều được làm CMND, hộ khẩu nên 185 hộ dân làng chài Cửa Vạn đã tập trung sinh sống ở 3 khu dân cư. 11 tổ dân phố, các tổ chức xã hội như MTTQ, thanh niên, phụ nữ... đã hình thành và hoạt động nền nếp. Cửa Vạn đã trở thành pháo đài ANTT bởi không có tệ nạn xã hội (TNXH), cảnh quan môi trường văn hóa sạch, đẹp, môi trường du lịch văn minh.
Trong phong trào giữ gìn ANTT trên đường thủy nội địa, tổ tự quản bến đò xã Vân Đức, Gia Lâm, Hà Nội luôn là đơn vị đi đầu. Ông Nguyễn Văn Hậu, tổ trưởng tổ tự quản bến đò Vân Đức cho biết: "Hằng ngày, trong khu vực bến đò thường xuyên có 12 phương tiện vận tải thủy hoạt động. Trước đây việc kinh doanh và hoạt động trên sông của bà con theo kiểu mạnh ai nấy làm. Từ khi tổ tự quản về ANTT của bến đò Vân Đức ra đời đã góp phần lập lại trật tự trong hoạt động kinh doanh trên tuyến sông. Người dân đã tự giác chấp hành các quy định, tàu thuyền qua lại an toàn, không xảy ra tai nạn. Để có được kết quả đó, các thành viên trong tổ tự quản đã ngày đêm bám sông, bám nước, mỗi khi phát hiện ra trường hợp vi phạm, tổ tự quản sẽ báo lên ban CA của xã để kịp thời giải quyết, không để ảnh hưởng đến việc đi lại và hoạt động kinh doanh của nhân dân. Để tạo sự bình yên cho những tuyến sông, việc trước tiên phải làm là dựa vào dân, gây dựng được các tổ chức, cá nhân làm lực lượng nòng cốt trong việc bảo đảm TTATGT đường thủy. Lực lượng này vừa là hạt nhân của phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc trên đường thủy, vừa là cầu nối giữa CSGTĐT với nhân dân.
Đại tá Nguyễn Anh Thắng, Phó cục trưởng Cục CSGTĐT cho biết: "Từ phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên đường thủy nội địa, chúng tôi đã gây dựng được 2 mô hình "Tự quản" và "Địa bàn an toàn", thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Các mô hình này đã giúp CSGTĐT sớm ổn định tình hình TTATGT". Từ năm 2006 đến nay, đã có 40 đoạn, tuyến, cửa sông an toàn; 22 cảng, bến sông an toàn; 28 làng chài bình yên, 34 đoàn tàu an toàn… được hình thành với hàng chục ngàn quần chúng tham gia. Những mô hình tự quản về ANTT đã phát huy vai trò là tai mắt của lực lượng CA nói chung và CSGTĐT nói riêng trong cuộc đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và TNXH trên đường thủy. Thông qua phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân dân đã cung cấp 7.214 nguồn tin quan trọng giúp CA khám phá 2.887 vụ phạm pháp; nhiều người dân đã truy thu, giao nộp vũ khí, hung khí, vận động đối tượng lẩn trốn pháp luật ra đầu thú và trực tiếp đấu tranh, bắt quả tang các đối tượng có hành vi phạm pháp hình sự giao nộp cho CA xử lý…
Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc và TTATGT với sự tham gia nhiệt tình của cư dân sông nước, đã và sẽ góp phần cùng lực lượng CSGTĐT mang lại sự bình yên cho những tuyến sông…