Chuyện của người trong cuộc
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:41, 25/06/2011
Có một chiến sĩ trẻ lúc đó mới 22 tuổi, đã góp công không nhỏ vào chiến thắng ấy bằng tấm sơ đồ vẽ tay và chiếc đồng hồ duy nhất cả tiểu đoàn chỉ mình ông có, dùng để định giờ phát pháo điểm hỏa. Ông là Nguyễn Tự, hiện đang sống tại TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Ông Nguyễn Tự |
Dây rừng làm thước đo
Trong cuốn "Trung đoàn 96 - từ Điện Biên Phủ đến Bắc Tây Nguyên" ghi rõ: Trận đánh này, ta chỉ có 2 tiểu đoàn mới thành lập chưa đầy 55 ngày, đã tiêu diệt tại chỗ 800 lính địch, bắt sống toàn bộ ban tham mưu gồm cả tên Đại tá quan năm Barrou chỉ huy và 1.100 tù binh Âu Phi, thiêu hủy trên 100 xe, thu 375 xe, trong đó có 229 xe quân sự, 6 xe tăng 12 tấn, 12 đại bác 105 ly và nhiều vũ khí, quân trang, quân dụng khác. Trong trận này ta đã xây dựng một kế hoạch tác chiến tỉ mỉ, chu đáo, vì thế toàn bộ trận đánh hầu như đã diễn ra chính xác như dự kiến đến từng khoảnh khắc và từng chi tiết. Điều này có sự góp công rất lớn của tấm sơ đồ trận đánh và chiếc đồng hồ định giờ điểm hỏa, mà người trực tiếp vẽ tấm sơ đồ và bấm đồng hồ điểm hỏa trận đánh là ông Nguyễn Tự, cán bộ tham mưu tác chiến Tiểu đoàn 40.
Ông Nguyễn Tự năm nay đã 80 tuổi, đang sống tại thành phố Quy Nhơn. Ông kể rằng sau khi có tin của tình báo cho biết Binh đoàn cơ động GM 100 sẽ rút chạy từ hướng thị trấn An Khê về thị xã Pleiku, sau khi quan sát địa hình, bộ đội ta quyết định đánh địch ngay tại suối Đăk Pơ, cách thị trấn An Khê chỉ 15km. Một đặc điểm rất "nghiệt" là nơi đây có một khúc cua hiểm hóc, từ phía Cà Tung đi lên vừa hết dốc đã tụt xuống ngay một cầu nhỏ bắc qua con suối hẹp gấp khúc hình chữ chi, rồi lại lên dốc và nối tiếp ngay vào đoạn đường có nhiều mỏm đá nhô ra. Địa hình này rất thuận lợi cho việc chặn đầu và khóa đuôi của trận phục kích.
Thế nhưng trên những quả đồi cao che chắn, ta bố trí hỏa lực, phục binh thế nào cho phù hợp? Điều này yêu cầu phải nghiên cứu địa hình thật kỹ lưỡng. Lúc này ông Nguyễn Tự mới 22 tuổi, được giao nhiệm vụ vẽ toàn bộ sơ đồ và đắp sa bàn trận đánh. "Hồi ấy làm gì có máy móc, nói chi đến phương tiện hiện đại" - ông Tự nhớ lại, nên tất cả đều làm thủ công, tự vận dụng. Ông có cách ghi chép của riêng mình: đi quan sát thực địa, ban ngày căn cứ vào mặt trời, ban đêm định vị bằng trăng sao. Không có máy móc thì dùng dây rừng và bước chân để đo đếm, vẽ nên hình khe thế núi.
Công việc nghe kể tưởng chừng đơn giản, nhưng ông Tự đã phải mất 7 ngày đêm ròng rã, vạch lau xuyên rừng, ghi chép cần mẫn mới vẽ nên tấm sơ đồ. Cái khó nhất của việc định vị bằng mặt trời, trăng và sao Bắc Đẩu là tinh tú này không đứng yên mà luôn di chuyển, nên vừa lấy làm hệ quy chiếu vừa phải ước đoán các góc độ. Sau khi vẽ xong sơ đồ, ông Tự lại mất 3 ngày nữa để đắp sa bàn bố trí trận đánh. Và phương án tác chiến của ông được ban chỉ huy chấp nhận, là khi phát pháo sẽ đánh ngay chiếc xe đi đầu tại khúc cua.
Chạy bộ tính vận tốc
Từ chỗ ém quân ra mặt đường tập kích khá xa, mà vấn đề là đánh phục kích nên không thể lắp pháo chờ sẵn tại vị trí, mà phải tính toán thời gian để khi chiếc xe đầu tiên đến nơi là khẩu đội pháo cũng vừa có mặt. Nếu ta đến quá sớm có thể bị lộ, địch sẽ dội pháo; còn nếu đến trễ, những chiếc xe đi đầu vượt qua sẽ quay lại đánh tạt sườn, khả năng thất bại dễ xảy ra vì quân số ta ít hơn địch gấp 3 lần, vũ khí trang bị lại thô sơ và ít ỏi.
Lúc bấy giờ toàn Tiểu đoàn 40 chỉ duy nhất ông Tự có chiếc đồng hồ Thụy Sĩ mẹ cho ngày đi bộ đội. Ông đã cầm chiếc đồng hồ chạy cật lực từ chỗ ém quân ra đến vị trí tập kết nhiều lần để tính toán thời gian. Ông nhớ là 13 phút chạy, cộng thêm thời gian lắp đặt pháo, sẽ tính được thời điểm pháo ta xuất kích khi địch bắt đầu di chuyển.
Chiếc đồng hồ và tấm sơ đồ do ông Tự vẽ. |
Đúng như cách tính của ông Tự, khi đoàn xe của địch di chuyển, ông dẫn một trung đội ĐKZ chạy ra điểm tập kích. Chiếc xe công binh nặng nề kềnh càng đi đầu vừa lên đến dốc đã hứng ngay loạt ĐKZ đầu tiên, cháy bùng và khựng lại, làm tắc nghẽn đoạn đường cua. Các xe sau dồn lên, không quay đầu được. Quân ta xung phong trên suốt đoạn đường dài 3 cây số. Địch tán loạn, dẫm đạp lên nhau, lớp chết, lớp bị thương, bị bộ đội ta bắt sống. Binh đoàn cơ động thiện chiến GM 100 của địch bị ta xóa sổ.
Năm 1954, tập kết ra Bắc, ông Nguyễn Tự đã sao lại tấm bản đồ tặng cho Bộ Quốc phòng, hiện đang được trưng bày tại Nhà bảo tàng quân đội. Còn chiếc đồng hồ ông vẫn mang theo bên mình suốt 45 năm sau đó (năm 1999, ông đã mang tặng hai kỷ vật này cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai). Đây là bằng chứng sinh động về một trận đánh lớn mà ngày nay tại đó hầu như không còn dấu vết.
Có một điều thú vị là, sau này trong cuốn sách "Trung đoàn 96 - từ Điện Biên Phủ đến Bắc Tây Nguyên" do Bộ Tư lệnh Quân đoàn 4 và Câu lạc bộ Truyền thống Trung đoàn 96 xuất bản, có tấm bản đồ vẽ lại để minh họa trận đánh Đăk Pơ được đo vẽ bằng phương tiện hiện đại, về căn bản không khác tấm sơ đồ ông Tự vẽ tay là bao nhiêu. Và sau này, trong một số tài liệu của người Pháp về trận đánh, có các tấm bản đồ do chính người Pháp vẽ, cũng không khác mấy so với tấm sơ đồ của ông Tự.
Chiến thắng Đăk Pơ đã ghi thêm một trang chói lọi vào lịch sử hào hùng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Hiện nay tại đây chính quyền tỉnh Gia Lai đã dựng một nhà bia kỷ niệm, có bia đá khắc thư khen ngợi của Bác Hồ và của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bác Hồ đã khen: "Các chú hoạt động có thành tích khá, Bác vui lòng thay mặt Chính phủ khen ngợi các chú và thưởng đoàn vừa thắng khá ở An Khê Huân chương Kháng chiến hạng Nhất…". Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Đây là một trận vận động phục kích lớn, dũng cảm và linh hoạt, tận dụng được yếu tố bất ngờ, sử dụng lực lượng với hiệu quả cao, đánh trúng vào chỗ yếu của địch, bồi thêm cho chúng một đòn thất bại nặng nề…". Sau này, có nhiều lần chính những người Pháp bại trận trở lại Việt Nam và đã bày tỏ thắc mắc, muốn tìm hiểu vì sao họ có thể bị đánh bại trong trận này, một thất bại vô cùng cay đắng. Bởi GM 100 là một binh đoàn thiện chiến bậc nhất của quân đội Pháp, đã chinh chiến tại nhiều chiến trường ở Triều Tiên, với quân số bằng 1/4 quân số ở Điện Biên Phủ. Nhưng đội quân này đã bị đánh tả tơi chỉ với hai tiểu đoàn còn rất trẻ và chỉ trong vòng 7 tiếng đồng hồ! (Trung đoàn 96 khi thành lập có 3 tiểu đoàn, nhưng Tiểu đoàn 30 đang phải cầm chân địch trong Chiến dịch Át-lăng ở Quy Nhơn, vì vậy tham gia đánh trận GM 100 này chỉ có hai tiểu đoàn là 40 và 79).
Về hưu, ông Nguyễn Tự sống một cuộc sống thanh bần tại số nhà 79 Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn. Hiện nay, ông là Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 96 tại Bình Định. Tuổi đã cao, sức đã yếu khiến di chứng trong hai cuộc chiến tranh đã quay lại hành hạ, thế nhưng ông vẫn làm mọi điều có thể để tìm lại hài cốt của những đồng đội cũ trên chiến trường năm xưa. Tại mảnh đất Đăk Pơ, 147 chiến sĩ đã ngã xuống, máu của họ đã thấm sâu vào lòng đất, hương hồn của họ đã hòa vào sông núi cỏ cây, UBND tỉnh Gia Lai đã xây dựng một nhà tưởng niệm, hằng năm vẫn tổ chức kỷ niệm trận đánh và tưởng nhớ các liệt sĩ đã ngã xuống vào giờ phút chót, không kịp chứng kiến cảnh người Pháp chấp nhận thua trận ở Việt Nam và Đông Dương.