Nhiều địa phương thiệt hại nặng nề

Xã hội - Ngày đăng : 06:14, 25/06/2011

Đã có 9 người chết và mất tích, hàng chục người bị thương * Hà Nội đã thu hoạch được khoảng 90% diện tích lúa xuân * Tiếp tục đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi

Vị trí trung tâm vùng áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,3 độ Vĩ Bắc; 104,0 độ Kinh Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng trung tâm giảm xuống còn cấp 6, tức là dưới 39km/h. Do ảnh hưởng của bão, ở vịnh Bắc bộ đêm qua có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Biển động mạnh, có mưa rào và dông, cần đề phòng có lốc xoáy. Tại các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Hệ thống máy bơm dã chiến chống úng tại huyện Ứng Hòa sẵn sàng bơm tiêu, thoát nước.


Bắt đầu từ rạng sáng ngày 24-6, bão số 2 (Hải Mã) ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình… gây ra gió mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8, nhiều nơi có mưa vừa đến mưa to, phổ biến ở mức 50 đến 100mm. Một số nơi cao hơn như Phủ Liễn (Hải Phòng) 133mm; Cúc Phương (Ninh Bình) 134mm; trung tâm Hà Nội 120mm; Yên Định (Thanh Hóa) 142mm; Bái Thượng (Thanh Hóa) 158mm… Ở đảo Bạch Long Vĩ đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 9; Cô Tô (Quảng Ninh) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9.

Nhiều địa phương thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản
Chủ động đối phó với bão, các ngành địa phương đã triển khai đồng bộ nhiều phương án bảo đảm an toàn tính mạng con người, cơ sở vật chất, công trình thủy lợi, an toàn hồ chứa nước và chống úng bảo vệ cây trồng. Chiều 24-6, Bộ Tư lệnh Biên phòng cho biết đã thông báo được cho 61.303 tàu, thuyền/255.697 người về diễn biến bão và nơi tránh trú an toàn. Ngoài ra, các tỉnh khu vực Đồng bằng Bắc bộ cũng đẩy nhanh thu hoạch lúa xuân, tuy nhiên đến nay vẫn còn một số nơi thu hoạch đạt tỷ lệ thấp như Ninh Bình 53,45%; Hải Phòng 60%; Thái Bình 28,03%; Thanh Hóa 75%...

Bão số 2 cũng đã gây thiệt hại về người và tài sản ở một số địa phương, thống kê bước đầu của các địa phương, tính đến thời điểm này, đã có 9 người chết và mất tích, 81 người bị thương, nhiều diện tích hoa màu và tài sản của nhân dân bị hư hại nặng nề.

Tất cả các tàu thuyền hoạt động trên biển đã được thông báo tìm nơi tránh bão.


Tại Nghệ An, hồi 18h20 ngày 23-6, tàu cá NA 92037 với 8 lao động do ông Nguyễn Do Thái ở Diễn Ngọc (Diễn Châu) làm thuyền trưởng và tàu NA 92036 với 2 lao động do ông Thái Bá Đôn điều khiển trên đường về tránh bão bị sóng đánh chìm tại khu vực Hòn Nồm cách bờ 2km. Toàn bộ thuyền viên trên 2 tàu đã được cứu vào bờ an toàn. Ngoài ra, hồi 20h30 ngày 23-6, tàu cá NA 0895 với 4 lao động trên đường về tránh bão bị sóng đánh chìm tại khu vực cách đảo Hòn Ngư 0,5km. Hiện 3 người đã được tàu Petrolimex cứu, còn một người mất tích, Bộ đội Biên phòng Cửa Lò - Bến Thủy đang tiếp tục tìm kiếm. Tại Hải Phòng, chiều 23-6, do ảnh hưởng của bão số 2, trên địa bàn xã An Lư, huyện Thủy Nguyên đã xảy ra lốc xoáy gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thống kê ban đầu có 2 người chết; 79 người bị thương; 16 nhà bị sập, 1.021 nhà bị tốc mái; 12 phòng học bị tốc mái và nhiều tài sản khác của nhân dân chưa thống kê được. Sáng 24-6, huyện Thủy Nguyên đã bố trí lực lượng giúp dân dựng lại nhà cửa, trường học, vệ sinh môi trường; thành phố Hải Phòng cũng đã hỗ trợ đột xuất gia đình có người bị chết 5 triệu đồng. Bộ Tư lệnh Vùng 1 Hải quân điều động 61 cán bộ, chiến sĩ giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, sơ cứu người bị thương, tham gia cùng chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự, hướng dẫn bà con tập kết tài sản về nơi an toàn.

Tại Yên Bái, mưa, lũ quét xảy ra trên địa bàn xã Nậm Khắt, huyện Mù Căng Chải. Lũ quét đã cuốn trôi 4 người đi bắt cá trên suối, mới tìm thấy thi thể 1 người. Ban Chỉ huy PCLB tỉnh đã chỉ đạo UBND huyện huy động lực lượng tại chỗ gồm huyện đội, công an địa phương để tìm kiếm cứu nạn. Hiện khu vực bản Xua Lông vẫn bị chia cắt. Trong khi đó, chiều 23-6, tại tỉnh Nam Định, do nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 2, đã có mưa lớn kèm và lốc xoáy làm chết 2 người tại xã Nam Tiến; tàn phá 7 ngôi nhà cùng nhiều diện tích lúa vụ mùa tại xã Nam Hồng của huyện Nam Trực.

Tại xã An Lư, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) nhiều nhà bị sập và tốc mái do lốc xoáy.

Trước diễn biến phức tạp của mưa bão, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, PCLB&TKCN Bộ Công an đã có công điện chỉ đạo các cơ quan trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão và triển khai các biện pháp đối phó. Đặc biệt là khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh tăng cường chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức thu hoạch lúa đã chín; chủ động tiêu nước đệm phù hợp với tình hình của địa phương. Đôn đốc các chủ đầu tư, nhà thầu có biện pháp bảo đảm an toàn cho các công trình đang thi công, nhất là các công trình hồ chứa, công trình liên quan đến an toàn đê điều. Kiểm tra, đôn đốc và thường xuyên theo dõi, chuẩn bị vật tư dự phòng để bảo đảm an toàn các hồ chứa mực nước đã ở mức cao như các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và sẵn sàng phương án di dân ở hạ lưu.

Hà Nội thực hiện các phương án phòng, chống bão
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB Hà Nội, đến 17h ngày 24-6, lượng mưa trung bình trên địa bàn thành phố khoảng 60mm, cá biệt một số nơi trong nội thành lượng mưa trên 100mm. Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, để đối phó với những diễn biến bất lợi của bão số 2, các lực lượng thường trực kiểm tra hệ thống đê, kè, hồ đập, các công trình thủy lợi, phát hiện, xử lý kịp thời sự cố có thể xảy ra trong mưa lũ. Phương án tổ chức sơ tán dân, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân ở những vùng ven sông, vùng trũng, thấp có khả năng xảy ra úng ngập hoặc sạt lở đất được các cấp chính quyền địa phương chủ động triển khai.

Nông dân tranh thủ gặt lúa trước khi bão về.

Theo Chi cục Thủy lợi Hà Nội, tại huyện Thạch Thất, mưa lớn đã khiến 150ha lúa thuộc khu vực các xã Hương Ngải, Canh Nậu bị úng, hiện 6 máy công suất 4.000m3/h tại Trạm bơm Thụy Đức hoạt động hết công suất để cứu phần diện tích lúa này. Ngoài ra, trên địa bàn ngoại thành, trong tổng số gần 2.000 máy bơm ở 437 trạm bơm phục vụ công tác chống úng lụt, đã có 92 máy bơm tại 31 trạm vận hành, tập trung chủ yếu tại lưu vực sông Nhuệ thuộc các huyện Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức... Còn lại, các trạm bơm khác luôn sẵn sàng chờ lệnh vận hành chống úng bảo vệ diện tích lúa, hoa màu, mạ đã gieo và hỗ trợ tiêu nước cho khu vực nội thành khi xảy ra mưa lớn.

Công tác chỉ đạo nông dân các địa phương ra đồng gặt chạy úng cũng diễn ra khá khẩn trương. Tính đến 17h ngày 24-6, toàn thành phố chỉ còn khoảng 5% diện tích lúa cấy muộn, chưa thu hoạch. Đối với 5.100ha mạ vụ mùa, các địa phương đã khoanh vùng bơm tiêu nước đệm và phân công các lực lượng túc trực chống úng.

Tối 24-6, do lượng mưa tại các huyện phía Tây và phía Nam kéo dài khiến mực nước một số hồ chứa như hồ Quan Sơn (Mỹ Đức), Miễu, Văn Sơn (Chương Mỹ), Suối Hai lên xấp xỉ ngưỡng tràn... Trước tình hình này, các đơn vị thủy lợi đã chủ động triển khai phương thức xả rút bớt mực nước trong lòng hồ.

Tạm ứng hơn 85 tỷ đồng dự trữ hàng hóa cứu trợ thiên tai


(HNM) - Để chủ động đối phó với thiên tai, UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 2979/QĐ-UBND tạm ứng vốn cho 3 doanh nghiệp để dự trữ hàng hóa phục vụ công tác cứu trợ, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân vùng bị thiên tai trên địa bàn Hà Nội năm 2011. UBND TP tạm ứng từ Quỹ dự trữ tài chính TP số tiền 85,05 tỷ đồng cho 3 doanh nghiệp, gồm Tổng Công ty Thương mại Hà Nội 55,05 tỷ đồng; Công ty TNHH 2-9 Hà Tây 15 tỷ đồng và Công ty TNHH MTV Lan Chi, Business 15 tỷ đồng. Các mặt hàng tạm ứng vốn dự trữ là sản phẩm chế biến từ ngũ cốc, nước sạch đóng chai hoặc bình, nến thắp sáng, thực phẩm chế biến từ thịt và cá, sữa uống. Thời gian thực hiện tạm ứng từ tháng 6 đến tháng 12 năm 2011, lãi suất các đơn vị được hưởng là 0%.

Chí Đạo

Hoài Thu - Chí Kiên, Ảnh: Tuấn Tú - Bá Hoạt