Từng bước tiệm cận với đời sống
Chính trị - Ngày đăng : 06:01, 25/06/2011
Tại Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật lần thứ 3 do Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển của LHQ tổ chức ngày 22-6, các chuyên gia và các nhà làm luật đánh giá: Dự thảo đã tiệm cận hơn với đời sống, phù hợp điều kiện hội nhập quốc tế.
Việc đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông theo chỉ số giá tiêu dùng hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay và tránh được hiện tượng “nhờn luật” do phạt tiền quá thấp. Ảnh: Trung Kiên |
Bổ sung hình phạt
Xử lý VPHC nói chung và xử phạt VPHC nói riêng là công cụ quan trọng trong hoạt động quản lý nhà nước nhằm duy trì trật tự, kỷ cương trong quản lý hành chính của Nhà nước ta. Theo ông Nguyễn Công Hồng, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự - hành chính (Bộ Tư pháp), Dự thảo Luật XLVPHC (Dự thảo) lần này đã bổ sung nhiều quy định mới cho phù hợp với tình hình thực tế. Đó là thêm một số biện pháp khắc phục hậu quả do VPHC gây ra như buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm... Dự thảo cũng bổ sung 3 hình thức xử phạt với đối tượng VPHC như buộc lao động phục vụ công cộng, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh phục vụ và buộc học tập các quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó, hình thức buộc lao động phục vụ cộng đồng được áp dụng với người có hành vi vi phạm thuộc các lĩnh vực ANTT, ATXH, bảo vệ môi trường, ATGT. Thời gian buộc lao động tối đa đến 30 giờ và người bị xử phạt không được trả công.
Lao động phục vụ cộng đồng khi có hành vi vi phạm là vấn đề không hề mới đối với các nước trên thế giới. Tại Việt Nam, đây là lần đầu tiên nội dung này được đưa vào Dự thảo và đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người. Phó Giám đốc CA tỉnh Vĩnh Phúc Lê Văn Kiên nhận định, biện pháp này có tính khả thi và mang tính răn đe cao, có tác dụng giáo dục cộng đồng vì đánh vào lòng tự trọng của mỗi người, đồng thời cũng sẽ góp phần giúp các cơ quan chức năng xử lý được các trường hợp vi phạm nhưng không có tiền nộp phạt. Cũng có ý kiến cho rằng đáng lẽ chúng ta phải đưa các hình thức phục vụ cộng đồng, buộc học lại các quy định của pháp luật liên quan đến vi phạm vào luật từ lâu, như vậy mới tránh được tình trạng "phạt tiền là xong", giúp người vi phạm thật sự "thấm luật và hiểu luật".
Mức phạt tiền tăng theo chỉ số giá tiêu dùng
Có thể coi đây là điểm mới mang tính "đột phá" của Dự thảo. Nhằm bảo đảm tính ổn định, Dự thảo đã bổ sung một điều quy định về thẩm quyền xử phạt tiền trong trường hợp có biến động giá và việc thay đổi tên gọi của chức danh có thẩm quyền xử lý VPHC. Theo đó, căn cứ vào tỷ lệ phần trăm biến động về giá cả theo Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh tương ứng mức xử phạt tiền tối đa và thẩm quyền xử phạt tiền. Dự thảo cũng đưa ra quy định đối với các lĩnh vực như giao thông, môi trường, quản lý trật tự đô thị, Chính phủ có thể quy định mức phạt tiền ở khu vực nội thành của các TP trực thuộc TƯ cao hơn quy định chung. Đặc biệt, để khắc phục tình trạng cố tình dây dưa việc nộp tiền phạt của cá nhân, tổ chức vi phạm, Dự thảo đã bổ sung quy định về việc tính thêm 0,5% trên tổng số tiền phạt cho mỗi ngày nộp chậm trước khi áp dụng các biện pháp cưỡng chế.
Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm giao thông theo chỉ số giá tiêu dùng chắc chắn sẽ góp phần hóa giải sự "xơ cứng" trong cách quy định về thẩm quyền, lĩnh vực và mức xử phạt tối đa của Pháp lệnh Xử phạt VPHC hiện nay. Hơn nữa, mức phạt tiền trong từng lĩnh vực quản lý Nhà nước do Chính phủ quy định luôn được tăng lên là hoàn toàn phù hợp với điều kiện hiện nay và tránh được hiện tượng "nhờn luật" do phạt tiền quá thấp. Tại Diễn đàn đối thoại chính sách pháp luật, ông Nguyễn Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ CA còn kiến nghị nâng mức phạt tiền các thủ tục đơn giản từ 200 nghìn đồng lên 500 nghìn đồng cho phù hợp với thực tế.
Dự kiến, Luật XLVPHC sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII vào cuối năm 2011. Với những đổi mới trong việc quy định về thẩm quyền, hình thức và thủ tục XLVPHC gần gũi và đi trước một bước, đây sẽ là công cụ pháp lý quan trọng để cùng với pháp luật hình sự góp phần tích cực giữ gìn trật tự, kỷ cương quản lý hành chính của đất nước, giữ gìn ANTT, ATXH, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đấu tranh phòng, chống có hiệu quả đối với VPHC và tội phạm trong thời kỳ mới.
Một số điểm mới đáng chú ý của Dự thảo Luật XLVPHC * Đối tượng xử phạt có quyền tham gia và giải trình về các vấn đề liên quan đến vụ vi phạm. Quy định về giải trình trực tiếp và xem xét công khai được thực hiện trong trường hợp áp dụng hình thức phạt tiền với mức tiền phạt tương đối lớn (trên 50 triệu đồng) hoặc trong trường hợp vi phạm có thể bị áp dụng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. * Đối với người bán dâm chỉ áp dụng xử phạt hành chính và không áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở chữa bệnh với tính chất là một chế tài như hiện nay. * Không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng đối với trẻ em từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi mà chỉ áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn... |