Uẩn khúc sau những con số

Tuyển sinh - Ngày đăng : 05:56, 25/06/2011

(HNM) - Quyết định công nhận kết quả thi của thí sinh (TS) mà không chấm lại bài thi tại 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long của lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã phần nào giải tỏa nỗi lo lắng, sự căng thẳng của không ít phụ huynh, HS suốt những ngày qua.

Tuy nhiên, một tỷ lệ khá hoàn hảo về số HS đỗ tốt nghiệp (95,72%) và những "sơ suất" có liên quan đến các khâu coi thi, chấm thi… đã khiến dư luận không khỏi băn khoăn về việc có cần thiết phải tổ chức một kỳ thi gây căng thẳng và lãng phí như hiện nay?

Các thí sinh sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: Nhật Nam


Nới lỏng chấm thi: Ai sai phải chịu
Mặc dù chưa công bố chính thức về mức độ sai phạm, song theo kết quả xác minh sơ bộ của Bộ GD-ĐT về việc "thỏa thuận" nới lỏng chấm thi tại 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã khẳng định rõ ràng là có sự vi phạm quy chế thi. Trong khi hướng dẫn chấm thi và đáp án của Bộ là thước đo áp dụng thống nhất trên cả nước và chỉ có một thì việc các địa phương này tự ý điều chỉnh hướng dẫn chấm theo hướng nới lỏng để "tô" đẹp tỷ lệ tốt nghiệp là điều không thể chấp nhận, khiến dư luận trong và ngoài ngành bất bình.

Chiều ngày 24-6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã có công văn gửi chủ tịch UBND 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (gồm An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long) đề nghị phối hợp xử lý sai phạm trong khâu chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Tại văn bản này, Bộ GD-ĐT khẳng định không cho phép các hội đồng chấm thi tự xây dựng và sử dụng các hướng dẫn chấm thi khác với hướng dẫn chấm thi của Bộ. Việc làm diễn ra tại hội đồng chấm thi của 11 tỉnh là trái với Quy chế thi. Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh, theo thẩm quyền, chỉ đạo Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và Giám đốc Sở GD-ĐT tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả về Bộ GD-ĐT trước ngày 31-7-2011. Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với UBND các tỉnh, TP trong quá trình này.

Quyết định của Bộ về việc không chấm lại bài thi của TS xét ở một góc độ nhất định đã được dư luận đánh giá là phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ông Nguyễn Vinh Hiển lý giải về việc tại sao không tổ chức chấm thẩm định: Biên bản thống nhất chấm thi của 11 tỉnh đã thể hiện rõ sai phạm, không nhất thiết phải chấm thẩm định, gây tốn kém và lãng phí thời gian. Với trách nhiệm trước TS và xác định các em không có lỗi trong việc này nên Bộ đã quyết định công nhận kết quả tốt nghiệp của tất cả TS. Việc chấm lại có thể sẽ làm hạ tỷ lệ tốt nghiệp, có thể không nhiều, nhưng sẽ gây xáo trộn nhiều việc, TS có thể mất cơ hội tham dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011. Bộ sẽ khẩn trương xác định và xử lý nghiêm những cá nhân, tập thể vi phạm với tinh thần đúng người, đúng tội.


Về tỷ lệ tốt nghiệp đã được cố ý "làm đẹp", trong đó có những cú nhảy ngoạn mục ở một vài địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Tiêu cực trong thi cử vẫn còn, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở một số nơi là bất bình thường, nhưng không nhiều. Bộ sẽ chấm thẩm định những nơi có dấu hiệu bất ổn. Tuy nhiên, hầu hết địa phương đều đã nỗ lực hướng tới một kết quả thi phản ánh sát chất lượng dạy - học. Năm học này, với chủ trương "nâng đầu trên", các địa phương đã chú trọng bồi dưỡng HS khá giỏi, tỷ lệ tốt nghiệp loại khá, giỏi vì thế tăng từ 10,02% lên 13,83%.

Mặc dù phương án giải quyết của Bộ về vụ nới lỏng chấm thi tại 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cơ bản được đồng tình, song ít nhiều vẫn khiến dư luận cảm thấy không công bằng trong việc ghi nhận sự nỗ lực của hơn 50 tỉnh, thành còn lại.

Giao quyền tổ chức thi cho địa phương?
Trước một kết quả thi gây nhiều nghi ngại, không ít ý kiến cho rằng, phong trào "Hai không" của Bộ GD-ĐT phát động 5 năm trước đây đã phá sản. Tuy nhiên, như khẳng định của lãnh đạo Bộ, "Hai không" không bị phá sản, chỉ có điều là chúng ta có đạt được mục đích như mong muốn hay không. Sau 5 năm, kỷ cương thi cử đã được cải thiện hơn rất nhiều, chất lượng giáo dục có chuyển biến, tỷ lệ HS yếu, kém giảm hẳn. Bộ đang chuẩn bị tổng kết việc thực hiện "Hai không" để nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục. Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ nghiên cứu điều chỉnh việc tổ chức thi cử, tuy nhiên Bộ cho rằng vẫn cần thiết phải có kỳ thi đánh giá mang tính quốc gia. Việc điều chỉnh chỉ nhằm để kỳ thi quốc gia được thực hiện tốt hơn.

Ngay sau kỳ thi, nhiều ý kiến cho rằng nên phân cấp để địa phương tổ chức thi tốt nghiệp THPT. Đây không phải là ý tưởng mới vì việc này đã được xới xáo từ vài ba năm trước, song lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng việc phân cấp phải được xem xét, cân nhắc kỹ càng trên cơ sở khả năng thực hiện của địa phương.

Các thí sinh làm bài thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Ảnh: Khánh Huyền


Trong khi đó, lãnh đạo một số Sở GD-ĐT địa phương khẳng định, có thể đảm đương được nhiệm vụ tổ chức kỳ thi này, đồng thời kiến nghị Bộ tiến hành thêm nhiều giải pháp song song, trong đó có việc cải tiến thi tuyển sinh ĐH, CĐ và xây dựng ngân hàng đề dùng chung, bảo đảm chất lượng. Nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải triệu tập cả triệu thí sinh đi thi trong cùng một thời điểm. Bộ GD-ĐT có thể ban hành khung thời gian để các địa phương tùy theo điều kiện thực tế mà tổ chức thi. Đề thi lấy từ ngân hàng đề của Bộ để bảo đảm cấu trúc, yêu cầu của việc ra đề thi, cũng như mặt bằng chất lượng chung.
Có một điều hiển nhiên là phần lớn học sinh tốt nghiệp THPT ở thành phố lớn, nơi có điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi, sẽ có trình độ và khả năng khác với học sinh cũng tốt nghiệp THPT nhưng ở nơi khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Việc đòi hỏi một "thước đo" chung đối với mọi học sinh là không thể và không cần thiết. Thêm nữa, đầu ra của học sinh có bằng tốt nghiệp ở mỗi nơi cũng rất khác nhau, nơi thì ra trường là đã có thể làm cán bộ, nơi lại chưa thể vào đời. Vì thế, việc tổ chức một kỳ thi quốc gia để xét tốt nghiệp không mang nhiều ý nghĩa.

Đồng bằng Bắc bộ có tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân cao nhất


(HNM) - Ngày 24-6, Bộ GD-ĐT đã chính thức công bố kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2011. Theo đó, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT toàn quốc là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010. Tỷ lệ tốt nghiệp loại khá và loại giỏi đạt 13,83%, tăng 3,81% so với năm 2010. 8 tỉnh Đồng bằng Bắc bộ có tỷ lệ tốt nghiệp THPT bình quân cao nhất toàn quốc là 99,52% (năm 2010 là 99,14%,), trong đó Nam Định là tỉnh dẫn đầu với tỷ lệ 99,89% ở hệ THPT, 99,92% ở hệ bổ túc THPT. Có tỷ lệ tốt nghiệp bình quân thấp nhất toàn quốc vẫn là các tỉnh Đông Nam bộ (90,73%) và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (90,81%). Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp toàn quốc ở hệ bổ túc THPT là 85,47%, tăng 18,76% so với năm 2010.

Theo đánh giá của Bộ GD-ĐT, tỷ lệ tốt nghiệp bổ túc THPT năm 2011 không đồng đều giữa các địa phương. Có 32 tỉnh, TP có tỷ lệ tốt nghiệp trên 90%, nhiều tỉnh có kết quả tốt nghiệp bổ túc THPT tăng đột biến như Điện Biên, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Bà Rịa - Vũng Tàu…

Minh Đức

Hồng Hạnh