Người xây cầu nối

Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 24/06/2011

(HNM) - Ngày 22-6 vừa qua, Đại hội đồng LHQ gồm 192 quốc gia thành viên đã nhất trí bầu lại ông Ban Ki-moon vào chức Tổng Thư ký (TTK) LHQ nhiệm kỳ 5 năm lần thứ 2, bắt đầu từ ngày 1-1-2012.

Ban Ki-moon sinh ngày 13-6-1944 tại Chungju (Hàn Quốc). Thời học sinh, ông là chàng trai được ngưỡng mộ ở Trường THCS Chungju, đặc biệt về khả năng học tiếng Anh. Năm 1962, Ban Ki-moon giành chiến thắng trong một cuộc thi viết bài luận tiếng Anh do Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc tổ chức và ông được tới Mỹ hội kiến với Tổng thống John F.Kennedy. Khi các phóng viên tham dự cuộc gặp đó hỏi muốn làm gì khi lớn lên, chàng trai xứ Hàn đã nói không ngập ngừng: "Tôi muốn trở thành một nhà ngoại giao". Sau khi về nước, Ban Ki-moon theo học ngành quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul và tiếp tục học Thạc sĩ về hành chính công tại Đại học Harvard năm 1985 và lấy thêm bằng Tiến sĩ Luật ở Đại học Malta (Mỹ) vào năm 2009. Ngoài tiếng Anh, Ban Ki-moon còn biết tiếng Pháp, tiếng Nhật.

Sau khi tốt nghiệp đại học, ông làm việc ở Bộ Ngoại giao Hàn Quốc và phần lớn thời gian công tác ở nước ngoài. Năm 2001, trong phiên họp thứ 56 của Đại hội đồng LHQ, Hàn Quốc đã nắm ghế chủ tịch luân phiên và ông bất ngờ được chọn vào ghế Chánh văn phòng của Chủ tịch Han Seung-soo. Năm 2003, ông được Tổng thống Roh Moo-hyun chọn làm cố vấn ngoại giao và một năm sau trở thành Ngoại trưởng. Tháng 2-2006, ông tuyên bố ý định ứng cử chức danh TTK LHQ để thay thế ông Kofi Annan đang chuẩn bị mãn nhiệm vào cuối năm. Là người Hàn Quốc đầu tiên tranh đua vào ghế TTK LHQ, ông không được xem là ứng viên nặng ký. Tuy nhiên, cuối cùng nhà ngoại giao Hàn Quốc đã là người chiến thắng. Với việc tái đắc cử nhiệm kỳ 2 này, Ban Ki-moon là người châu Á thứ 2 và là TTK thứ 5 trong số 8 TTK LHQ cho tới nay giữ chức vụ này hai nhiệm kỳ.

Ngay từ khi nhậm chức TTK LHQ nhiệm kỳ đầu tháng 1-2007, ông đã tạo hình ảnh một người theo trường phái ngoại giao lặng lẽ, trái ngược với người tiền nhiệm Kofi Annan. Vì thế, không ít người đã chỉ trích ông "quá kính trọng" các nước lớn trong LHQ cũng như thái độ rụt rè khi đối đầu với những vụ lạm dụng nhân quyền tồi tệ. Song, mong muốn tái tranh cử nhiệm kỳ 2 của ông đã nhận được sự hậu thuẫn của hầu hết các nước thành viên HĐBA. Ông đã một lần nữa chiến thắng vì không có đối thủ nào nặng ký hơn.

Đánh giá cao khả năng lãnh đạo của ông Ban Ki-moon trên cương vị này, Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Joseph Deiss cho rằng: "Trong môi trường quốc tế phức tạp và khó khăn, ông đã củng cố vai trò và tính minh bạch của LHQ bằng việc thông qua các biện pháp cải cách; đưa ra những sáng kiến thú vị và sáng tạo; kêu gọi một cách trung thực và bền bỉ việc tôn trọng các quyền con người, pháp quyền và các giá trị khác nằm trong khuôn khổ Hiến chương của LHQ". Hoan nghênh việc ông Ban Ki-moon tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, ông Ban Ki-moon đã thực hiện nhiều cải tổ quan trọng và dẫn dắt cơ quan quốc tế này đóng vai trò trọng yếu trong những cuộc khủng hoảng và thách thức trên toàn thế giới.

Phát biểu sau khi tái đắc cử, TTK Ban Ki-moon nói rằng LHQ hiện đang ở tuyến đầu trên nhiều mặt trận chống xung đột hơn bất kỳ thời điểm nào khác trong quá khứ, vì thế các nhà lãnh đạo thế giới cần phối hợp hành động hơn nữa để bảo vệ người dân cũng như góp phần xây dựng hòa bình. Ông cam kết trong nhiệm kỳ 2 sẽ tiếp tục dẫn dắt để LHQ trở thành "người xây cầu nối" khi thế giới đang trong biến động chưa từng thấy.

Đình Hiệp