Đội cảm tử đầu bạc ở Fukushima
Thế giới - Ngày đăng : 06:49, 24/06/2011
Những ngày qua, câu chuyện thời sự về một đội tình nguyện gồm 270 người đã về hưu và một số người lao động lớn tuổi khác bày tỏ nguyện vọng sẵn sàng đến làm việc phi vụ lợi tại nơi bị ô nhiễm phóng xạ cao nhất Nhật Bản là Fukushima lại được thế giới biết tới như những tấm gương lớn về tinh thần quả cảm.
Là người đã từng làm việc 28 năm tại Tập đoàn Thép Sumitomo nên ông Yasuteru Yamada - một trong những thành viên của đội tình nguyện tóc bạc - hiểu rõ công việc khắc phục hậu quả thảm họa hạt nhân ở Nhật Bản hiện nay phức tạp và quan trọng như thế nào đối với Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), đơn vị quản lý Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1. Năm nay đã bước sang tuổi 72, ông Yasuteru đã tình nguyện vào nơi nguy hiểm để khắc phục hậu quả khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy Fukushima số 1. Ông chính là người khởi xướng thành lập đội cảm tử đầu bạc này.
Với mong muốn được cống hiến cho đất nước như ông Yamada, ông Ishida năm nay đã 63 tuổi, công nhân xây dựng về hưu ở tỉnh Shiga tình nguyện gia nhập đội cảm tử này. Ngày còn trẻ, chính ông Ishida đã tham gia xây dựng Nhà máy Fukushima số 1. Ông Ishida nói: "Tôi rất đau đớn khi thấy mái nhà của lò phản ứng bị phá tung do vụ nổ khí hydro sau trận động đất, sóng thần hôm 11-3. Sau một hồi suy ngẫm, tôi bày tỏ ý định của mình với vợ và được bà ủng hộ".
Theo đề xuất của các kỹ sư trong đội cảm tử đầu bạc, họ muốn được chính phủ cho phép tham gia vào công việc phục hồi hệ thống làm mát cùng TEPCO và tất nhiên sẽ bảo đảm chấp hành mọi nội quy an toàn. Họ đều là người có tay nghề, hiểu biết và kinh nghiệm làm việc trong điều kiện ô nhiễm phóng xạ cao. Với mong muốn được cống hiến những năm cuối cùng của cuộc đời cho cuộc sống của thế hệ trẻ, ông Yamada đã tới gặp Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Banri Kaieda, người trực tiếp phụ trách việc khắc phục hậu quả thảm họa ở Fukushima, để bày tỏ nguyện vọng của đội quân cảm tử đầu bạc. Ông Yasuteru Yamada chia sẻ: "Chúng tôi không thể để công việc khắc nghiệt đó cho mình lớp trẻ hứng chịu. Những người trẻ, họ còn tương lai phía trước, đặc biệt rồi họ còn có con cái, không thể để họ bị nhiễm phóng xạ".
Tuy nhiên, bước đầu các quan chức Chính phủ Nhật Bản chưa chấp nhận đề nghị của đội cảm tử quân hưu trí này. Công ty TEPCO, trong cuộc họp báo mới đây cho biết, Chính phủ rất cảm kích trước tinh thần tình nguyện đó nhưng giờ họ đã có đủ công nhân (khoảng 1.000 người) để kiểm soát tình hình.
Ông Yamada hy vọng rằng, đội quân cảm tử già của ông sẽ có tiếng nói mạnh mẽ và bình đẳng đối với các quan chức TEPCO vì việc làm của đội quân này là vô tư và miễn phí. Theo danh sách mà ông Yamada có trong tay, hiện có hơn 900 đơn đăng ký và 250 người có đủ điều kiện mặc bộ đồ trắng chống phóng xạ vào khu vực nhà máy.