Hơi thở sông nước
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 24/06/2011
Sông Đà đoạn chảy qua Hòa Bình. Ảnh: Internet |
Bên hữu giáp Ba Vì đất dốc, nhưng ven đê phẳng lỳ, còn những dộc, vực, là nơi đốn thổ lên đắp đê, nay san lấp thành những đoạn ao lụn vụn. Bên tả đã là bán sơn địa, thấp thoáng bóng Mường, đâu như tổ là bộ lạc Âu Việt ngày xưa. Nhưng cũng có những tương đồng, như đôi nơi thờ chung phúc thần. Thuần
Mỹ - Ba Vì có nguồn nước nóng dưới lòng đất, bờ kia La Phù - Thanh Thủy cũng có nhưng nóng hơn, tạo thành “cầu du lịch” tắm toát mồ hôi rồi hưởng dê núi đá cá sông Đà. Đâu đâu cũng chạm những câu hỏi về lịch sử, văn hóa, như ngày ấy có phải con cháu vua Hùng đã trôi xuôi theo dòng sông này không, có đúng Việt Trì, đỉnh tam giác châu thổ bây giờ, ngày ấy là biển? Lại vương vít câu Trần Quốc Vượng “phán” các sử gia Nho giáo là “xằng bậy” khi “cho” con trưởng của Âu Cơ - Lạc Long Quân đem 50 anh em xuống biển; vì thời đó mẫu hệ, con trưởng đâu có lối theo cha.
Giáo sư Trần còn đôi câu nữa, rất đáng để chiêm nghiệm trong thời tiết chính trị hôm nay. Như mặt nước nói chung, trong đó có mặt biển, là chỗ chia cắt, xa cách, đầy hung hiểm, nhưng cũng lại là con đường kết nối thông thương, giao hòa văn hóa. Và người Việt, với cái tính cách “xa rừng nhạt biển”, từ trên nguồn xuống nơi phù sa ngừng bồi đắp thì chững lại, đã tự hạn chế mình. Con người sông nước, như thế, theo ông, phải có tính chất “quốc gia”, “quốc tế” hơn chứ không phải chỉ của họ ấy, làng ấy, theo thầy ấy.
Dù sao, đôi bờ còn vô khối lão nông một thời trổ thác buôn bè, những đàn bà ở nhà làm ruộng nuôi con, khi gả bán chúng mới gọi chồng về “quyết định”.
Sông Hồng từ Phong Vân, Cổ Đô (Ba Vì) vòng lên như cái chóp mũ, theo hướng Tây Bắc - Đông Nam qua Sơn Tây, Phúc Thọ, chạm đất Hà Nội cũ dài 52km. Đôi bờ phẳng phiu, bát ngát tập tục đồng bằng rồi. Nhưng cái hình vành tai tạo nên tên gọi “Nhĩ Hà” kể hơi khó hình dung. Bên kia là Vĩnh Tường, Yên Lạc của Vĩnh Phúc, người Thổ Tang đánh hàng qua Hữu Bằng - Thạch Thất trao đổi là thường. Xã Hồng Hà - Đan Phượng có miếu thờ thần Diều, chiều xuống những đàn ông thả lên trời con chim lực lưỡng, tiếng sáo vi vút đôi bờ cùng nghe.
Đôi ba tỉnh cách nhau đôi ba con sông, hơi thở sông nước cũng là hơi thở vùng giáp ranh, nó vừa liền vừa đứt, vừa tương đồng vừa xa cách. Thành hoàng chung, lại có khi bên này thờ ông em bên kia là ông anh. Đất cổ, nhìn thấy rõ điều ấy khi những cấu trúc đình, chùa, đền, miếu, văn chỉ chốc chốc lại hiện lên. Hai bên cùng làm bánh khúc, nhưng có chỗ chấm mắm tôm, hoặc đồng bãi trồng chuối thì bên tây bên tiêu. Lại có những xã đảo giữa sông, vợ chồng họ hàng đôi nơi giỗ chạp rất vất. Đất Minh Châu (Ba Vì), Liên Trung, Liên Hà (Đan Phượng) lúc lở lúc bồi, người bên kia sang trồng màu, nhưng hiền hòa, không có tệ tranh đất. Cách nay quãng hai chục năm tôi đến Minh Châu, bữa ăn với xã hồn nhiên chuyện Liên Xô đang tan rã, bỗng giật mình thấy xung quanh lạnh tanh, nghĩa là đất đảo xa trung tâm thông tin lắm lắm. Lại có cả một hòn Tân Đức vốn Ba Vì, giờ thành của tỉnh bạn rồi.
Người đông lên, cầu xây thêm, mà sông từ ngày ngăn đập Hòa Bình ngù ngờ hẳn, nên sự ngăn cách đang ngày một teo tóp. Đường lên Tây Bắc, Yên Bái, Tuyên Quang giờ phong quang quá. Nên chi, thật thú vị “lội” vào những câu ca xưa, để biết thời cha ông ta vừa ngần ngại vừa tha thiết trước dòng nước chừng nào. Sấm bên đông, động bên tây. Tuy rằng nói đấy nhưng đây động lòng. Hay Sông sâu cá lội ngù ngờ. Biết em có đợi mà chờ uổng công… Cái sự cách dòng xưa đến là oái oăm, làm ngại ngần bao đôi lứa, tạo ra những thung thổ, phong tục riêng biệt. Bao bà mẹ có con sang bờ kia không được hưởng phúc: Có con mà gả chồng gần, có bát canh cần nó cũng đem cho…
Nhưng gì thì gì, sông là cái hình ảnh đẹp, cho ta hạt phù sa, con cá, tạo nên văn minh châu thổ. Giữa cuộc sống đang quá “dương tính” hùng hục làm ăn, thi nhau lên hiện đại, nó giữ lại cho ta những gì hiền hòa, bao dung. Có thể mềm mại, bị bắt nạt, bất lực đấy, mà nó có thể rửa trôi những tham vọng giành giật dẫn đến cái ác, như lòng mẹ luôn muốn điều tốt cho bầy con.
*
Đang là mùa gặt. Cánh đồng ngả vàng phập phồng trông cơn đằng Tây. Đây như đoạn đường cụt, chưa nhiều lợi lộc, nên người ta chưa mang các dự án “đô thị hóa” làm nhá nhem một vùng quê thuần phác về. “Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài”. Xứ Đoài, đoạn sông Đen bắt vào sông Đỏ còn giữ được những hình ảnh của vùng đất cổ, đình đền chùa dưới mái đê rất dễ thấy. Đất Vân Sa, xã Tản Hồng thờ tướng Trần Quốc Trân đánh Chiêm Thành thời Trần. Đình Vân Hội xã Phong Vân thờ Phạm Cự Lượng, tướng tâm phúc của Ngô Quyền, sang triều Lê Đại Hành làm Vũ Vệ Tướng quân. Tất cả các đình thờ Sơn Thánh Tản Viên như Quang Húc ở Đông Quang, Phú Hữu ở Phú Sơn đều ngoảnh về dãy Ba Vì. Xuôi cuối huyện có miếu Mèn thờ bà Man Thiện, mẹ đẻ hai vị anh hùng Trưng Trắc, Trưng Nhị. Hồi đóng đô Mê Linh, hai bà tôn mẹ là Man Hoàng hậu. Làng Phú Xuyên xã Phú Châu thờ Bùi Đôn, Bùi Chẩn, hai vị anh hùng đánh giặc Minh, được Lê Lợi phong “Tả, hữu Quận công bộ lang súy”. Bờ đối diện, đất Vĩnh Tường, ngôi đình lại có cái giỏ đựng phân sơn son thếp vàng, thờ ông gắp phân. Thế mới biết người xưa thờ không sót cái gì, từ người có công giữ nước đến kẻ làm hạt thóc sinh sôi.
Lúa trong đồng, màu ngoài bãi, xã ven sông còn nhiều nghề để làm, đời sống không giàu có nhưng chả đến nỗi đói. Bà Phạm Thị Nhàn, con gái làng Chuông lấy chồng Phú Xuyên đem về nghề làm nón, mưa dầm gió bấc cả làng ngồi khâu. Cảnh ấy cũng có ở Tân Cương bên kia sông, nơi cô bà Nhàn làm dâu. Sáng ra chợ làng san sát lá nón Quảng Bình, nứa Yên Bái, Lào Cai, dân Vĩnh Tường sang cất nón mang đi Trung Quốc. Tính ra một năm Phú Sơn thu 6 tỷ đồng tiền nón, mới đây có anh chế máy vò lá, năng suất còn lên nữa. Sau dải tre chắn sóng xanh rì, ngoài kia, khoai ngô đỗ lạc điểm thêm vào bữa ăn con người ta cho đỡ đạm bạc.
*
“Nhất cận thị, nhị cận giang”. Cái vế đầu còn đúng, khi người trăm nơi bỏ quê về các trung tâm lớn sống, tạo nên một hình ảnh nông thôn toang toàng. Vế sau, có vẻ chỉ hợp với thời con sông chưa bị khai thác nhiều. Hồng, Đà đã có lúc là dòng vận tải thủy to lớn lên thượng du. Đường lên Mường Lễ bao xa, trăm bẩy mươi thác trăm ba mươi ghềnh. Mường Lễ tức Lai Châu, sông Đen tấp nập gạo muối lên, sa nhân cánh kiến song mây xuống. Mưa rào đổ vớt cá bột, lũ vớt củi, hết lũ trải phù sa cho cây màu nằm. Dòng sông cũng là cái chợ, gì cũng trao đổi được, người tinh khôn đếm cá giống kiểu “hai mươi hai mốt, con này tốt, ba mốt ba hai”.
Đời sống hiện đại là thử thách khắc nghiệt với dòng sông và cư dân đôi bờ. Tồn tại thế nào đây, khi nước, cái tạo nên hình ảnh và luôn cả sức sống của nó bị khai thác từ đầu nguồn, để sinh lợi cho những vùng miền khác. Sông Chảy bị chặn lại ở Thác Bà, thủy lũ sông Lô ra Hồng Hà ít hơn. Đến khi đập Hòa Bình lên thì lững lờ lắm, đến nỗi những vùng phân lũ cũng ít theo. Tàu bè lên đến Hòa Bình, Yên Bái thưa thớt, tàu khách tạnh hẳn, có chăng những ông mò cát sạn còn hoạt động.
Đập thủy điện làm tan tác những vạn chài từ bao đời, vì nguồn cá bị chặn lại. Vạn Cổ Đô còn mươi thuyền, sống khó nhọc. Gia đình anh Lê Văn Hoạt, chị Ngô Thị Tuyết quanh năm đánh bắt mà con lớn đã bỏ học, đứa nhỏ lớp năm theo không biết được bao lâu nữa. Không có đất trên bờ, mà giá thử được cấp cũng chả “thích nghi” nổi, họ cứ lênh đênh, tố lốc nổi lên thì buông neo, ngâm mình giữ thuyền khỏi lật. Xã Cổ Đô có xóm đạo Tân Tiến toàn dân ra sông, nay mỗi anh mỗi kiểu. Ông Lê Văn Giới lên bờ năm 98, mướn 5 sào lúa nuôi con. Ông Lê Văn Hà dựng được nhà gạch, 70 tuổi ngồi ôm cháu cho con lên Tuyên kiếm ăn. “Độ cá lồng rộ lên nhiều người phất, đến ’87 lại trắng tay. Mà đập Hòa Bình năm xả nước một lần, không biết kiểu gì mà cá nổi trắng”, ông kể. Đời người, đời cá như thế kể cũng khó biết đằng nào mà lần.
Nhưng dù sao, dù thế nào, dòng sông vẫn chảy, tiềm ẩn sự hung hiểm trong hình ảnh hiền hòa. Cảnh sát đường thủy cho biết ma túy, bị kiểm soát gắt gao đường bộ, có thể ẩn dưới gầm bè trôi về. Rắn, rùa, nhím, gà nhập lậu chi chít bến đò. Tháng 9-2009, 72kg rắn, trong đó có 14 con rắn hổ mang chúa bị bắt trên phà Vân Phúc khi đang chuyển từ Phúc Thọ sang Phú Thọ. Thái Hòa, Phong Vân, quanh cầu Trung Hà nhiều điểm hút chích, Thuần Mỹ bắt lắm mại dâm. Chủ tàu, tài công thuyền vận tải khốn nạn với tệ chèn ép của các doanh nghiệp cứu nạn. Trên một đoạn không dài có ba công ty kéo cạn Biển Đông (Hà Nội), Hoa Nam (Phú Thọ), Thụy Phong (Vĩnh Phúc) hoạt động. Khoảng năm 2010, quân Hoa Nam và Thụy Phong chém nhau ầm ỹ mặt báo. Giữa anh đánh cá mặt sông với đám vận tải cũng không êm đẹp, tàu đâm rách lưới là dáo mác dễ đổ ra lắm. Rồi làm xô lệch biển báo khiến tàu mắc cạn để ép giá, tranh mối, có cái gì đó giống đám trấn lột trên bờ. Nhưng người ven sông lại chan chứa nhân hậu, sẵn sàng cứu thuyền trôi kẻ đuối, xẻ bát cơm cho đám tha phương. Dòng sông khúc đen khúc đỏ cứ lở bên này lại bồi bên nọ. Bên dưới nó, trong lòng con đê này, chìm sâu trong bao nhiêu dặm cát, thể nào mà chả còn hình tích của tộc người xưa, cũng là cội nguồn dân tộc.