Hà Nội sẽ thí điểm thực hiện thu hồi đất GPMB
Đời sống - Ngày đăng : 14:44, 23/06/2011
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết: Trong gần 3 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, số lượng các dự án phải GPMB trên địa bàn TP tiếp tục gia tăng cả về số lượng, khối lượng và tính chất phức tạp; 6 tháng đầu năm 2011 có 1000 dự án – tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2010, diện tích phải thu hồi đất trên 10.318ha, liên quan đến trên 186.600 tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, dự kiến phải bố trí tái định cư cho trên 16.730 hộ.
Nhìn chung trong năm 2011, TP sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh công tác GPMB, thi công xây dựng các công trình dự án, nhất là các dự án giao thông hạ tầng, dự án dân sinh bức xúc. Cùng với nhiệm vụ GPMB đối với các dự án mới, dự án chuyển tiếp, năm 2011 là năm TP giải quyết tồn tại trong việc giao đất dịch vụ mà các quận, huyện, thị xã đã cam kết với nhân dân trước đây; giải quyết những tồn tại của các dự án đã cơ bản hoàn thành, khởi công phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (đường 32, đường Láng Hòa Lạc, đường Quốc lộ 3 mới Hà Nội – Thái Nguyên…); và các dự án liên quan đến khiếu kiện đông người trước thời điểm tổ chức bầu cử (các dự án ở phường Dương Nội, Yên Nghĩa, quận Hà Đông; Nhà ga T2 Nội Bài…).
Thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế trong công tác GPMB, Phó Chủ tịch Vũ Hồng Khanh đánh giá: có nhiều bất cập từ khâu chính sách cho đến thực hiện. Đó là theo quy định của Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ, việc thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tổ chức điều tra, kiểm đếm, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chi tiết cho từng hộ gia đình, cá nhân được triển khai ngay từ khi có chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, cán bộ của một số đơn vị, cơ sở chưa nắm rõ quy định này lên lúng túng dẫn đến việc triển khai thực hiện GPMB một số dự án chậm. Quỹ nhà tái định cư của TP còn thiếu, tiến độ đầu tư xây dựng các khu nhà tái định cư tập trung chưa đáp ứng yêu cầu của TP dẫn đến một số dự án chậm tiến độ GPMB. Chất lượng nhà tái định cư, đảm bảo đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội phục vụ đời sống của người dân có lúc chưa tốt, gây bức xúc (như Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng phản ảnh, để GPMB một khu di tích lịch sử trên địa bàn quận, người dân đã chuyển đến tái định cư ở một khu nhà cao tầng nhưng tiếc thay lại không có thang máy, đi lại rất khổ sở)… Bên cạnh đó, một số dự án tiến độ triển khai còn chậm so với chỉ đạo của TP như: dự án đường Vành đại 1 đoạn Ô Đông Mác – đê Nguyễn Khoái và đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu, đường Văn Cao – Hồ Tây, đường 5 kéo dài…
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đang phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Để giải quyết những tồn tại trên, thúc đẩy công tác GPMB trong 6 tháng cuối năm 2011 và những năm tới, Hà Nội đề xuất chọn thí điểm thực hiện việc thu hồi đất GPMB xây dựng một số tuyến đường giao thông nội đô, đồng thời với thu hồi đất GPMB 2 bên tuyến đường theo quy hoạch, để phát huy hiệu quả của việc đầu tư, giảm chi phí GPMB, xây dựng các tuyến đường phố đẹp, hiện đại và tạo quỹ đất tái định cư tại chỗ cho dự án. Bên cạnh đó là chuẩn bị thực hiện đề án “Xây dựng khu đô thị tái định cư” đã được UBND TP phê duyệt, đảm bảo sớm có các khu tái định cư chất lượng cao, đa dạng các loại hình căn hộ, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, xã hội. Bên cạnh đó là tăng cường công tác kiểm tra trong quá trình thực hiện GPMB và trong “hậu GPMB”, để người dân trong khu vực dự án nhanh chóng ổn định đời sống sau khi bị thu hồi đất, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm…
Tại hội nghị, sau khi nghe ý kiến đóng góp của các quận, huyện, sở, ngành như: Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Từ Liêm, Thạch Thất, Hà Đông, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban chỉ đạo GPMB TP…, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, công tác GPMB trên địa bàn TP trong thời gian qua có nhiều khó khăn, phức tạp, tuy đã đạt được một số kết quả nhưng tiến độ một số dự án bị chậm, một số chưa giải quyết được nhu cầu chính đáng của nhân dân. Nguyên nhân là do còn có những bất cập trong cơ chế, chính sách của Nhà nước, phải giải quyết tính “lịch sử” của dự án (do chồng chéo giữa chính sách mới và cũ); thiếu sót trong thực thi; ý thức của một bộ phận nhân dân chưa tốt; năng lực của bộ máy chính quyền còn yếu… đó là những vấn đề thành phố cần phải nghiên cứu, tháo gỡ trong thời gian tới.
Liên quan đến một số kiến nghị của các quận, huyện, Chủ tịch khẳng định TP sẽ tiếp thu, giải quyết. TP sẽ cố gắng nhóm các đối tượng cần thu hồi đất để giải quyết, giảm bớt các trường hợp đặc thù. Với các loại đất xen kẹt, giao toàn quyền cho các quận, huyện thực hiện theo đúng quy hoạch. Với vấn đề nhà tái định cư, TP đã đặt ra như một chương trình công tác lớn, giải quyết nơi ăn ở cho nhân dân để đẩy nhanh tiến độ GPMB. Nay các quận, huyện kiến nghị đứng ra thực hiện các quỹ nhà tái định cư, TP rất hoan nghênh nhưng cần rút kinh nghiệm từ một số dự án trước đây (như Kim Giang – Thanh Xuân, đã từng giao cho quận làm nhưng công trình lại bị rút ruột).
Mặt khác, bên cạnh đó với dự án đường Ô Đông Mác – Trần Khát Chân đang thực hiện thí điểm việc thu hồi đất GPMB 2 bên tuyến đường theo quy hoạch, xây nhà chung cư cao tầng 2 bên đường để tái định cư người dân ngay tại chỗ, được nhân dân đồng thuận ủng hộ. Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đánh giá cao việc thí điểm thu hồi đất này, tạo tiền đề cho Hà Nội đột phá trong việc GPMB các dự án ở nội đô tới đây.
Phát biểu kết luận tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị nêu rõ, nhiệm vụ GPMB trên địa bàn TP Hà Nội là một công việc rất khó khăn, phức tạp. Theo nhiều cơ quan đánh giá, 2/3 số vụ việc khiếu kiện hiện nay liên quan đến đất đai, GPMB. Với Hà Nội, việc GPMB càng khó khăn hơn vì liên quan đến giá cả đất đai cao, lợi ích của người dân gắn với đất cũng rất lớn. Tuy nhiên, trong thời gian qua công tác GPMB của TP đã đạt nhiều kết quả, đại đa số nhân dân chấp hành chính sách của nhà nước, không có khiếu kiện lớn…
Tuy nhiên, để thúc đẩy công tác GPMB đạt được hiệu quả cao trong thời gian tới, Bí thư cho rằng, Hà Nội cần tiếp tục phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư GPMB; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chính sách GPMB của Đảng và Nhà nước; Thực hiện tốt cơ chế dân chủ trong công tác GPMB; có hình thức xử lý kiện quyết các chủ đầu tư chậm thi công dự án trong khi đã có mặt bằng, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến công tác GPMB. Với kiến nghị của Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất về việc tại khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc có đến 500ha đất đang bị bỏ hoang, hầu hết các dự án đều chậm tiến độ, Bí thư chỉ đạo UBND TP Hà Nội nên có văn bản báo cáo Chính phủ để giải quyết tình trạng này.
Trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách về GPMB; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; tập trung đẩy nhanh tiến độ GPMB thực hiện các dự án, nhất là các dự án xây dựng đường giao thông, hạ tầng kỹ thuật, dự án dân sinh bức xúc đảm bảo đúng tiến độ.