Bắt đầu từ đâu?

Giáo dục - Ngày đăng : 07:13, 23/06/2011

(HNM) - Ngày 18-6, các hội đồng thi tốt nghiệp THPT trên toàn quốc đã

Học sinh ôn bài trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011. Ảnh: Viết Thành


Nhà giáo Vũ Hữu Phú (quận Long Biên): Nếu kết quả thi phản ánh đúng chất lượng sẽ là thành tựu lớn
Năm 2007, tỷ lệ tốt nghiệp THPT chung của cả nước chỉ xấp xỉ 70%. Hầu hết trường THPT đều có học sinh không tốt nghiệp trong kỳ thi quốc gia đầu tiên mà phải đợi đến kỳ thi thứ hai mới đạt tỷ lệ 100% tốt nghiệp. Sau 4 năm, tỷ lệ tốt nghiệp ở cấp học quan trọng này đã gần đạt mức tuyệt đối. Nếu những con số này phản ánh đúng chất lượng giáo dục phổ thông thì đây là một thành tựu lớn của ngành giáo dục - đào tạo nước ta. Tuy nhiên, là người trực tiếp giảng dạy nhiều năm, tôi không đánh giá cao những con số này. Trên thực tế, những năm gần đây có nhiều học sinh học rất giỏi, có khả năng vượt trội và bứt phá hơn hẳn các bạn cùng trang lứa vì được gia đình đầu tư, cho tiếp cận với nhiều nguồn kiến thức khác nhau. Mặt khác, cũng có nhiều học sinh do ít được sự quan tâm hướng dẫn của bố mẹ, thầy cô nên có thái độ rất tiêu cực với việc học tập hoặc học không có mục đích. Thế nên phải chờ sau khi có điểm thi của kỳ thi tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ), chúng ta mới có thể đánh giá kiến thức và học lực của học sinh có thực sự đã được nâng cao hay không.

Ông Nguyễn Hoàng Kim (Dốc Vân, Đông Anh): Phân loại học lực ở kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng rõ hơn
Học sinh tốt nghiệp THPT tức là đã được trang bị những tri thức cơ bản để làm tiền đề mở mang, nâng cao kiến thức (học CĐ, ĐH...) hoặc sẵn sàng học một nghề nào đó phù hợp. Vì vậy, chất lượng kỳ thi tốt nghiệp THPT rất quan trọng không chỉ với mỗi thí sinh mà còn với cả gia đình và xã hội. Tốt nghiệp THPT với tỷ lệ cao ngay từ kỳ thi đầu tiên, học sinh không phải học lại, thi lại nhiều cũng đỡ tốn kém hơn cho gia đình và ngân sách nhà nước. Tôi nghĩ, thi tốt nghiệp THPT cần có định hướng từ việc đặt mục tiêu, yêu cầu đến ra đề… nên ở mức độ vừa phải để học sinh có thể tốt nghiệp với tỷ lệ cao, sau đó mới phân loại khá, giỏi hoặc đòi hỏi khắt khe ở các kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ để lựa chọn. Như vậy, những em có học lực trung bình sẽ sớm có định hướng học nghề hay lao động chân tay để kiếm sống một cách lành mạnh, tránh gây cho các em bị nhiều áp lực thi cử, dễ chán nản, tiêu cực...

Nhà giáo Phạm Ngọc Uyển (quận Đống Đa): Cần rút kinh nghiệm ngay từ khâu ra đề
Nếu nói đề thi năm nay, đặc biệt đề thi ngữ văn dễ cũng chưa chính xác. Từ trước tới nay, học sinh vẫn có thói quen làm văn là trả lời các câu hỏi "ai, cái gì, ở đâu, khi nào", chỉ những học sinh có năng khiếu thực sự mới tự cảm nhận được giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Do vậy, câu 1 của đề thi ngữ văn đòi hỏi các em tự tư duy giá trị nghệ thuật của một tác phẩm dài và khó như "Chiếc thuyền ngoài xa" là câu hỏi dành cho học sinh khá, giỏi. Với đáp án "cứng" ban đầu, nhiều thí sinh khó đạt được điểm của câu hỏi này vì đây là câu hỏi thi nhằm phân loại thí sinh chứ không nhằm đánh giá kiến thức cơ bản để cho tốt nghiệp. Còn nói đề thi hay thì cũng đúng, song lại đòi hỏi học sinh phải có tư duy sắc sảo, kiến thức tốt mới có thể cảm nhận và làm bài được. Có lẽ vì lý do này, Bộ GD-ĐT mới phải có văn bản hướng dẫn, chính xác hơn là điều chỉnh đáp án theo hướng gợi mở cho giáo viên chấm thi chủ động đánh giá, chấm điểm. Đây cũng là cách làm hợp lý, cần được phát huy. Tuy nhiên, để tránh những dư luận không hay có thể phát sinh, ngành GD- ĐT cần phải rút kinh nghiệm ngay từ khi đặt yêu cầu đối với tổ ra đề để tránh phải "chữa cháy".

Bà Phó Thị Thanh Tâm (Tây Tựu, Từ Liêm): Tỷ lệ tốt nghiệp có phụ thuộc vào điểm thi môn ngữ văn không?
Đối với một kỳ thi, việc điều chỉnh đáp án hay "ba rem" điểm là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Nhưng sở dĩ dư luận đặt câu hỏi về mục đích của việc điều chỉnh này vì lâu nay, ngành GD-ĐT vẫn để lại ấn tượng không tốt về "căn bệnh thành tích". Ngay cả trong kỳ thi này, tỷ lệ thí sinh tốt nghiệp quá cao cũng khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi: phải chăng ngành giáo dục điều chỉnh đáp án môn ngữ văn để "cứu" thí sinh, bởi với những bài thi mấp mé ở ngưỡng đỗ và trượt thì 0,5-1 điểm là vô cùng quan trọng? Việc có thông tin 11 hội đồng chấm thi khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ra biên bản thỏa thuận về cách đánh giá và chấm điểm bài thi ngữ văn của thí sinh liệu có nằm trong chủ trương như vậy? Bộ GD-ĐT cần xem lại tỷ lệ tốt nghiệp THPT năm nay cao do phụ thuộc vào điểm thi môn ngữ văn hay không?

Trần Hiệp