Chuyến công du nhiều kỳ vọng
Thế giới - Ngày đăng : 07:02, 23/06/2011
Thủ tướng Nga V.Putin và Thủ tướng Pháp F. Fillon tại Paris. |
Chuyến thăm được đặc biệt quan tâm sau khi hai bên ký kết hợp đồng mua bán 4 tàu sân bay trực thăng lớp Mistral của Pháp ngay tại Diễn đàn Kinh tế St. Petersburg hôm 17-6. Theo đó, Pháp sẽ đóng và chuyển giao cho Nga 2 tàu Mistral đầu tiên trong khoảng thời gian từ năm 2014 đến 2015, 2 tàu còn lại sẽ do Công ty Đóng tàu thống nhất OSK đóng tại Nga theo thỏa thuận chuyển giao công nghệ. Điểm thu hút sự chú ý của dư luận không chỉ nằm ở giá trị bản hợp đồng, lên tới 1,7 tỷ USD, mà còn vì đây là cái bắt tay gây tranh cãi trong suốt 1 năm qua, ngay từ khi thương vụ mới được đem ra bàn thảo.
Trong lịch sử, quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng lớn nhất nhì thế giới như Nga chưa bao giờ bỏ tiền túi ra mua những chiếc tàu chiến như vậy của nước khác, đặc biệt là một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) như Pháp. Và tham vọng của Nga khi muốn tiếp cận tàu Mistral đang khiến nhiều thành viên Liên minh châu Âu (EU), NATO và các đồng minh của họ và các quốc gia Đông Âu lo ngại.
Cũng cần biết rằng, Mistral - hay còn gọi là "con dao đa năng" của Hải quân Pháp là loại tàu chiến đổ bộ tối tân có trọng tải 21.300 tấn, được trang bị hệ thống thông tin cấp độ cao, có khả năng chở 450 quân đổ bộ với đầy đủ vũ khí và đạn dược trong thời gian dài. Tàu chở được 16 máy bay lên thẳng, hơn 40 xe tăng hoặc 70 xe cơ giới. Trong trường hợp khẩn cấp, tàu Mistral có thể chở được 1/3 lực lượng và khí tài của một trung đoàn cơ giới.
Giới phân tích cho rằng, thương vụ Mistral giữa Pháp và Nga sẽ khiến cho tình hình an ninh trên biển Đen và biển Baltic vốn đã căng thẳng càng trở nên xấu hơn. Vì với Mistral, Nga sẽ tăng cường khả năng tiếp cận phần phía Tây của đại lục Á - Âu thông qua hành lang Đông - Tây giữa biển Đen và biển Kaspi. Điều này không chỉ khiến Georgia thấy bất an, mà còn gây ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của các căn cứ quân sự của Mỹ tại Bulgaria và Romania.
Không phải ngẫu nhiên mà Pháp lại đi ngược dòng với các đồng minh trong mối quan hệ với Nga. Việc thắt chặt quan hệ với Nga vừa vì động cơ kinh tế vừa mang ý nghĩa về mặt chính trị và chiến lược. Thứ nhất, hợp đồng vũ khí lớn đầu tiên giữa Nga và một nước thành viên NATO này sẽ mang lại cho Pháp khoảng 500 triệu euro và có thể tạo khoảng 1.000 việc làm trong vòng 2 năm. Đây là nguồn lợi lớn cho nước Pháp trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề từ khủng hoảng nợ như hiện nay. Thứ hai, đây là một nước cờ quan trọng giúp Pháp cân bằng lại quan hệ với Nga trong bối cảnh Đức đang giữ vị trí đối tác số một của Mátxcơva ở Tây Âu. Bên cạnh đó, thành công trong thương vụ Mistral sẽ mở ra cánh cửa để Paris tiếp tục hợp tác với Nga trong các lĩnh vực khác như năng lượng và vũ trụ. Hiện tại, Tập đoàn Năng lượng Total của Pháp đang có kế hoạch mua lại 12% cổ phần trong công ty sản xuất khí đốt lớn thứ hai của Nga Novatek cùng nhiều dự án tiềm năng khác. Tiếp cận nguồn năng lượng của Nga một cách riêng rẽ sẽ giúp Pháp giảm bớt mối lo về sự bất ổn trong lĩnh vực này từ bấy lâu nay.
Còn về phía Nga, củng cố trục Mátxcơva-Paris song song với quan hệ sẵn có với Berlin - hai trụ cột của châu Âu sẽ giúp Điện Kremlin mở rộng ảnh hưởng tới các cường quốc khác ở châu Âu. Ngoài ra, Nga hy vọng sự đồng cảm của Pháp về năng lượng, quân sự và các vấn đề chiến lược khác sẽ làm giảm bớt tham vọng của Mỹ trong việc lôi kéo Cựu lục địa trong các kế hoạch Đông tiến nhằm thu hẹp không gian của Nga tại Caucasus và Trung Âu.