Lợi thế thuộc về ai?
Xe++ - Ngày đăng : 06:56, 23/06/2011
Đầu tiên phải kể đến việc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) từ ngày 1-5 tăng tốc độ truy nhập dịch vụ internet cáp quang (FTTH) FiberVNN và ADSL MegaVNN mà giá cước vẫn giữ nguyên. Cụ thể, tốc độ truy nhập tối đa dịch vụ FiberVNN nâng lên đến 100Mbps, tốc độ truy nhập tối thiểu tăng từ 512Kbps lên đến 2Mbps. Tương tự, các gói cước ADSL MegaVNN cũng tăng tốc độ cao hơn trước. Việc tăng tốc độ, giá không đổi của VNPT, về bản chất được coi là đợt giảm cước và động thái này của nhà cung cấp chiếm thị phần internet lớn nhất đã tạo ra "ngòi nổ" cho cuộc đua mới trên thị trường internet băng rộng.
Khách hàng tìm hiểu dịch vụ của Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam. Ảnh: Thanh Hải
Sau khi VNPT điều chỉnh tốc độ truy nhập internet, nhiều nhà cung cấp khác đã buộc phải đưa ra các gói cước mới và nhiều khoản khuyến mãi. Viettel, CMC và FPT Telecom đều lần lượt đưa ra các gói cước FTTH xuống còn 500.000-700.000 đồng để thu hút người dùng là các hộ gia đình. Việc "bình dân" hóa gói cước (vốn được mặc định dùng cho khách hàng là doanh nghiệp, cơ quan lớn thường có mức giá trên dưới 1 triệu đồng) như vậy không chỉ thuyết phục khách hàng cá nhân đang dùng FTTH ADSL có nhu cầu sử dụng nhiều ứng dụng trên internet chuyển sang dùng FTTH, mà còn dự báo xu hướng trong thời gian tới sẽ có chuyển dịch công nghệ từ sử dụng cáp đồng (ADSL) sang cáp quang…
Tuy nhiên, các đợt điều chỉnh dây chuyền sau hiệu ứng giảm cước của VNPT dường như ít có tác động đến chính tập đoàn này. Vì với dịch vụ FTTH, các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước phần nhiều đều là khách hàng của VNPT và khi VNPT giữ giá, lại tăng tốc độ cao hơn nhiều so với trước, họ được lợi và khi thấy nhà cung cấp khác ưu đãi, họ cũng chẳng thể dễ dàng thay đổi sang các nhà cung cấp có hạ tầng hạn chế hơn. Còn với dịch vụ MegaVNN, ở phân khúc chủ yếu là người dùng gia đình này, VNPT luôn chịu sự cạnh tranh quyết liệt, nếu các đối thủ giảm cước, tăng khuyến mãi, chắc hẳn thuê bao của VNPT ít nhiều sẽ bị ảnh hưởng. Đến ngày 1-6, Viettel thực hiện chính sách không giới hạn thời gian cho thuê bao Dcom 3G, có nghĩa là thuê bao cứ việc nạp tiền và dùng cho đến khi hết tiền, nạp mới, khỏi phải rơi vào cảnh tiền vẫn còn nhưng do hết hạn nên buộc phải nạp - cách nhìn về cục diện cạnh tranh trên thị trường internet đã khác.
Đây không chỉ là "cuộc chiến" giữa các nhà cung cấp (chủ yếu là VNPT và Viettel) mà còn là giữa internet băng rộng cáp quang và băng rộng di động. Tại đợt tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về ứng dụng công nghệ thông tin vào cuối năm 2010, các chuyên gia trong ngành đã dự đoán, thời gian tới internet sẽ bước sang kỷ nguyên của công nghệ băng rộng di động. Đó là xu thế tất yếu. Nhưng sự ra đời của những chiếc USB 3G đã đẩy các nhà cung cấp internet vào thế "ngồi trên đống lửa". Vì chỉ với chiếc USB 3G, khách hàng có thể truy nhập internet bất kỳ ở đâu, ngay cả khi "di động" miễn là có sóng, phù hợp với khách hàng là doanh nhân, dân văn phòng… và những người dùng laptop. Tuy vậy, theo thông báo của Viettel, với mức giá đa dạng, người dùng D-com 3G không ít ở khu vực nông thôn và lượng khách hàng này ngày một nhiều, thậm chí tăng đột biến vào dịp nghỉ lễ, tết. VNPT cũng từng lo ngại về "đối thủ" D-com 3G này. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, USB 3G chỉ phù hợp với những người có nhu cầu đọc báo, xem tin tức trên mạng, muốn xem phim… phải dùng internet cáp quang.
Việc các nhà cung cấp liên tục đưa ra những chính sách ưu đãi dịch vụ internet đem lại lợi ích cho khách hàng, nhất là trong bối cảnh giá cả liên tục tăng.