Nguy cơ cao vì xử phạt thấp
Xã hội - Ngày đăng : 06:41, 23/06/2011
Cần có chế tài đủ sức răn đe đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm có sử dụng hóa chất độc hại. Ảnh: Khánh Nguyên
Sự xuất hiện của DEHP (một hóa chất vốn chỉ được dùng trong công nghiệp nhựa để tạo độ dẻo) trong gần 40 sản phẩm đã khiến ngay cả các giáo sư công nghệ thực phẩm cũng phải thừa nhận, bản thân không thể là người tiêu dùng thông thái. Với người bình thường, nếu không được cơ quan chức năng cảnh báo thì không thể biết hằng ngày mình đã tự đầu độc bằng những đồ ăn, thức uống khá ngon miệng nhưng không tốt cho sức khỏe ấy.
Hóa chất trong thực phẩm đến từ nhiều nguồn, cả do khách quan như môi trường ô nhiễm, lẫn chủ quan như lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), hormon tăng trưởng, phụ gia.... Theo báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), Bộ Y tế, có 23% hộ nông dân vi phạm quy định về sử dụng thuốc BVTV dẫn đến tồn dư hóa chất trên nông sản còn chưa kiểm soát được; 30-40% mẫu rau, quả kiểm nghiệm có dư lượng thuốc BVTV và 25% số rau, quả đang lưu hành trên thị trường bị nhiễm các hóa chất bảo quản độc hại. Việc lạm dụng hormon tăng trưởng, thức ăn tăng trọng… cũng đã đến mức báo động. Kết quả phân tích các mẫu thức ăn chăn nuôi công nghiệp cho thấy, hàm lượng độc tố vi nấm Aflatoxin cao gấp 4 lần mức cho phép; hàm lượng kim loại nặng như chì, asen, đồng, kẽm cũng cao hơn mức cho phép tới 5,6 lần… Theo ông Trần Đáng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP, hầu hết thực phẩm không nguồn gốc đều sử dụng phụ gia, đặc biệt là phẩm màu độc hại, quá liều lượng cho phép. Nhưng có lẽ nguy hại nhất là việc sử dụng hóa chất gây hại cho sức khỏe con người ngay trong quá trình chế biến mà melamine trong sữa để tăng hàm lượng protein được phát hiện năm 2008 và DEHP trong thạch, nước giải khát vừa qua là những ví dụ điển hình. Có vẻ như, so với những hành vi gian lận này thì formon trong bánh phở, hàn the trong giò chả, phẩm màu công nghiệp trong hạt dưa... trở thành chuyện vặt. Người tiêu dùng trở nên hoang mang vì không lẽ lại phải quay về thời "tự sản tự tiêu", trồng rau sạch, nuôi lợn, gà tại gia để hy vọng được ăn thức ăn sạch ?
Tịch thu, tiêu hủy hay phạt tù ?
Phải thừa nhận rằng, phản ứng của các cơ quan quản lý nhà nước về ATVSTP đối với việc truy xuất nguồn gốc và xử lý trong vụ DEHP khá nhanh. Ngay khi có thông tin về vụ việc, Cục ATVSTP đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu thu hồi các sản phẩm có chứa chất tạo đục nguy hại này, gần đây nhất là 37.249 lít sản phẩm của 12 loại nước ép trái cây nhiễm DEHP của Công ty YngShin (KCN Bích Hòa - Thanh Oai - Hà Nội). Cục ATVSTP cũng đã có thông báo về liều gây độc của phụ gia này, sẽ đề xuất việc đưa DEHP vào chỉ tiêu theo dõi đối với phụ gia thực phẩm và một số mặt hàng có sử dụng phụ gia tạo đục, đồng thời thực hiện kiểm tra đối với mặt hàng nhập khẩu.
Có một thực tế, sữa chứa melamine hay thạch, nước ép trái cây chứa DEHP đều là hàng nhập khẩu. Đối với những sản phẩm nhập khẩu, giải pháp cảnh báo để người tiêu dùng biết mà tránh và tịch thu, tiêu hủy là phù hợp. Tuy nhiên, như Cục trưởng Cục ATVSTP Nguyễn Công Khẩn thừa nhận, "cảnh báo chủ động của chúng ta còn hạn chế" và sắp tới Bộ Y tế sẽ chuẩn bị đề án cảnh báo nhanh để khắc phục tồn tại này. Ông Nguyễn Công Khẩn cũng khuyến nghị, người dân cần nắm được các hướng dẫn thông thường về sử dụng thực phẩm an toàn như nhãn mác, đồng thời hiểu chính xác những thông tin cảnh báo của nhà chức trách về các đe dọa đối với an toàn thực phẩm, để vừa bảo vệ sức khỏe cho mình, vừa tránh tẩy chay hàng loạt một loại thực phẩm nào đó, ảnh hưởng tới sản xuất và tiêu dùng như đã từng xảy ra trong vụ sữa chứa melamine khiến không ít doanh nghiệp sản xuất sữa khốn đốn.
Nhưng cũng còn một thực tế nữa, không ít thực phẩm sản xuất trong nước cũng có hóa chất độc hại như nước tương có chứa chất 3-MCPD, hay ngô chiên, tương ớt chứa Sunset FCF, thịt lợn quay sử dụng phẩm màu công nghiệp, bánh bao có chất bảo quản không bảo đảm chất lượng, mỳ ăn liền dùng chất cấm Natribenzonat... Việc phát hiện, cảnh báo những nguy cơ mất an toàn về thực phẩm còn nhiều hạn chế, trong khi những vụ việc được phanh phui lại chỉ xử lý bằng biện pháp hành chính vì thiếu chế tài. Lẽ ra, với những trường hợp sử dụng hóa chất độc hại trong chế biến thực phẩm phải xử lý thật nghiêm, thậm chí phải khởi tố. Tuy nhiên, theo Bộ luật Hình sự, những vi phạm quy định VSATTP phải gây thiệt hại đến tính mạng hay thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng thì mới được xử lý. Nhưng ăn, uống thực phẩm có hóa chất độc hại chưa gây hậu quả tức thì dù nó ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe không chỉ một thế hệ người tiêu dùng. Lỗ hổng luật pháp này được chỉ ra đã lâu và cũng được những kẻ làm ăn thiếu trách nhiệm với cộng đồng tận dụng triệt để nhưng vẫn chưa được khắc phục, mặc cho thực phẩm "ngậm" hóa chất độc hại ngày càng phong phú, đa dạng.
Từ ngày 1-7 tới, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ có hiệu lực. Quyền của người tiêu dùng đã được ghi nhận và các cơ chế để bảo đảm cho các quyền đó được thực thi cũng đã xác định. Luật cũng đã quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho người tiêu dùng. Nhưng nếu những người cho hóa chất độc hại vào thực phẩm làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhiều thế hệ người dùng không bị xử lý hình sự thì chắc chắn họ sẽ không dừng lại và lợi nhuận sẽ lấn át lương tâm, trách nhiệm.