Chung cư có cần luật riêng?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:29, 23/06/2011
Đó không phải lần đầu tiên chuyện thu phí chung cư, cả phí quản lý lẫn phí trông giữ xe của các chung cư. Ở Hà Nội, ít nhất đã có chuyện tương tự ở chung cư cao cấp Sky City - 18 Láng Hạ, ở tòa nhà Golden Westlake, The Manor… được đưa lên báo.
Nhưng chuyện chung cư không chỉ là phí giữ xe, phí dịch vụ nói chung, mà còn ở cung cách quản lý chung cư và chế tài cho việc đó chưa đủ mức. Mà đằng sau chất lượng quản lý, trách nhiệm của chủ đầu tư, những ngành liên quan và hệ thống ban quản trị dân bầu là hệ lụy có thể ảnh hưởng đến chất lượng sống của cư dân. Như là chuyện thang máy chẳng hạn, tưởng là chi tiết, là nhỏ, nhưng không phải vậy. Mới tuần trước, dân chung cư 229 Phố Vọng phàn nàn chỉ trong hai tháng qua, thang máy ở đó…rơi tự do tới 4 lần. Còn ở Nhà B - chung cư An Sinh (Mỹ Đình I) 17 tầng, cũng từ tuần trước, một trong số 3 thang máy "liệt" tới giờ, rất bất tiện cho dân. Cũng ở tòa nhà này, hè năm ngoái mất điện liên miên, có những lúc mất điện lưới nhưng máy phát điện dự phòng… hết dầu hoặc hỏng, hàng chục giờ không hoạt động, thế là dân thoải mái… leo bộ, hàng chục tầng chứ chẳng chơi. Những lúc ấy, bộ phận bảo vệ lăm lăm đèn pin, hễ mất điện là chia nhau leo tầng, ở đâu có người kẹt trong thang máy là… cậy cửa. Sợ vô cùng!
Đó là chưa kể những vướng mắc về sử dụng công trình đi kèm, như khu vực đỗ xe, sân chơi cho trẻ, hay tổ chức dịch vụ vệ sinh, bảo vệ… thứ gì cũng có vướng mắc, ở nơi này hoặc nơi khác. Đó là chưa kể trách nhiệm của nhà quản lý, ban quản trị chung cư trong việc duy trì lề lối ứng xử phù hợp với mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa cơ sở mà Nhà nước đang phát động. Gặp "họa", phải sống trong căn hộ mà gia chủ tầng trên cứ huỳnh huỵch suốt ngày, bảnh mắt ra đã gõ, đập, đục thì hộ tầng dưới có thể "gõ" ai để dàn xếp? "Nhờ vả" rồi thì có hy vọng gì không? Tại sao chủ căn hộ đóng cửa sửa chữa, cơi nới, phá dỡ bên trong, làm ảnh hưởng đến kết cấu chung của cả tòa nhà mà chẳng ai nói gì? Mà nếu muốn nói thì cơ sở pháp lý có "cho nói" không? Hay là bí bức, bất lực, phải chọn cách "nói" bằng tay chân?... Nhiều chuyện lắm!
Quản lý đô thị thì không thể bỏ qua, hoặc coi nhẹ vấn đề quản lý nhà chung cư. Bởi đó là một bộ phận quan trọng của đô thị hiện đại, đặc biệt là những thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những nơi mà theo thống kê gần đây, tỷ lệ nhà chung cư lần lượt chiếm 16,6% và 6,3% tổng diện tích nhà ở trên địa bàn. Thế nên mới có ý kiến về việc cần có luật riêng cho nhà chung cư, bởi những điều khoản có trong các luật liên quan và văn bản dưới luật không đủ chi tiết để tạo "gậy" quản lý hiệu quả. Với những gì đã, đang xảy ra ở chung cư hiện đại, nhà quản lý vĩ mô ít nhất cũng phải tính được những điều cần cơ bản về quy chuẩn, và luật hóa chúng. "Gậy" cứng, vừa bao quát, vừa chi tiết thì chủ đầu tư không thể hành xử như thể khu đô thị mới là lãnh địa riêng, muốn "hành" gì cũng được; dân chung cư cũng có cái mà soi mình, biết hành xử phù hợp vì mình và vì cộng đồng.