Ngọt ngào Barcelona
Xã hội - Ngày đăng : 15:09, 22/06/2011
(HNNN)- Ánh nắng vàng ấm áp phủ một màu vàng mật ong lên những tòa nhà cổ kính, xuống mặt đường lát đá và những cây cọ đặc trưng của xứ Catalan bên bờ Địa Trung Hải.
Hẹn nhau từ sáng sớm, hai bạn nghệ sĩ Tây Ban Nha Nana Cardona và Louis Lambert đưa chúng tôi đi khám phá thành phố. Chúng tôi nghỉ tại khách sạn mang tên vị kiến trúc sư mà tôi hằng ngưỡng mộ- Antonio Gaudi. Đối diện khách sạn chính là tòa nhà Palau Guel do Antonio Gaudi thiết kế theo đặt hàng của bá tước Guel từ năm 1885. Đứng từ ban công chúng tôi có thể nhìn thấy toàn bộ các chi tiết trang trí kiến trúc mặt tiền tòa nhà Palau Guel, những ống khói hình cây cối cách điệu như những chiếc kem cốc được gắn gốm đầy màu sắc vươn lên khỏe khoắn trên nóc tòa nhà. Dấu ấn của Gaudi hiện diện khắp thành phố Barcelona.
Chúng tôi bách bộ trên phố Ramblas ngay gần khách sạn. Các đô thị cổ đều có một đường phố sầm uất, nơi sinh hoạt chính của cư dân đô thị và cũng là nơi hội tụ nhiều khách du lịch do sự hấp dẫn của cảnh quan đường phố. Ở Barcelona, nơi ấy chính là phố Ramblas. Nana giới thiệu với chúng tôi: “Phố Ramblas được hình thành trên nền con ngòi xưa được lấp đi men theo đoạn tường thành cổ kéo dài từ quảng trường tượng đài Christophe Colomb gần cảng biển đến quảng trường Catalonia. Phố Ramblas được coi là bộ mặt chính của khu vực cổ xưa của Barcelona”. Trục vỉa hè lớn giữa phố Ramlas dành cho người đi bộ luôn đông nghẹt khách du lịch từ sáng sớm cho tới đêm khuya. Kiến trúc dọc phố có nhiều cửa hàng sang trọng, bảo tàng, nhà hát, quán cà phê, quán sách báo cùng rất nhiều quầy hàng lưu niệm và đồ thủ công mỹ nghệ. Mặt hàng quen thuộc nhất ở đây chính là những đĩa gốm, đồng hồ gốm và các mô hình kiến trúc gắn gốm phỏng theo các tác phẩm của Gaudi. Khung cảnh đường phố trở nên đặc biệt sôi động khi hai bên đường là những nghệ sĩ đường phố phun sơn và trang điểm thành những nhân vật kỳ dị, hài hước để thu tiền khách du lịch muốn chụp ảnh kỷ niệm.
Nana và Louis dẫn chúng tôi vào khu phố cổ, nơi thường được gọi là khu Barri Gothic hay Cathedral quarter. Bước đi trên những ngõ hẹp, mặt đường lát đá và hai bên là những ngôi nhà cổ kính từ thế kỷ XIII-XIV, chúng tôi có cảm giác như đang lạc vào thời trung cổ của châu Âu. Trung tâm là tòa nhà thờ cổ (Cathedral of Saint Eulalia), một kiệt tác kiến trúc nhà thờ thời Gothic. Những cột đá thanh thoát vươn lên đỡ lấy mái vòm cao vút. Họa tiết trang trí nhà thờ rất tinh xảo và phong phú tựa như những tấm đăng ten bằng đá tạo cho công trình có chiều sâu và vẻ linh thiêng huyền bí. Đi qua những ngõ phố nhỏ chúng tôi đứng giữa một quảng trường xung quanh là những tòa nhà cổ kính. Tôi rất vui khi nghe Nana giới thiệu: “Đây chính là nơi vua Ferdinand và hoàng hậu Isabel tiếp đãi Christophe Colomb sau chuyến đi đầu tiên trở về từ châu Mỹ”. Chúng tôi đã cùng nhau chụp rất nhiều bức ảnh kỷ niệm ở đây.
Đi xuôi theo phố Ramblas ra phía cảng biển, chúng tôi đến quảng trường tượng đài nhà hàng hải vĩ đại này. Nana tiếp tục kể: “Chính nhà vua và hoàng hậu đã ra tận đây nghênh đón tàu của Christophe Colomb trở về. Colomb sinh ra ở Italia. Từ nhỏ ông đã tham gia nhiều chuyến đi biển Địa Trung Hải và dọc bờ biển châu Phi. Ông đã được nhà vua Tây Ban Nha cấp kinh phí cho bốn chuyến đi đến châu Mỹ (mà khi đó ông tưởng là Ấn Độ). Vào thế kỷ XV với ngành hàng hải phát triển, Tây Ban Nha là điểm xuất phát những chuyến vượt biển tìm tới châu lục mới của hai nhà hàng hải nổi tiếng là Christophe Colomb (châu Mỹ) và Fernand de Magellan (châu Úc)”.
Chúng tôi reo lên thích thú khi toàn cảnh cảng Barcelone hiện ra trước mắt: trên nền trời xanh biếc, những cánh hải âu trắng chao liệng bên vô số những thuyền buồm trắng đang neo đậu trong cảng. Phía xa là đường uốn lượn của ngọn đồi Montjuic thấp thoáng bóng dáng pháo đài cổ. Trong mấy ngày ở Barcelona, chúng tôi đã đến thăm hầu hết các công trình kiến trúc của Antonio Gaudi: nhà thờ Sagrada Familia, tòa nhà Batlo, tòa nhà Mila và công viên Guel. Sống vào thời kỳ châu Âu có nhiều đổi mới trong sáng tạo nghệ thuật, Antoni Gaudi đã dành trọn đời mình cho những sáng tạo đầy tính cách tân của nghệ thuật kiến trúc. Khoảng 15 công trình của ông ở Barcelona và xung quanh đã trở thành tài sản văn hóa quốc gia ở Tây Ban Nha.
Để bày tỏ lòng tri ân tới vị kiến trúc sư đã truyền cảm hứng và quyết tâm thực hiện thành công Con đường Gốm sứ tại Hà Nội, tôi cùng các bạn đồng nghiệp đã thực hiện gắn gốm một bức chân dung Antoni Gaudi và tặng cho tòa nhà bảo tàng Mila ở Barcelona. Tôi cảm thấy vô cùng xúc động và hạnh phúc khi treo bức chân dung Gaudi được gắn bằng chất liệu gốm của Việt Nam lên tường tòa nhà Mila. Nana Cardona, người bạn đã giúp tôi liên hệ việc tặng tranh này nói: “Dường như linh hồn Gaudi đang ở đây và ông rất hài lòng vì có một học trò từ đất nước xa xôi đang tiếp tục phát huy những tư tưởng kiến trúc của ông”.