Cảnh giác với tội phạm sử dụng công nghệ cao

Đời sống - Ngày đăng : 07:27, 22/06/2011

Theo nhận định của Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CSPCTPSDCNC) - Tổng cục CSPCTP (Bộ CA), TPSDCNC ở Việt Nam đang tăng nhanh cả về số lượng, quy mô và phạm vi hoạt động, với nhiều thủ đoạn hoạt động phạm tội mới.


Qua công tác nắm tình hình việc giao dịch thanh toán tiền qua máy rút tiền tự động (ATM) và theo phản ánh của một số ngân hàng thương mại, Cục CSPCTPCNC đã phát hiện một số khách hàng khi giao dịch thanh toán qua máy ATM tuy không nhận được tiền, nhưng tài khoản vẫn bị trừ do lỗi của máy ATM. Bên cạnh đó xuất hiện tình trạng thiếu hụt tiền khi kiểm quỹ tại một số máy ATM. Qua điều tra, tháng 4-2011, CA đã khám phá một vụ dùng CNC để rút ruột ATM, xảy ra tại TP Hồ Chí Minh. CA đã bắt được tên trộm trí thức là Võ Mạnh Cường (SN 1976, trú ở quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh). Cường rất giỏi về công nghệ thông tin (CNTT) và hiểu biết về máy ATM, nên đã dùng một số phương tiện đấu nối vào máy ATM để rút tiền. Trong khi khách hàng rút tiền, dù máy ATM thông báo lỗi thì dòng tiền đã được rút và sau đó chảy vào túi Cường. CA nhận định Võ Mạnh Cường chiếm hưởng hàng triệu đồng.

Máy ATM còn thể hiện một điểm yếu nữa là dễ bị tội phạm dùng "vũ lực" tấn công. Trên địa bàn cả nước, chỉ trong vòng 2 năm qua đã xảy ra hàng chục vụ kẻ gian tìm cách phá khóa ATM để trộm cắp tiền. Riêng tại địa bàn Hà Nội cũng đã xảy ra 5 vụ kẻ gian phá máy ATM, trong đó có vụ tội phạm lấy cắp được hàng trăm triệu đồng (tại huyện Sóc Sơn). Tổng cục CSPCTP cho biết, hầu hết các vụ việc này xảy ra vào thời điểm có ít người qua lại. Đối tượng gây án thường có từ 3 đến 5 tên, bịt mặt bằng khẩu trang, che chắn điểm đặt ATM, dùng đèn khò, xà beng bậy phá rất chuyên nghiệp nên việc phát hiện vụ việc chậm, xác định đối tượng gây án rất khó khăn.

Tội phạm ''ngoại'' nhòm ngó

Dù Việt Nam có tốc độ phát triển dịch vụ CNTT cao song điều đó không có nghĩa là người sử dụng có nhận thức đúng và cảnh giác cao về nguy cơ tội phạm từ những dịch vụ công nghệ. Đó là nguyên nhân khiến tội phạm nước ngoài nhòm ngó và tìm cách nhập cảnh, gây án.

Khoảng cuối tháng 6-2010, CA tỉnh Nghệ An bắt được 3 đối tượng quốc tịch Trung Quốc sử dụng thẻ rút tiền giả do Hoa Kỳ phát hành để rút tiền tại Việt Nam. Điều tra cho thấy, nhóm tội phạm ngoại này đã thực hiện 115 lần giao dịch thanh toán khống bằng thẻ tín dụng quốc tế Visa, MasterCard giả mạo; trong đó có 29 lần giao dịch thành công, rút được hơn 1,3 tỷ đồng. Mới đây nhất, tháng 5-2011, Đại tá Hồ Sỹ Tiến, Phó Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về TTXH thông báo về việc cơ quan CA khám phá thành công chuyên án 311L, phát hiện 2 đối tượng người nước ngoài có hành vi dùng 14 séc du lịch giả để rút khoảng 208 triệu đồng ở các ngân hàng tại địa bàn TP Hồ Chí Minh. Trên địa bàn Hà Nội, đầu tháng 5-2011, 2 đối tượng người nước ngoài cũng đã sử dụng thẻ tín dụng giả để mua điện thoại đắt tiền tại địa bàn quận Đống Đa.

Thủ đoạn tinh vi hơn là tội phạm từ nước ngoài thông qua các công ty "ma", ngân hàng "rởm" liên hệ với các DN trong nước, hứa hẹn đầu tư, cho vay ưu đãi rồi bắt ký quỹ. Không ít DN tin tưởng vào những lời tự giới thiệu hấp dẫn của chúng vì những bằng chứng điện tử được tạo dựng công phu, mất tiền mà không thấy khoản đầu tư giá trị đâu mà đối tác cũng chẳng hề được nhìn mặt. Thiệt hại trong những vụ án này thường rất lớn, khả năng thu hồi gần như bằng không...

Trước tình hình trên, cơ quan CA cảnh báo, các tổ chức, cá nhân trong nước cảnh giác hơn nữa trong giao dịch, nhất là giao dịch điện tử. Với các lời mời hợp tác từ bên ngoài, DN trong nước cần thông qua các tổ chức xúc tiến thương mại của Chính phủ để xác minh thông tin thật đầy đủ về tư cách pháp lý cũng như năng lực tài chính của đối tác. Với những điểm yếu trong giao dịch liên quan đến thanh toán điện tử, rút tiền tại ATM... người sử dụng cần hết sức bảo mật thông tin cá nhân. Ngay cả khi có người xưng là nhân viên phụ trách phát hành thẻ của ngân hàng liên hệ cũng cần kiểm tra rõ độ tin cậy trước khi trao đổi thông tin...

Thành Tâm