Bao nhiêu phần trăm là thực chất?
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:44, 22/06/2011
Những cú nhảy ngoạn mục
Niềm vui của các thí sinh sau khi hoàn thành tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2010 - 2011. Ảnh: Viết Thành
Nhìn vào thống kê kết quả thi tốt nghiệp THPT của cả nước có thể thấy, có tới gần 86% các tỉnh, thành phố đều có kết quả tốt nghiệp THPT đạt trên 90%, trong đó có 12/63 tỉnh, TP đạt tỷ lệ đỗ trên 99%. Đắk Nông là địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp THPT thấp nhất cũng đạt tới trên 81%; số địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp trong khoảng từ 80-90% chỉ có 9. Trong khi đó, năm 2010, chỉ có gần 58% số tỉnh, thành phố có tỷ lệ đỗ trên 90% và có 7 đơn vị đạt tỷ lệ đỗ trên 99%.
Tuy nhiên, đó chưa phải là điều đáng chú ý nhất trong kết quả tốt nghiệp THPT năm 2011. Nhiều địa phương đã có những cú nhảy ngoạn mục như : Điện Biên, từ vị trí "đội sổ" với tỷ lệ 69,11% năm 2010 đã nhảy vọt lên vị trí thứ 34 (95,65%); Kiên Giang từng đứng thứ 58 (74,13%) lên thứ 24 (97,34%); Đồng Tháp từ vị trí thứ 50 (80,82%) nay là 39 (94,6%); Ninh Thuận từ vị trí 60 (69,34%) lên 49 (91,86%); Bạc Liêu từ 46 (85,34%) lên 36 (95,48%)…
"Cải thiện" nhiều nhất trong kết quả tốt nghiệp năm 2011 là ở hệ bổ túc THPT khi có tới 31 địa phương đạt tỷ lệ đỗ trên 90%, trong đó tỉnh Quảng Bình có số học viên bổ túc THPT thi đậu 100%. Đây là điều rất hiếm xảy ra đối với hệ này. Đáng chú ý, nếu như năm 2010, có đến 30/63 đơn vị có tỷ lệ đỗ tốt nghiệp dưới 50%, trong đó có 21 đơn vị đạt tỷ lệ rất thấp (từ 13% đến dưới 40%) thì năm nay có tới hơn 90% số đơn vị có tỷ lệ đỗ từ 60% trở lên. Toàn quốc chỉ có 6 địa phương có tỷ lệ đỗ từ 45% đến dưới 60% và không có nơi nào ở mức dưới 40%.
Phải chăng coi lơi, chấm lỏng, đề dễ?
Đây được coi là ba yếu tố làm nên những "chuyển biến" đáng kể về kết quả tốt nghiệp THPT, bổ túc năm 2011 của ngành GD-ĐT. Nhiều năm liền, coi thi vẫn được coi là khâu yếu nhất, tạo cơ hội cho những biểu hiện gian lận trong phòng thi. Và để chấn chỉnh tình trạng này, từ năm 2007, cùng với "Hai không", lần đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT có sự tham gia của hơn 6.000 thanh tra ủy quyền của Bộ GD-ĐT cắm chốt tại tất cả các hội đồng coi thi trên toàn quốc. Con số hơn 60% HS đỗ tốt nghiệp năm đó là tỷ lệ thấp nhất so với nhiều năm trước, thậm chí có trường không có HS nào đỗ, song lại nhận được sự ủng hộ, động viên từ nhiều phía. Sự chỉ đạo kiên quyết, mạnh mẽ và nghiêm túc của Bộ GD-ĐT khi ấy đã góp phần củng cố ý thức dạy - học của giáo viên, HS các nhà trường. Nhưng rồi, "phương thuốc" thanh tra ủy quyền dường như nhờn dần. So với năm đầu thực hiện "Hai không", số lượng thanh tra tại kỳ thi năm nay chỉ còn 1/10 và đây đó xuất hiện dấu hiệu coi thi nới lỏng. Kết thúc kỳ thi, toàn quốc chỉ có 45 thí sinh (TS) bị đình chỉ thi, giảm 45 trường hợp so với năm 2010. Trong khi đó, số TS vi phạm quy chế bị đình chỉ năm 2009 là 299 TS, năm 2008 là 833 TS và năm 2007 là 2.612 TS. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đánh giá rằng, điều đó có được là do ý thức chấp hành quy chế của TS, nhưng ai làm giám thị đều biết một thực tế, "kết quả" này là nhờ tình thương của các thầy, cô đối với học sinh.
Sau coi thi, việc chấm lỏng, hay chặt cũng sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới điểm bài thi, nhất là với những môn xã hội. Thường thì hội đồng chấm thi sẽ chấm thử một số lượng bài thi nhất định để thống nhất cách chấm, tạo sự công bằng cho thí sinh và nếu có vấn đề gì trong hướng dẫn chấm thì phản ánh với các đơn vị có thẩm quyền cho hướng giải quyết. Cũng đã từng gây ra việc điều chỉnh hướng dẫn chấm và năm nay Bộ GD-ĐT cũng đã có sự điều chỉnh đối với môn văn. Đây là chuyện bình thường nhưng việc "bắt tay" để chấm lỏng bài thi tại 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, nếu có như dư luận phê phán mấy ngày qua thì là chuyện không thể chấp nhận. Mặc dù lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định không có chuyện "bật đèn xanh" cho việc nâng điểm, song những hiện tượng ấy khiến người ta lo ngại về một kết quả đẹp không phản ánh đúng thực chất.
Một yếu tố dẫn đến kết quả thi cao hơn năm trước là đề thi. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ GD-ĐT, nội dung đề thi đã bám sát theo yêu cầu của chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình giáo dục THPT, vừa sức với HS, phù hợp với mục đích đánh giá tốt nghiệp. Ngoài ra còn do các em đã được học tập, ôn luyện tốt nên đã hoàn thành tốt bài thi. Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho rằng đề thi của cả 6 môn năm nay đều dễ nên tỷ lệ đỗ cao cũng là điều dễ hiểu (?).
Coi lơi, chấm lỏng, đề dễ - phân tích ba yếu tố ấy để thấy bảng kết quả tốt nghiệp khá hoàn hảo kia đáng tin cậy đến mức độ nào và bao nhiêu phần trăm là thực chất...