Chất lượng thấp, cạnh tranh kém

Kinh tế - Ngày đăng : 06:37, 22/06/2011

(HNM) - Trong quá trình hội nhập với kinh tế toàn cầu, nông nghiệp (NN) Việt Nam vẫn chưa phát huy được thế mạnh vốn có, nguyên nhân chính là do công tác dự báo thị trường của ta còn yếu

Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập với kinh tế toàn cầu, nông nghiệp (NN) Việt Nam vẫn chưa phát huy được thế mạnh vốn có, nguyên nhân chính là do công tác dự báo thị trường của ta còn yếu. Đó cũng là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo "Triển vọng thị trường ngành NN Việt Nam năm 2011" do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NN nông thôn tổ chức với sự tham gia của các tổ chức kinh tế lớn thế giới, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Khó khăn nhiều, rủi ro lớn


Kiểm tra chất lượng gạo xuất khẩu tại Công ty lương thực Hậu Giang.    Ảnh: Trí Lâm


Ngành nông - lâm, thủy sản luôn được đánh giá cao tại mỗi quốc gia trong bối cảnh khủng hoảng và biến đổi khí hậu (BĐKH) bất thường, nguy hại như hiện nay... Năm 2010 được coi là năm thành công của NN Việt Nam, XK nông sản chính đạt 9,95 tỷ USD, thủy sản đạt 4,94 tỷ, lâm sản và đồ gỗ đạt 3,63 tỷ USD. Đáng lưu ý ba mặt hàng có kim ngạch XK trên 3 tỷ USD là thủy sản, đồ gỗ, gạo; một mặt hàng cao su có kim ngạch XK trên 2 tỷ USD và hai mặt hàng cà phê, hạt điều có kim ngạch XK trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, theo dự báo Viện Chính sách và chiến lược phát triển NN, năm 2011 và 2012, kinh tế NN Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn như lạm phát và chi phí tăng, tác động của việc siết chặt tiền tệ và tín dụng cũng như bất ổn của thị trường nông sản quốc tế, BĐKH, đồng thời các loại dịch bệnh diễn ra ngày càng phức tạp. Ngoài ra, nhiều lĩnh vực sản xuất (SX) chưa chủ động được nguồn nguyên liệu dẫn đến khó chủ động về giá và tổ chức SX. Bên cạnh đó, công cuộc đô thị hóa đang thu hẹp dần diện tích đất NN, khiến chất lượng đất giảm, đặc biệt việc nông dân sử dụng thuốc BVTV tăng khiến chất lượng sản phẩm mất an toàn đối với thị trường thế giới.

Theo điều tra của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), xu hướng NN toàn cầu đối với các mặt hàng như gạo, lúa mì, ngũ cốc, thủy sản… sẽ ngày một tăng khi số dân tăng và những biến đổi bất thường của khí hậu tác động gây mất mùa, dịch bệnh... TS Holger Matthey (Tổ chức FAO) cho rằng, để ngành kinh tế NN phát triển bền vững, chính sách hoạch định đóng vai trò quan trọng. Trong thời gian tới, giá cả các mặt hàng vẫn duy trì ở mức cao, cả giá danh nghĩa và giá thực tế, đồng thời tính bất ổn trong thị trường vẫn sẽ tiếp diễn. Giá nông sản tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng và tác động đến toàn bộ chuỗi giá trị hàng hóa nói chung.

Từ NN khối lượng lớn đến NN giá trị cao

Trong những thập kỷ qua, nhờ phát triển NN, Việt Nam từ nước thiếu đói đến dư thừa lương thực và trở thành nước có cung lương thực tính theo đầu người thuộc diện cao nhất trong các nước đang phát triển. Đối với Việt Nam, NN đang giữ vai trò trung tâm và chiến lược dài hạn trong giảm nghèo ở các địa phương, hơn nữa NN còn là "đệm chống sốc" quan trọng trong giai đoạn khủng hoảng tài chính hiện nay. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tại, tiềm năng, thế mạnh NN của Việt Nam là rất lớn song giá trị các ngành hàng mang lại chưa tương xứng. Bài toán này đã được giải khá nhiều lần, đáp án đưa ra cũng khá đầy đủ, từ thay đổi nhận thức, đến thay đổi phương thức SX, ứng dụng KHKT… nhưng dường như các nhà đầu tư trong lĩnh vực này và nông dân SX vẫn "dậm chân tại chỗ", ít có sự chuyển biến. Vấn đề chúng ta cần quan tâm hiện nay là chất lượng của tăng trưởng. Khâu vướng nhất của NN Việt Nam hiện nay là chất lượng. Chính vì vậy mà phần lớn hàng nông sản XK bán với giá thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác, hơn nữa tổn thất sau thu hoạch ở VN rất lớn. So với Trung Quốc, Thái Lan… sản lượng các mặt hàng NN của Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào châu Âu, Mỹ và các thị trường khác là rất lớn. Đại diện các tổ chức kinh tế nước ngoài cho rằng, ngành NN Việt Nam phải hướng tới mục tiêu chuyển từ khối lượng SX lớn sang giá trị cao. Chưa ở quốc gia nào, nông dân trồng cà phê, lúa gạo ở đất nước được xếp hạng XK hàng đầu thế giới lại nghèo như ở Việt Nam. Để làm được điều đó ngành NN phải xây dựng được thương hiệu, trên thương hiệu phải có chỉ dẫn địa lý quốc gia để người tiêu dùng biết. Có một thực tại đáng buồn nữa là tỷ lệ sản phẩm NN đầu ra có chứng nhận quốc tế rất nhỏ, một số đơn vị XK không uy tín trong thực hiện hợp đồng cam kết về chất lượng. Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế thế giới nghi ngại, liệu Việt Nam có bị "mắc kẹt" trong phân khúc thị trường hàng hóa thấp cấp? Nhiều mặt hàng có tiềm năng lớn như cà phê chúng ta phải XK dưới dạng nguyên liệu thô, việc chế biến và XK qua nước trung gian thứ ba khiến VN mất hàng tỷ USD và hàng nghìn việc làm cho lao động trong nước.

Các đại biểu đều cho rằng, đã đến lúc ngành hàng NN phải tổ chức lại SX và XK. XK phải có chọn lọc theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả tính bền vững. Nếu tạo ra được những sản phẩm NN giá trị cao thì tính rủi ro trên thị trường sẽ giảm. Muốn vậy, SX NN phải chọn những giống chất lượng, đạt tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế. Trong đó việc quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu phải được tiến hành song song. Khi tham gia SX, chúng ta đừng quá cố gắng "đại nhảy vọt" để tăng sản lượng mà hãy nâng cấp từng bước phương thức SX để tăng chất lượng. Cần chuyển đổi tư duy từ SX theo kế hoạch sang SX theo nhu cầu phát triển của thị trường. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ phát triển NN bởi đây là lĩnh vực nhiều rủi ro. Các doanh nghiệp tham gia ngành hàng NN cần hình thành mạng lưới từ SX đến phân phối một cách có hoạch định, phải chuyển từ chuỗi giá trị hàng hóa rời rạc thành chuỗi giá trị được điều phối.

NN vốn là tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, hơn lúc nào hết chúng ta phải lấy NN làm đòn bẩy, giá đỡ cho công nghiệp phát triển. Sự vào cuộc, chung tay của các ngành cộng với chuyển biến nâng cao nhận thức, giúp nông dân tiếp cận, ứng dụng tiến bộ KHKT vào SX sẽ là chìa khóa để ngành hàng NN Việt Nam vươn cao, vươn xa, khẳng định chỗ đứng trên thế giới.

Đào Huyền