Cho thuê tài chính - Thả gà ra đuổi (tiếp theo và hết)
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:29, 22/06/2011
Vì sao nên nỗi?
Những đóng góp của hoạt động CTTC là không thể phủ nhận khi lĩnh vực này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tháo gỡ khó khăn về vốn, giảm tải cho hệ thống ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, nếu lĩnh vực này vẫn phải đối mặt với nhiều rủi ro thì…
Hoạt động của các công ty cho thuê tài chính đã hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp nhưng cũng ảnh hưởng đến nền kinh tế bởi tính rủi ro cao. |
Nghiệp vụ CTTC bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1995 với công ty CTTC quốc tế Việt Nam là đơn vị đầu tiên được cấp phép. Tổng Thư ký Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam Đàm Đức Long cho biết: - Hoạt động CTTC thực hiện theo Luật Các tổ chức tín dụng; Nghị định số 16/2001/NĐ-CP ngày 2-5-2001 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của công ty CTTC, Thông tư liên tịch số 08/2007/TTLT-NHNN-BCA-BTP ngày 10-2-2007 của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Tư pháp hướng dẫn thu hồi và xử lý tài sản CTTC của công ty CTTC. Việc thu hồi tài sản CTTC đã được pháp luật quy định khá đầy đủ, chặt chẽ tuy nhiên trên thực tế lại xảy ra nhiều trường hợp không thể thu hồi được tài sản CTTC.
Nỗi khổ của doanh nghiệp CTTC đến từ nhiều phía. Nhiều nơi, chính quyền địa phương không… tích cực hoặc không ủng hộ quyết định thu hồi tài sản cho thuê do ngại dẫn đến việc doanh nghiệp ngừng hoạt động, một bộ phận lao động mất việc làm, ảnh hưởng đến an sinh xã hội và… chỉ tiêu GDP địa phương (điển hình là các doanh nghiệp may mặc). Còn cơ quan công an nơi có tài sản cho thuê chỉ chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình thu hồi còn việc thu hồi như thế nào là chuyện của công ty CTTC. Trong khi đó, cơ quan có thẩm quyền lại "ngại" áp dụng các biện pháp cưỡng chế vì không muốn va chạm với doanh nghiệp đóng trên địa bàn.
Nói đi cũng phải nói lại. Theo quy định tại khoản 6 điều 1 Nghị định 65/2005/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 16/2001/NĐ-CP về tổ chức, hoạt động của công ty CTTC, "mọi giao dịch CTTC phải được đăng ký tại trung tâm đăng ký giao dịch bảo đảm. Bộ Tư pháp hướng dẫn chi tiết việc đăng ký và giá trị pháp lý của việc đăng ký giao dịch CTTC". Dẫn giải điều khoản này, ông Hồ Quang Huy, Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) khẳng định: Dù Nghị định 16 (nêu trên) và các văn bản hướng dẫn hiện chưa phân định cụ thể trường hợp hợp đồng CTTC có đăng ký với trường hợp không đăng ký thì hậu quả pháp lý có sự khác biệt như thế nào song để được Nhà nước bảo vệ, hợp đồng CTTC phải được đăng ký theo quy định của pháp luật, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp giữa các chủ thể, giúp các giao dịch CTTC được ký kết, thực hiện minh bạch, công khai, tác động tích cực đến thị trường vốn.
Vấn đề nằm ở chỗ, vẫn theo ông Huy, số hợp đồng CTTC được đăng ký tại các trung tâm đăng ký ngày càng giảm mạnh, nhất là tại trung tâm đăng ký giao dịch, tài sản tại TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, nếu như năm 2009, các trung tâm đăng ký tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tiếp nhận 2.275 hợp đồng thì năm 2010 giảm xuống còn 2.038 hợp đồng; năm tháng đầu năm 2011 (tính đến ngày 1-6-2011), con số này chỉ là 299 hợp đồng. Ông Huy giải thích, có tình trạng trên là do chủ sở hữu tài sản cho thuê chưa nhận thức được giá trị pháp lý của việc đăng ký hợp đồng CTTC. Việc đăng ký hợp đồng CTTC không phải là điều kiện làm phát sinh hiệu lực của hợp đồng mà có ý nghĩa làm phát sinh giá trị pháp lý đối với bên thứ ba, từ đó xác lập quyền ưu tiên của bên CTTC đối với các chủ thể có liên quan. Đây cũng sẽ là biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các công ty CTTC khi có tranh chấp phát sinh - ông Huy cho hay.
"Khá đầy đủ, chặt chẽ" nhưng…
Dù khẳng định "việc thu hồi tài sản CTTC đã được pháp luật quy định khá đầy đủ, chặt chẽ" song ông Đàm Đức Long vẫn phàn nàn về hàng loạt kẽ hở. Chẳng hạn, quy định thời hạn tối đa không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu thu hồi tài sản, bên thuê có nghĩa vụ giao tài sản cho thuê và giấy tờ liên quan cho công ty CTTC là quá lâu, "tạo điều kiện" cho bên thuê có thừa thời gian tẩu tán tài sản, gây khó khăn cho việc thu hồi. Nhiều trường hợp thậm chí chưa có quy định xử lý như tài sản thuê không còn ở nơi đăng ký sử dụng, bên thuê đem tài sản hoạt động tại nước ngoài, bị cơ quan chức năng của nước ngoài thu giữ (tàu biển), bên thuê trốn khỏi nơi cư trú… Tán đồng quan điểm này, ông Nguyễn Minh Sáu, Giám đốc công ty CTTC Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, còn cho rằng: - Với việc thiếu ý thức chấp hành hợp đồng nói riêng, pháp luật nói chung, tiếp cận tài sản thuê tài chính là không khả thi và tự gây nguy hiểm cho nhân viên CTTC. Vì vậy, cần một chế tài đủ mạnh và cần nâng cao vai trò của cơ quan hỗ trợ, trong đó công an nắm vai trò chủ động trong trường hợp khách hàng cố tình chây ì, tẩu tán tài sản, không bàn giao cho công ty CTTC.
Ngay cả việc đăng ký hợp đồng CTTC - "kim bài" bảo vệ quyền lợi của các công ty CTTC - cũng không mấy khi được doanh nghiệp CTTC mặn mà. Ông Hồ Quang Huy nêu lên nhiều vướng mắc trong các quy định liên quan đến đăng ký hợp đồng CTTC. Thứ nhất, các quy định pháp luật vẫn chưa có sự thống nhất; không bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể (bao gồm cả Nhà nước) khi giải quyết lợi ích liên quan đến tài sản cho thuê; chưa có cơ chế thuận lợi để bên cho thuê thực thi tốt nhất quyền năng trên thực tế… Đặc biệt, hậu quả pháp lý giữa trường hợp có đăng ký và trường hợp không đăng ký trong quá trình thu hồi tài sản thuê không rõ ràng…
Tại sao hàng loạt công ty CTTC lâm tình cảnh thả gà ra đuổi? Tại họ trót nắm dao đằng lưỡi hay còn bởi những kẽ hở pháp lý...? Câu trả lời dường như đã tương đối rõ ràng. Hành lang pháp lý mới chỉ "khá đầy đủ" chứ chưa hẳn là đầy đủ, chặt chẽ. Ông Hoàng Ngọc Tiến, một trong những "khổ chủ" thậm chí còn cho rằng các văn bản pháp lý phục vụ hoạt động lĩnh vực CTTC nói chung, xử lý nợ thuê tài chính nói riêng, còn thiếu rất nhiều. Theo ông Tiến, gần đây có Thông tư liên tịch 08 giữa Ngân hàng Nhà nước - Bộ Công an - Bộ Tư pháp hướng dẫn việc xử lý, thu hồi tài sản cho thuê của các công ty CTTC nhưng chế tài không rõ ràng. Mỗi nơi hiểu, vận dụng một khác. Đấy là chưa kể đến tình trạng nhiều nơi, cơ quan có thẩm quyền còn chưa hiểu gì về… nghiệp vụ CTTC.
Những đóng góp của hoạt động CTTC là không thể phủ nhận khi lĩnh vực này đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ các cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ tháo gỡ khó khăn về vốn, giảm tải cho hệ thống ngân hàng thương mại… Tuy nhiên, nếu như các công ty CTTC vẫn thường xuyên phải đối mặt với tình cảnh "thả gà ra đuổi" thì… rủi ro cao, chuyện kinh doanh phấp phỏng cảnh được mất, may rủi, nền kinh tế sẽ ra sao, khó ai mà lường đoán hết được.