Giao thông Thủ đô sẽ mang diện mạo mới
Đời sống - Ngày đăng : 06:56, 21/06/2011
Tập trung phát triển hạ tầng giao thông khung
Giai đoạn 2011-2015, Hà Nội sẽ có thêm nhiều nút giao thông đẹp và hiện đại hơn. Ảnh: Đàm Duy
Theo kế hoạch này, từ nay đến quý II-2012, Hà Nội sẽ tập trung hoàn thành điều chỉnh quy hoạch GTVT và các quy hoạch chuyên ngành phát triển vận tải thủy, vận tải đường sắt, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), bến, bãi đỗ xe… Tập trung đầu tư xây dựng hàng loạt đoạn, tuyến quốc lộ (QL), đường hướng tâm, vành đai, cầu qua sông, cầu vượt cho người đi bộ và các dự án đường sắt đô thị… là những dự án trong chiến lược đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khung. Cụ thể: hoàn thành tuyến QL 32 (đoạn Diễn - Nhổn), đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 1A (đoạn Cầu Chui - cầu Đuống, đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi, đoạn Ngọc Hồi - Vành đai 4), QL 2 (đoạn Phủ Lỗ - Nội Bài), QL 6 (đoạn Ba La - Yên Nghĩa - Xuân Mai), đường cầu Vĩnh Tuy - Sài Đồng, Yên Viên, Ninh Hiệp… Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, lập dự án và triển khai thi công tuyến QL 5 (đoạn Sài Đồng - Hưng Yên), đường Tây Thăng Long, đường Hoàng Quốc Việt kéo dài.
Các tuyến vành đai được tập trung hoàn thành góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông. Cùng với đó là các tuyến kết nối trong nội đô nhằm giảm ùn tắc như đường Văn Cao - Hồ Tây, Cát Linh - La Thành, La Thành - Thái Hà - Láng, Yên Hòa - Bảo tàng Dân tộc học, Tôn Thất Tùng kéo dài đến Vành đai 3, Kim Mã - Trần Phú, Nguyễn Tam Trinh, đường nối Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Nguyễn Hoàng Tôn, Núi Trúc - Sơn Tây… Với hệ thống cầu, sẽ hoàn thành cầu Đông Trù, Nhật Tân, Phù Đổng 2; xây dựng mới và cải tạo 35 cầu yếu…
Đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nông thôn góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó sẽ tập trung xây dựng, cải tạo một số tuyến trục chính khu trung tâm hành chính huyện; các tuyến liên huyện; cải tạo, xây dựng mới 4.900km đường, tỷ lệ cứng hóa mặt đường nông thôn đạt 100%...
Dành quỹ đất bố trí giao thông tĩnh
Nhằm khắc phục tình trạng mạng lưới giao thông tĩnh vừa thiếu vừa yếu, trong cơ cấu quỹ đất và nguồn vốn phục vụ phát triển GTVT 5 năm tới, Hà Nội dành phần đáng kể để phát triển hệ thống bến, bãi đỗ xe, đặc biệt trong khu vực nội đô; dành quỹ đất để bố trí bãi đỗ xe khu vực Vành đai 2 và ngoài Vành đai 3; phát triển nhanh bãi đỗ, bến xe theo quy hoạch trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Đông và các huyện Từ Liêm, Gia Lâm, Thanh Trì, Đông Anh, Đan Phượng, Chương Mỹ, Sóc Sơn. Trong đó ưu tiên đầu tư xây dựng khoảng 40 bãi đỗ xe cao tầng, bãi đỗ xe ngầm; rà soát, sắp xếp lại điểm, bãi đỗ xe hiện có cho phù hợp.
Trong nhiều cuộc họp bàn về giải pháp giảm ùn tắc, phát triển mạng lưới VTHKCC được coi là phương án tối ưu, qua đó giảm phương tiện cá nhân. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Hà Nội sẽ xây dựng, hoàn chỉnh tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Hà Đông, phát triển thêm 6 điểm trung chuyển xe buýt tại Sơn Tây, Đông Anh, Yên Nghĩa (Hà Đông), Cầu Bươu (Thanh Trì), Gia Thụy (Long Biên) và Hòa Lạc. Phấn đấu tăng từ 65 tuyến buýt với sản lượng vận chuyển hành khách 422 triệu lượt/năm (năm 2011) lên 77 tuyến, sản lượng 777 triệu lượt hành khách/năm vào năm 2015; vận tải liên tỉnh tăng từ 550 tuyến với sản lượng 57 triệu lượt khách (năm 2011) lên 630 tuyến, sản lượng 70 triệu lượt khách (năm 2015). Đẩy nhanh tiến độ thực hiện tuyến đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông, Ngọc Hồi - Yên Viên…
Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển GTVT 5 năm tới khoảng 153.712 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương, TP, vốn ODA, vốn BT, BOT, vốn PPP… Hà Nội đang khẩn trương xây dựng cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực tham gia và tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách về giải phóng mặt bằng, cải cách thủ tục hành chính…