Một người đam mê với nghiệp báo
Đời sống - Ngày đăng : 06:45, 21/06/2011
Trao đổi với đồng nghiệp, ông nhắc về một kỷ niệm không bao giờ quên: Cuối năm 1968, tôi có bài báo đầu tiên trong đời viết về thiếu niên Nguyễn Văn Hòa quê ở Thừa Thiên - Huế mới 15 tuổi đã "hai lần dũng sĩ" đăng trên Báo Nhân Dân. Báo phát hành được vài tiếng đồng hồ thì nhà báo Trần Kiên - thủ trưởng trực tiếp của tôi lúc đó gọi lên hỏi: "Cậu lấy tài liệu ở đâu để viết bài đăng số báo hôm nay? Đồng chí Tố Hữu vừa gọi điện cho Tổng Biên tập Hoàng Tùng, cần gặp tác giả bài báo. Cậu gặp anh Hoàng Tùng báo cáo thật kỹ nhé". Tôi hoảng quá, vì nhà thơ Tố Hữu lúc đó là Trưởng ban Tuyên huấn Trung ương. Nhưng nỗi lo bỗng nhẹ nhàng khi anh Hoàng Tùng thông báo: "Đồng chí Tố Hữu muốn gặp nhân vật trong bài viết của Phương vì thấy nhân vật thú vị và là đồng hương của nhà thơ". Chuyện thú vị là không lâu sau đó, tôi được đọc bài thơ dài 112 câu lục bát của nhà thơ Tố Hữu: "Em tên là Nguyễn Văn Hòa/ Mẹ em thường gọi em là Cu Theo/ Cha đi tập kết, nhà nghèo/ Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con...". Từ chuyện bài báo đầu đời "bị" các sếp hỏi về nguồn tư liệu, nên tôi có ý thức trong việc sưu tầm tài liệu, lâu ngày thành niềm đam mê.
Ở đời người ta ai cũng có một đam mê, nhưng đam mê sưu tầm sách báo, tư liệu, hình ảnh và bút tích của các nhân vật nổi tiếng ở mọi lĩnh vực như nhà báo Trần Thanh Phương thì khá đặc biệt và hơi hiếm. Ông kể: Để có được bút tích của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, tôi đã phải liên hệ với anh Năng - thư ký của Thủ tướng - để xin gặp. Khi tôi đến, Thủ tướng Phạm Văn Đồng bảo tôi: "Đồng chí ngồi đây, tôi viết cho mấy chữ". Nội dung "mấy chữ" ấy thế này: "Đồng chí Phương thân mến, tôi gợi ý đồng chí đi tìm những người lao động ở nước ta đã làm nên những thành tựu kỳ diệu. Đó là những chữ ký có giá trị. Thân ái. Ký tên Phạm Văn Đồng (20-1-1987)". Khi đưa lá thư cho tôi, Thủ tướng vỗ vai tôi thân mật: "Còn bút bích của tôi thì thôi, thì thôi…". Nhận được lá thư tôi mừng muốn phát khóc, vì lá thư vừa thể hiện tư tưởng lớn lao của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, vừa lại là một bút tích rất có giá trị lưu lại đời sau…
Cũng chính cái niềm đam mê ấy mà văn đàn Việt Nam mới có "Chân dung và bút tích nhà văn Việt Nam" in khổ lớn, dày tới 516 trang. 250 nhà văn, nhà thơ (Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Chế Lan Viên, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Thi, Lê Anh Xuân…) mỗi người được dành 2 trang khổ 20,5x29cm bao gồm một bức chân dung, một trang bút tích, vài nét tiểu sử văn học, những tác phẩm chính… Công trình biên khảo thú vị này ngoài nhà báo Trần Thanh Phương còn có vợ ông - nhà giáo Phan Thu Hương. Họ đã hơn hai chục năm mải miết, kiên trì làm một công việc hết sức âm thầm: thu thập, cắt dán để lưu giữ hàng vạn những bài báo theo các chủ đề cho dự án.
Và tên tuổi Trần Thanh Phương đã hai lần được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập hai kỷ lục: Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam - năm 2005; Người có quyển sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam (quyển "Đất nước tôi" có kích cỡ 0,8x1,2m, nặng 87 kg, gồm hơn ngàn trang với 12.000 bài báo) - năm 2007 Nhận xét về đồng nghiệp, người đồng chí của mình, nhà báo Đinh Phong, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam khâm phục: Trần Thanh Phương không những là cây viết xuất sắc mà còn là một người làm tư liệu khá độc đáo. Ở nhà hay ở phòng làm việc của cơ quan, đầy ắp các tư liệu do anh ghi chép, cắt dán và lượm lặt. Ở anh như có hai công việc không gần nhau: một cây viết xông xáo, năng động bên cạnh một người làm tư liệu cần mẫn, kiên trì!