Hướng đi đúng của nền nông nghiệp hiện đại

Kinh tế - Ngày đăng : 07:19, 20/06/2011

(HNM) - Việt Nam là quốc gia xuất gạo lớn, nhưng tập quán canh tác lại khá lạc hậu, năng suất cao nhưng chất lượng thấp. Để giảm chi phí cho nông dân, tăng giá trị loại hàng thế mạnh này, Bộ NN&PTNT đang triển khai và nhân rộng mô hình lúa gieo sạ thẳng hàng - được coi là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại.

Gieo sạ thẳng hàng.


Diện tích lúa gieo sạ tăng nhanh
Gieo mạ và cấy là tập quán canh tác lâu đời ở các tỉnh phía Bắc, nhất là ở Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH). Hạn chế của phương thức này là chi phí làm mạ cao, lao động rất vất vả. Ngoài ra, gieo mạ và nhổ cấy làm gián đoạn và kéo dài thời gian sinh trưởng, năng suất giảm. Từ năm 1980, gieo thẳng bằng tay đã được thử nghiệm và dần phổ biến ở một số tỉnh như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế… Những địa phương áp dụng gieo thẳng trên quy mô hàng nghìn ha cho kết quả tốt. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc vẫn chọn cách gieo mạ, cấy dù đã có mô hình gieo thẳng cho kết quả tốt. Vụ xuân năm 2008, miền Bắc gánh đợt rét hại kéo dài và trong bối cảnh đó, gieo thẳng là biện pháp được khuyến cáo áp dụng để bảo đảm thời vụ và đã cho kết quả tốt. Từ đó đến nay, lúa gieo thẳng, đặc biệt là gieo bằng dụng cụ sạ hàng đã trở thành một hướng quan trọng trong canh tác lúa ở các tỉnh phía Bắc, giúp nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế.

Theo thống kê của Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT, tổng diện tích gieo thẳng từ năm 2008 đến vụ xuân năm 2011 tại các tỉnh phía Bắc đạt gần 1,3 triệu ha, trong đó vụ mùa năm 2010 đạt 193.500ha, vụ xuân năm 2011 đạt 229.100ha lúa. Tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, diện tích lúa gieo thẳng chiếm 90-95% diện tích. Một số HTX ở ĐBSH, trung du và miền núi phía Bắc có tỷ lệ lúa gieo thẳng khá cao, đạt trên 70%. Phương pháp gieo thẳng sử dụng công cụ sạ hàng đang dần phổ biến. Theo Trung tâm Khuyến nông (TTKN) quốc gia, sử dụng dụng cụ sạ hàng là một bước cải tiến giúp tăng năng suất cây trồng, giảm chi phí lao động, giảm lượng hạt giống gieo, tạo quần thể lúa đồng đều hơn so với gieo bằng tay. Đến vụ xuân năm 2011, miền Bắc có khoảng 23,5% diện tích lúa gieo thẳng bằng dụng cụ sạ hàng, diện tích còn lại vẫn gieo bằng tay.

Hà Nội có diện tích trồng lúa khoảng 200.000ha nhưng hiệu quả chưa cao, nguyên nhân chính là do vẫn còn nhiều khâu lao động thủ công nên chi phí công lao động lớn. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc TTKN Hà Nội cho biết, nhằm tăng năng suất lúa, giảm chi phí sản xuất, từ năm 2007, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổ chức làm điểm và nhân rộng phương pháp gieo sạ bằng công cụ kéo tay thành công, được bà con nông dân hưởng ứng. Qua 4 năm thực hiện gieo sạ, mỗi năm diện tích tăng từ 3 đến 4 nghìn ha. Hiện, Hà Nội có 271 HTX gieo sạ/ 671 HTX có cấy lúa.

Giảm chi phí, tăng năng suất
Theo Cục Trồng trọt, thống kê các tỉnh ở miền Bắc cho thấy, năng suất lúa gieo thẳng đều tăng so với năng suất lúa cấy theo phương pháp truyền thống 5-10%, có nơi cao hơn 15%. Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Cục trưởng Cục Trồng trọt, lúa gieo thẳng thường phát triển nhanh hơn lúa cấy, rút ngắn thời gian sinh trưởng từ 5 đến 7 ngày, lúa đẻ nhánh sớm và tập trung. Đặc biệt, nếu gieo sạ bằng công cụ sạ hàng thì có thể tiết kiệm 10-20% lượng hạt giống, tiết kiệm chi phí, công lao động. Ngoài ra, phát triển lúa gieo thẳng còn tiết kiệm nước hơn so với lúa cấy vì rút ngắn thời gian sinh trưởng, đặc biệt là với vụ xuân thường bị thiếu nước tưới do hạn hán, lượng mưa thấp… Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng cho rằng, phương pháp gieo sạ thẳng hàng được nhân rộng sẽ tạo điều kiện cho việc ứng dụng KHKT trong sản xuất nông nghiệp, góp phần hạ giá thành và là cơ sở để tạo vùng tập trung theo hướng CNH - HĐH trong nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Chí cho biết, vụ xuân Hà Nội ước tính năng suất lúa gieo sạ khoảng 64 tạ/ha, tăng 10% so với cấy lúa, người nông dân giảm khoảng 6 triệu đồng chi phí cho 1ha. Nếu cấy thì lượng giống cần cho 1ha đối với lúa thuần là 60kg, lúa lai là 30kg; nếu gieo sạ thì giống lúa thuần cần 30kg/ha, lúa lai 20kg/ha nên lượng giống giảm từ 1/3 đến một nửa.

Tuy nhiên, việc áp dụng phương pháp này tại các địa phương gặp không ít khó khăn. Người nông dân vẫn còn e dè, chưa thực sự tin vào phương pháp mới. Nguyên nhân chủ yếu là phương thức gieo mạ, cấy lúa đã ăn sâu vào tiềm thức, đồng ruộng còn manh mún. Để đạt được mục tiêu đến năm 2015, diện tích lúa gieo thẳng đạt 50% tổng diện tích lúa các tỉnh phía Bắc, trong đó 70% sử dụng dụng cụ sạ hàng, các địa phương cần nhân rộng mô hình, tuyên truyền thay đổi nhận thức, tập tục canh tác cũ, tích cực dồn điền đổi thửa. Phải có chính sách hỗ trợ để khuyến khích nông dân mạnh dạn triển khai phương pháp gieo sạ. Bộ NN&PTNT cần xây dựng chính sách hỗ trợ từ 5-7 năm liên tục vì việc thay đổi tập quán canh tác cho hàng triệu hộ nông dân cần có thời gian. Các địa phương phải coi gieo sạ thẳng hàng là cơ sở để thực hiện việc cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap và gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đào Huyền