Lò gạch “chèn chết” sông Bùi

Bạn đọc - Ngày đăng : 06:36, 20/06/2011

(HNM) - Đóng vai trò quan trọng trong thoát lũ rừng ngang, là hệ thống thủy nông nòng cốt phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của các xã, thị trấn dọc tuyến, nhưng hiện sông Bùi chảy qua địa phận huyện Chương Mỹ bị xâm lấn nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến dòng chảy.

Lấn chiếm... nửa dòng sông

Phóng viên Hànộimới đã khảo sát dọc tuyến sông Bùi, qua các xã Tốt Động, Trung Hòa, Thanh Bình, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến. Bên bờ tả, tại địa điểm trạm bơm Hoàng Văn Thụ (dòng sông Bùi chảy qua xã Hoàng Văn Thụ), 3 vỏ lò đôi đốt gạch thủ công nằm "chềnh ềnh" ngay trên hành lang sông. Ngoài lấn chiếm hành lang sông, chủ lò đổ đất tiến ra phía lòng sông để làm nơi tập kết đất nguyên liệu sản xuất gạch, đóng than... Những bãi đất này rộng chừng 200-300m2, chiếm dụng nửa dòng chảy của sông Bùi. Nhưng theo quan sát tại hiện trường, chủ lò vẫn ngày đêm đổ đất lấn chiếm. Chưa có đánh giá về mức độ ảnh hưởng của tình trạng này từ cơ quan chức năng, nhưng theo quan sát của PV dọc tuyến sông Bùi có rất nhiều điểm sạt lở ở xã Hữu Văn, Mỹ Lương, thậm chí đã đe dọa đến đất sản xuất nông nghiệp như ở khu vực cánh đồng Mạ (xã Trung Hòa).

Ảnh minh họa từ internet

Bên cạnh đó, dọc hành lang sông là hàng trăm ngôi nhà kiên cố, trong đó có rất nhiều nhà cao tầng vẫn tiếp tục mọc lên. Tại thôn Tinh Mỹ (xã Trung Hòa), ở ngay giữa kè Tinh Mỹ vừa được hoàn thành, một số hộ dân đổ cột bê tông lấn chiếm ra cả lòng sông. Cũng ở khu vực này, một ngôi nhà cấp 4 kiên cố đã xây dựng xong nhưng lại ở vị trí gần... giữa sông. Tại xã Tốt Động, tình hình phức tạp không kém vì hiện có 241 thửa đất nằm trong hành lang sông, trong đó có 78 thửa đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số còn lại có lịch sử hàng chục năm hoặc là "đất ông cha" để lại. Theo ông Nguyễn Xuân Đệ, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Chương Mỹ, vi phạm nghiêm trọng nhất là làm lò gạch, xây dựng nhà kiên cố, làm lều lán... trên hành lang sông. Trong đó tập trung chủ yếu ở các xã Nam Phương Tiến, Trung Hòa, Tân Tiến, Tốt Động, Hoàng Văn Thụ, Quảng Bị.

Vai trò chính quyền ở đâu?

Mặc dù hành lang sông Bùi đang bị xâm lấn rất phức tạp nhưng khi làm việc với PV Báo Hànộimới, Phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ - cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đã chưa đưa ra được con số thống kê, rà soát, phân loại các trường hợp đang sinh sống, sản xuất có ảnh hưởng đến hành lang thoát lũ của sông. Giải thích vấn đề này, Trưởng phòng Kinh tế Đặng Viết Xuân cho rằng, do các xã, thị trấn chưa gửi báo cáo nên chưa tổng hợp được, mặc dù trước đó huyện đã có chỉ đạo. Theo ông Xuân, toàn tuyến không để xảy ra vi phạm mới, những trường hợp nằm trong hành lang đê hiện nay đều do lịch sử để lại như "đất ông cha"; đất cơ sở bán trái thẩm quyền... Nhưng Trưởng phòng Đặng Viết Xuân lạc quan cho rằng, tình hình không phức tạp, trong khi thực tế lò gạch, nhà dân vẫn đang từng ngày, từng giờ bóp nghẹt dòng sông. Chúng tôi đã làm việc với ông Nguyễn Trọng Ánh, Trưởng phòng Kỹ thuật (Xí nghiệp Thủy lợi Chương Mỹ) và được biết thực trạng đáng lo ngại, nếu như cách đây 5 năm, mưa 100-150mm lúa mới cấy trong đồng không bị úng, lụt thì ở thời điểm hiện tại, cũng lượng mưa như vậy nước lũ ngoài sông lên nhanh nhưng rút chậm vì dòng sông bị co hẹp, vì thế mực nước ngoài sông và trong đồng chênh nhau dẫn đến phải vận hành hàng chục máy bơm tiêu, chi phí hàng trăm triệu đồng/ngày đêm.

Ngày 14-6, UBND huyện Chương Mỹ đã ban hành kế hoạch xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều như làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, lều quán, đào xẻ đê... trong phạm vi 5m tính từ chân đê, trong hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ, tập trung trên các tuyến đê cấp IV, cấp III, trong đó có tuyến tả, hữu sông Bùi, thời gian thực hiện từ ngày 15-6 đến 25-7. Nhưng xem ra, với cung cách quản lý còn buông lỏng, chưa sát sao của chính quyền các cấp ở huyện Chương Mỹ thì khó lòng giải quyết triệt để. Hơn nữa, xử lý vi phạm trên hành lang sông Bùi phải tính đến nhiều khía cạnh, vì ở đây có những khu vực trong hành lang đê, hành lang sông nhưng dân cư đã sinh sống thành làng, xóm từ rất lâu đời. Ông Đoàn Đình Thắng, Chủ tịch UBND xã Tốt Động cho rằng, để di chuyển một cụm dân ra khỏi khu vực hành lang đê, hành lang sông cần có thời gian, tính toán chính sách tái định cư, nếu không sẽ rất khó thực hiện. Đây là vấn đề lâu dài, nhưng trước mắt để bảo đảm hành lang sông Bùi thông thoáng thì những vi phạm mới kiểu như làm nhà... giữa sông; lấn chiếm hết nửa lòng sông... cần được xử lý nghiêm túc.

Chí Kiên