Núi Phượng Hoàng - những điều kỳ thú của thiên nhiên

Du lịch - Ngày đăng : 16:56, 09/01/2004

Núi Phượng Hoàng thuộc đất làng Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cách Hà Nội 80km. Dải núi Phượng Hoàng rộng hơn 20ha, có nhiều hang động lớn. Ngày 12/12/1994, hang Phượng Hoàng và hang suối Mỏ Gà trong quần thể núi Phượng Hoàng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia.

Núi Phượng Hoàng thuộc đất làng Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, cách Hà Nội 80km. Dải núi Phượng Hoàng rộng hơn 20ha, có nhiều hang động lớn. Ngày 12/12/1994, hang Phượng Hoàng và hang suối Mỏ Gà trong quần thể núi Phượng Hoàng đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là thắng cảnh quốc gia.

Đứng ở làng Âu (Phú Thượng), du khách có thể nhìn thấy trên ngọn Phượng Hoàng có 2 tảng đá dựng đứng màu trắng, dân địa phương gọi là ngọn Mắt Mèo. Còn nguồn gốc của cái tên Phượng Hoàng bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian: ngày xưa dải núi này có đôi chim phượng hoàng sống rất hạnh phúc. Đôi phượng sinh hạ được cặp trứng, hàng ngày chim mẹ nằm ấp, chim bố đi kiếm mồi. Một ngày kia, chim bố đi theo đàn phượng khác, nó mải mê ngắm cảnh, làm duyên mà quên mất người vợ của mình đang đợi ở tổ. Một thời gian sau, phượng hoàng bố chợt nhận ra mình đã bỏ nhà đi lâu quá và vội vã trở về nhà. Về đến nhà thì phượng hoàng mái đã hóa đá vì mỏi mòn chờ đợi. Phượng hoàng bố ân hận nằm ở ngọn núi bên nhìn sang cho tới ngày nó cũng hóa đá. Kể từ đó núi có tên Phượng Hoàng. Dưới cánh đồng Phú Thượng nhìn lên thấy rõ 2 ngọn núi đá cao giống như đôi chim phượng hoàng đang ấp trứng.

Từ chân núi leo tới hang Phượng Hoàng mất chừng nửa giờ. Thoáng chốc, du khách đã đến lên đến đỉnh núi, bao nhiêu mệt nhọc tan biến bởi không khí mát lạnh, hơi gió ùa ra từ cửa hang như tiếp sức cho du khách tiếp tục cuộc hành trình khám pha hang Phượng Hoàng. Hang Phượng Hoàng gồm 3 tầng, tầng thượng là hang Dơi, tầng giữa là hang Sáng bởi có ba cửa từ các phía rọi ánh sáng mặt trời. Hang Sáng rộng hàng ngàn mét vuông, vòm hang cao hơn 100m. Những kẽ nứt trên vòm hang, vách hang tạo cho lòng hang càng thêm huyền ảo. Mối bước chân lên từng phiến đá dẫn xuống mặt hang lại tạo thành những âm thanh lúc như tiếng đàn bưng bưng, lúc lại nghe như tiếng trống đồng từ ngàn xưa vọng lại. Do hang rộng nên mỗi âm thanh trong hang Sáng lại cộng hưởng với nhau vang vọng mãi không dứt. Tầng cuối là hang Tối bởi ánh sáng tự nhiên không lọt vào đến hang này.

Thú vị hơn khi được thỏa sức ngắm nhìn từng khối nhũ đá. Trên đỉnh hang, nhũ đá rủ xuống như tấm rèm, lô xô như mây. ở vách hang là nhũ đá mang hình mẹ cõng con lên nương, tháp búp nghiên đồ sộ và bên cạnh là chú sư tử hóa đá ngửa mặt chầu; chỗ khác lại như bầu sữa mẹ căng tròn, sóng người lao lên phía trước phá đồn thù; chỗ lại êm ả như bức phù điêu họa cảnh trai gái tình tự. Vào sâu hơn có ông voi già đang nằm khóc, những tháp đá uy nghiêm, những đèn lồng ngàn tấn, cột đá nối từ mặt hang lên tới đỉnh. ở chính giữa đỉnh hang có một vũng nước trong vắt không bao giờ cạn. Tương truyền, vũng nước này là nước mắt của chim phượng hoàng chồng, chảy mãi muôn đời để nhắc nhở con người phải luôn giữ lòng thủy chung. Càng đi sâu vào lòng hang, du khách lại càng khám phá ra những điều lý thú.

Dưới chân núi Phượng Hoàng là hang suối Mỏ Gà, nơi dân gian vẫn còn lưu truyền một huyền thoại. Năm ấy trời khô hạn, có một lão nông vào rừng đốn củi, thấy có đàn gà rừng le te nhặt mồi. Lão nông đuổi bắt, đuổi mãi cho tới vào tận cuối hang, đàn gà bỗng dưng biến mất. Tiếc công, lão bới đá tìm thì gặp mạch nước ngầm tuôn chảy giúp dân làng có đủ nước cấy cày. Nhớ ơn thần núi, người dân dưới chân núi Phượng Hoàng lấy tên hang là Mỏ Gà. Cửa hang suối Mỏ Gà rộng chừng 100m, trong lòng hang có nhiều nhũ đá đẹp, có lỗ thông lên đỉnh núi rọi ánh sáng xuống lòng hang. Phía trước cửa hang là các thác nước nhỏ, đảo đá, bến tắm...

Chắc chắn trong tương lai không xa, quần thể hang động Phượng Hoàng sẽ là điểm đến ưu thích của du khách mỗi khi đến Thái Nguyên.

Đức Nguyễn

TUANANH