HLV Nguyễn Ngọc Đạo và trận đấu để đời

Thể thao - Ngày đăng : 07:04, 19/06/2011

(HNM) - Những gương mặt gạo cội của bóng chuyền (BC) Việt Nam khá nhiều. Trong ngày vui kỷ niệm nửa thế kỷ của môn thể thao này ở Việt Nam, nhiều người nhắc đến sự vắng mặt của một số nhân vật đặc biệt như thế, trong đó có ông Nguyễn Ngọc Đạo, cầu thủ kiêm HLV của Đội BC nam Bưu điện Hà Nội (BĐHN), một người rất đỗi tài hoa, dân Hà Nội gốc.

Nguyễn Ngọc Đạo sinh ngày 18-6-1935 tại Hà Nội. Dáng cao lớn nên ngay khi còn học phổ thông, ông đã tập chơi BC ở Trường Nguyễn Trãi. Khi đi làm, ông may mắn làm việc ở cơ quan có phong trào BC. Một ngày đầu năm 1956, ông Đặng Duy Tư, phụ trách Ban TDTT Bưu điện Hà Nội nảy ra sáng kiến thành lập đội BC. Sáng kiến được ủng hộ và cơ quan triệu tập 3 người, gồm Nguyễn Ngọc Đạo, Quản Trọng Hải và Đào Tiến Chương làm nòng cốt, lần lượt sau đó là các ông Nguyễn Thế Thanh, Đỗ Hoàng Quyền, Nguyễn Hữu Hào, Đặng Bảo Vĩnh, Tạ Doãn Thái… Mọi chuyện được quyết rất nhanh, 3 nhân vật trung tâm được hưởng chế độ cán bộ hành chính, chức danh phát hành BĐHN và Nguyễn Ngọc Đạo là đội trưởng kiêm HLV. Chẳng lâu sau, BĐHN bắt đầu tham dự giải và nổi lên như một "đại gia" của BC miền Bắc, chỉ sau Thể Công hùng mạnh. Sau này, khi được chuyển tên gọi là Đội Tổng cục Bưu điện (TCBĐ) và đội đã vô địch miền Bắc các năm 1973, 1975; năm 1968, 1969 nhận HCB, năm 1976 lĩnh HCĐ. TCBĐ từng có các cầu thủ Quản Trọng Hải, Đào Tiến Chương, Nguyễn Đăng Khúc, Tăng Tự Hưng, Nguyễn Mạnh Hùng được gọi vào đội tuyển quốc gia. Trong đó thời kỳ sung nhất có Tăng Tự Hưng là cầu thủ xuất sắc hơn cả.

Trang sử vàng của Đội TCBĐ đã ghi nhận trận đấu để đời là lần thắng đậm Thể Công 3-1, giành chức vô địch miền Bắc năm 1975 tại Quảng Ninh. Đúng là một trận đấu lịch sử. Ông Đạo nhớ lại, hồi ấy vũ khí của đội là quả phát ngắn, thậm chí cực ngắn. Thứ vũ khí này góp phần phá bước 1 của đối phương và tạo hiệu quả rất cao. Năm ấy, Thể Công có thể hình và sức mạnh đồng đều hơn hẳn, duy có phụ công Nguyễn Hữu Dông là đỡ bước 1 kém. Khi ấy, ông Đạo quyết định cho toàn đội dành thật nhiều thời gian tập phát bóng bằng 2 kiểu, một là cực ngắn, hai là phát vào vị trí của Nguyễn Hữu Dông.

Trận chung kết diễn ra vào buổi tối. TCBĐ xuất quân với sơ đồ 2-4: Hưng - Bắc - Khúc - Hùng - Quyền - Huy. Trong trận, Nguyễn Hữu Dông phải đỡ ngót 100 quả phát, khán giả vùng mỏ tại sân Quảng Ninh khi ấy đồng thanh: "Dông này! Dông này!" mỗi lần Thể Công đỡ phát bóng. Và kết quả là trận ấy TCBĐ thắng đậm 3-1, giành HCV.

Thời hoàng kim của TCBĐ chấm dứt sau ngày Tăng Tự Hưng chia tay vào năm 1979, từ đó TCBĐ chỉ lo giữ hạng là chính. Đến năm 1986 thì đội bị xuống hạng và phải đợi đến giai đoạn sau này, lớp trẻ của CLB Bóng chuyền BĐHN mới vượt lên với những cầu thủ như Nguyễn Hùng Mạnh, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Sỹ Hòa...

Nhắc lại chuyện xưa, người thày của đội BC ngành bưu điện Thủ đô vẫn còn tự hào với hai trận đấu hay: Năm 1978, Thể Công dù có chuyên gia Liên Xô dẫn dắt vẫn thua TCBĐ 2-3 tại Bách Khoa, trận còn lại là TCBĐ thắng Thể Công 3-1 trên sân Bưu điện…

Nhắc lại chuyện xưa ngay tại ngôi nhà ở phố Trần Quốc Toản, ông Đạo cười xòa: "Đó, thể thao là thế đó, vui buồn có cả. Bây giờ, tôi chỉ mơ ước Hà Nội ta có lại một tập thể gắn bó và hiểu biết, thương yêu nhau như TCBĐ hồi ấy. Có tình đoàn kết và có bản lĩnh thì chẳng điều gì mà không làm nổi…".

Ama Lâm