Loay hoay bài toán an cư

Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 19/06/2011

(HNM) - Nghề điêu khắc đá truyền thống ở thôn Long Châu Miếu (xã Phụng Châu, huyện Chương Mỹ) có từ bao giờ không ai nhớ nổi, chỉ biết trải bao thăng trầm nhưng rồi làng nghề vẫn trụ vững và ngày càng phát triển, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương. Người dân Long Châu Miếu luôn tự hào về nghề truyền thống cha ông.


Độc đáo nghề truyền thống

Từ thị trấn Chúc Sơn, theo đường Chùa Trầm vào làng điêu khắc đá Long Châu Miếu chưa đầy 2km, chúng tôi thấy cả chục cơ sở điêu khắc đá hai bên đường, hàng chục công nhân đang miệt mài cưa, đục... trên các phiến đá. Chưa ráo mồ hôi sau phút nghỉ ca, Nguyễn Bá Phú, 29 tuổi, quê ở xã Nam Phương Tiến, thợ đá của Công ty TNHH Điêu khắc đá Long Huyền lại bắt tay ngay vào làm. "Độ 4-5 năm lại đây, nghề điêu khắc đá ở Long Châu Miếu phát triển mạnh, cánh thợ chúng tôi chưa lúc nào hết việc. Làm đá vất vả, suốt ngày hứng nắng, gió, bụi bặm nhưng được cái thu nhập khá. Bình quân thu nhập của thợ đá đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng, tay nghề cao có thể được trên dưới 10 triệu đồng/người/tháng" - anh Phú khoe.

Sản xuất tại làng nghề điêu khắc đá Long Châu Miếu. Ảnh: Thu Hằng

Đúng là nghề điêu khắc đá vất vả so với đa số nghề khác, lại đòi hỏi người thợ phải có óc sáng tạo, con mắt thẩm mỹ, tính kiên trì tỉ mỉ nên không phải ai cũng làm được. Thế nhưng ở Long Châu Miếu, nhiều gia đình có tới 4-5 đời vẫn duy trì làm nghề. Gia đình ông Nguyễn Văn Củng là một ví dụ, từ đời ông nội ông Củng là cụ Nguyễn Văn Vỹ, bố ông Củng là Nguyễn Văn Diên, đến đời ông, nay là con và cháu ông đều gắn bó với nghề điêu khắc đá của quê hương. Hiện 3 con trai ông là Nguyễn Văn Long, Nguyễn Văn Trọng và Nguyễn Văn Trường đều thành lập công ty chuyên sản xuất và kinh doanh các sản phẩm bằng đá, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Kế thừa và phát huy nghề truyền thống của quê hương, Công ty TNHH Điêu khắc đá Trường Nguyệt do anh Nguyễn Văn Trường làm Giám đốc đã phát triển không ngừng. Hiện, công ty có 40 công nhân làm việc. Từ khi thành lập đến nay, công ty đã thi công nhiều công trình lớn, nhỏ. Công trình lớn nhất mà công ty đảm nhận trong năm 2011 này là Nhà tưởng niệm Bác Hồ tại Pác Bó (Cao Bằng) với tổng mức đầu tư trên 3 tỷ đồng. Vinh dự khi đại diện cho thôn nhận thi công công trình có ý nghĩa Nhà tưởng niệm Bác Hồ, cán bộ, công nhân công ty đã vượt khó, hoàn thành công trình đúng tiến độ, chất lượng.

Loay hoay bài toán an cư

Chủ tịch UBND xã Phụng Châu Lê Bá Đồng cho biết, 10 năm lại đây, nhu cầu sử dụng các sản phẩm bằng đá phong phú nên nghề điêu khắc đá ở Long Châu Miếu phát triển. Hiện nay, thôn có gần 20 cơ sở sản xuất, trong đó có 4 công ty TNHH, 8 cơ sở chuyên sản xuất, kinh doanh đồ đá mỹ nghệ, còn lại là cơ sở sản xuất nhỏ, quy mô hộ gia đình. Trước đây, khách hàng chủ yếu đặt làm tượng phật, voi, hổ, sư tử, rùa đá và các sản phẩm phục vụ trang trí, trùng tu di tích... Nay, thợ đá nhận nhiều hợp đồng phục vụ trùng tu các khu di tích quy mô lớn, khu du lịch. Tiếng lành đồn xa, không chỉ có khách hàng ở Hà Nội, mà khách từ khắp nơi, từ Nghệ An, Thanh Hóa trở ra đều tìm đến làng nghề điêu khắc đá Long Châu Miếu.

Sự phát triển của nghề truyền thống đã góp phần nâng cao đời sống cho dân. Nhưng, sự phát triển tự phát, không theo quy hoạch, mạnh ai nấy làm của nghề điêu khắc đá khiến môi trường Long Châu Miếu bị ô nhiễm. Do thiếu mặt bằng sản xuất nên các hộ đều tận dụng đất thổ cư làm xưởng. Một số hộ "mượn" đất công để sản xuất, gây cản trở giao thông trên tuyến đường du lịch từ thị trấn Chúc Sơn vào Chùa Trầm. Đặc biệt, do đặc thù của nghề điêu khắc đá, tiếng ồn từ cưa, mài đá phát ra lớn; chất thải, nước thải, bụi thải ra môi trường trong quá trình chế tác đá… đã khiến cho không gian làng quê trở nên ồn ã, ô nhiễm.

Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường do các cơ sở chế tác đá gây nên, đồng thời tạo mặt bằng cho các hộ mở rộng quy mô sản xuất, thúc đẩy làng nghề ngày càng phát triển, mới đây UBND xã Phụng Châu đã có tờ trình UBND huyện Chương Mỹ về quy hoạch điểm sản xuất tập trung. Theo Chủ tịch UBND xã Phụng Châu, quỹ đất công của xã hiện còn nhiều, nhưng do phải chờ hoàn thiện quy hoạch xây dựng Trường Đại học Thủy lợi trên địa bàn nên việc quy hoạch điểm sản xuất nghề truyền thống địa phương phải chậm lại. Trước mắt, để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, UBND xã đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất xây dựng rãnh thoát nước thải, thu gom hết lượng đá thải, không để tồn đọng trong khu dân cư...

Mong muốn lớn nhất của người dân Long Châu Miếu bây giờ là xã sớm quy hoạch điểm sản xuất tập trung. Có như vậy, các hộ dân mới có điều kiện phát triển nghề truyền thống.

Thu Hằng