Hãy học hỏi và cùng sáng tạo

Văn hóa - Ngày đăng : 06:40, 19/06/2011

(HNM) - Từ năm 2010, Hội đồng Phát triển sách quốc gia Singapore (NBDCS) có sáng kiến tổ chức thường niên Liên hoan châu Á cho trẻ em (AFCC). Cuối tháng 5-2011, tại cuộc liên hoan này, đông đảo nhà văn, họa sĩ, đại diện các nhà xuất bản, nhà báo, đạo diễn chương trình truyền hình cho trẻ em từ khắp nơi trên thế giới đã cùng bàn chủ đề "Làm thế nào để phát triển xuất bản sách cho trẻ em trong khu vực"?

Thách thức của việc xuất bản sách thiếu nhi

Một cuộc gặp gỡ lớn mà ở đó, bạn bè quốc tế cùng có những băn khoăn về văn hóa đọc của trẻ em, trong đó, nổi cộm là sự lấn át của các phương tiện giải trí khác. Đáng tiếc, lợi thế mà sách mang lại cho trẻ em như kiến thức, giải trí, hình thành sức đề kháng để đẩy lùi tệ nạn xã hội… lại chưa được nhiều gia đình chú trọng. Nhà văn Stephen Mooser (Mỹ), người có hơn 60 đầu sách cho thiếu nhi đã có bài phát biểu rất hóm hỉnh về "Tương lai xuất bản sách cho trẻ em", trong đó nhấn mạnh những khác biệt của việc xuất bản sách cho trẻ em trong thế kỷ XX và thách thức trong thời gian tới.

Độc giả nhỏ tuổi tìm mua sách thiếu nhi tại hiệu sách trên phố Lý Thường Kiệt (Hà Nội). Ảnh: Dương Thùy

Nhiều nhà văn nhận thấy: sách, một hình thức truyền bá văn hóa dù bị các hình thức truyền thông đa phương tiện lấn át, nhưng không phải vì thế mà công nghệ sách cho trẻ em không còn cơ hội phát triển. Sách vẫn là người bạn thân thiết, quen thuộc, gần gũi. Các nhà văn khẳng định: tương lai của xuất bản sách cho trẻ em chính là tương lai của nền xuất bản thế giới và cần phải tìm ra "chìa khóa" để phát triển sách cho trẻ em trong khu vực.

Học hỏi và cùng sáng tạo

Đây là lần đầu tiên Nhà xuất bản Kim Đồng cử đại biểu tham gia một hội nghị chuyên đề "Xuất bản sách trẻ em ở châu Á". Bài trình bày "Văn học của trẻ em ở Việt Nam" đã lôi cuốn sự chú ý của bạn bè và thật hạnh phúc khi thấy mọi người đều mê tác phẩm "Dế mèn phiêu lưu ký" của nhà văn Tô Hoài qua bản dịch "Diary of a Cricket" của cố dịch giả Đặng Thế Bính. Đó là một tác phẩm đậm chất nhiệt đới, chất châu Á nhưng vẫn có sức vươn xa đến rất nhiều vùng đất xa xôi. Đó là dấu hiệu khẳng định văn học thiếu nhi Việt Nam được chú ý và thực tế, nó cũng có vị thế đáng nể cả về số lượng và chất lượng trong khu vực. Như gần đây, tác phẩm thiếu nhi "Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ" của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh đã giành giải thưởng ASEAN, được dịch và xuất bản tại Hàn Quốc, Thái Lan, Mỹ.

Điều mà các nhà văn tham gia hội thảo quan tâm chính là nội dung tác phẩm viết cho thiếu nhi. Các câu hỏi đều xoay quanh vấn đề làm thế nào để thể hiện "tâm hồn châu Á" trước bạn đọc toàn thế giới. Mọi người đều rất đồng tình với nhận xét: "Thế giới sẽ trở nên đơn điệu nếu chỉ có sự phát triển của vài nền văn học lớn với hệ thống phát hành phủ khắp toàn cầu". Vì vậy, chìa khóa cho các tác phẩm văn học khu vực chính là "tâm hồn châu Á".

Sự trao đổi kinh nghiệm sáng tác giữa các nhà văn cùng chung niềm đam mê viết cho trẻ em đã diễn ra sôi nổi. Nhà văn Ken Spillman (Australia), người đang có bộ sách "Jack không ngồi yên một phút" đang được xuất bản ở Việt Nam có bài phát biểu "Con trai là con trai!" nêu vấn đề viết làm sao để lôi cuốn các cậu bé. Chuyện tưởng nhỏ nhưng lại giải đáp khá nhiều băn khoăn trong việc xác định đối tượng, tìm đầu ra cho tác phẩm.

Không chỉ trao đổi kinh nghiệm về xuất bản sách truyền thống, NXB Vibal (Philippin) đã giới thiệu sản phẩm sách trên điện thoại dưới dạng song ngữ. Ngôn từ được kết hợp với hình ảnh, âm thanh quả là hấp dẫn bạn đọc nhỏ tuổi. Gặp gỡ "người đến từ Hà Nội", các bạn Philippin bày tỏ sự mong muốn được giới thiệu các truyện ngắn thiếu nhi Việt Nam tới độc giả Philippin bằng hình thức đọc sách trên điện thoại. Có thể coi đó là một cách tiếp cận khác mở đường cho văn học thiếu nhi Việt Nam đến với bạn đọc thế giới.

Có thể cảm nhận rõ ràng là bạn bè khu vực và thế giới có cùng nỗi boăn khoăn chung về văn hóa đọc của trẻ em. "Hãy học hỏi lẫn nhau và cùng sáng tạo" là thông điệp kêu gọi hành động để thúc đẩy xuất bản sách thiếu nhi, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho chính tương lai chúng ta.

Lê Phương Liên