Trách nhiệm không thể là của chung
Đời sống - Ngày đăng : 06:35, 19/06/2011
Nhiều lực lượng cùng tham gia quản lý những tấm biển quảng cáo, nhưng thiếu một nhạc trưởng. Sự né tránh, thậm chí đùn đẩy trách nhiệm đã tạo nên một bức tranh hỗn độn, gây nhiều bức xúc trong dư luận.
Lên quận bảo phường, xuống phường bảo quận
Từ đầu tháng 6 đến nay, dư luận xôn xao lo ngại trước hàng loạt vụ tai nạn sập, đổ biển quảng cáo tấm lớn. Điển hình là vụ xảy ra tại quận Hà Đông ngày 5-6. Anh Nguyễn Hoàng Hà ở La Khê trên đường đi làm về đã vào trú mưa tại số nhà 30, đường Quang Trung thì bất ngờ bị tấm biển quảng cáo mặt trước cửa hàng rộng chừng 10m2, nặng hàng tấn đổ sập, đè gãy một chân và một tay. Hai người khác đứng cùng anh Hà cũng bị thương. Ba chiếc xe máy bị hỏng nặng. Vụ tai nạn khiến nhiều gia đình ở Hà Nội hết sức lo lắng, nhất là những nhà sống gần biển quảng cáo tấm lớn.
Quản lý biển quảng cáo ngoài trời rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Ảnh: Bá Hoạt |
Trong tâm trạng âu lo, bà Nguyễn Thị Loan, ở 308 Tôn Đức Thắng đã gửi thư lên Ban Bạn đọc Báo Hànộimới, phản ánh việc dựng tấm biển quảng cáo rộng gần 100m2 gắn ở tường nhà số 306 bên cạnh không chỉ làm rơi búa, vãi vật liệu sang nhà bà mà còn sẵn sàng đổ, sập bất cứ lúc nào trong mùa mưa bão. Điều đáng nói là phóng viên Báo Hànộimới đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình tìm ra "cơ quan hữu trách" có thể giúp bà Loan giải tỏa mối lo. Đến Phòng Văn hóa, Thể thao và Du lịch quận, người ta nói phải hỏi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND phường, đến UBND phường lại được bảo lên hỏi quận....
Để xin phép xây dựng biển quảng cáo ngoài trời, phải thực hiện khoảng 10 loại giấy tờ, được sự đồng ý của ít nhất 5 cơ quan quản lý nhà nước như Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Xây dựng, Sở GTVT, Sở QHKT, Sở Tài nguyên và Môi trường; một số trường hợp còn phải xin phép cả Sở Công thương. Trong quá trình triển khai xây dựng, tất cả các cơ quan trên đều có trách nhiệm kiểm tra, giám sát xem giấy phép có được thực hiện đúng hay không. Sở Xây dựng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm kiểm soát trật tự xây dựng và nội dung quảng cáo. Nhưng nếu xảy ra vi phạm, chỉ có chính quyền phường, xã, thị trấn nơi đặt biển quảng cáo mới có quyền xử lý, cưỡng chế thực hiện theo giấy phép. Có thể nói, quy trình cấp phép rất kín kẽ, lực lượng quản lý lĩnh vực quảng cáo ngoài trời đông đảo về số lượng.
Thế nhưng thực tế thì chất lượng và hiệu quả quản lý lĩnh vực này còn quá nhiều bất cập. Quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội rất lộn xộn, đặc biệt là những tấm biển quảng cáo gắn trên tường nhà. Rất nhiều quy định đối với loại hình quảng cáo này đã không được tuân thủ. Năm 2009, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 94 về việc quản lý hoạt động quảng cáo, trong đó nêu rõ: "Đối với biển hiệu ngang, chiều cao biển hiệu tối đa 2m, chiều dài không vượt quá chiều ngang mặt tiền nhà, diện tích không quá 30m2. Đối với biển hiệu dọc, chiều cao tối đa 4m, chiều ngang là 0,6m, không vi phạm chỉ giới xây dựng". Tuy nhiên, người ta có thể bắt gặp trên rất nhiều đường, phố Thủ đô, nhan nhản biển hiệu choán hết mặt trước cửa nhà, rộng tới hàng trăm mét vuông như trường hợp bà Nguyễn Thị Loan phản ánh ở trên.
Biển quảng cáo rộng hàng chục mét vuông của Cửa hàng vàng Ngọc Toàn (Hà Đông) bị đổ sập sau trận mưa dông tối 5-6. Ảnh: Chí Đạo |
Rạch ròi trách nhiệm, siết chặt quản lý
Mỗi cơ quan quản lý liên quan đến quảng cáo ngoài trời đều có cái lý của riêng mình, trong việc để lĩnh vực này trở nên phức tạp. Nhìn chung đây là lĩnh vực quản lý đa ngành, nhưng không khó để phân biệt khi xảy ra vi phạm thì phần nào thuộc trách nhiệm của ai. Ví dụ, khi xây dựng, lắp đặt biển quảng cáo không đúng giấy phép, không đúng quy định của UBND TP thì thanh tra xây dựng hoàn toàn có thể vào cuộc, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, cần thiết có thể đề nghị UBND cấp phường, xã, thị trấn tổ chức cưỡng chế vi phạm… Trước những nguy cơ mất an toàn từ quảng cáo ngoài trời, việc quản lý trật tự xây dựng đối với quảng cáo ngoài trời là quan trọng nhất. Trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý xây dựng.
Tuy nhiên, như bất kỳ lĩnh vực quản lý đa ngành nào, khi trách nhiệm giữa các bên liên quan không được phân công rạch ròi, cộng với sự hạn chế của việc kiểm tra, giám sát, xử lý trách nhiệm thì tình trạng né tránh công việc, thậm chí thờ ơ trước thực trạng bức xúc đang bày ra trước mắt tất yếu sẽ xảy ra.
Để khắc phục tình trạng này, nhất thiết phải có một cơ quan đứng ra làm "nhạc trưởng" để tập trung lực lượng xử lý những vi phạm. Trên cơ sở đó, xây dựng quy chế phối hợp và phân công trách nhiệm giữa các bên liên quan trong kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm thuộc lĩnh vực này. Làm sao để chỉ cần "soi" vào quy chế là có thể thấy, cơ quan nào hoàn thành nhiệm vụ, cơ quan nào không chịu thực thi chức trách. Chừng nào còn thiếu những "công cụ" và sự vào cuộc quyết liệt, chừng đó, người dân vẫn sẽ thấp thỏm lo âu trước nguy cơ của quảng cáo ngoài trời.
Tai nạn từ quảng cáo ngoài trời rõ ràng là không phải lỗi tại trời.