Nhà báo cũng là người thi hành công vụ!

Đời sống - Ngày đăng : 06:15, 19/06/2011

(HNM) - Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam sắp đến nhưng đáng buồn là trong muôn ngàn câu chuyện về nhà báo và công việc viết báo, nổi cộm lên lại là chuyện nhà báo liên tục bị cản trở tác nghiệp, bị hành hung, bị xúc phạm, gây khó khăn trong khi hành nghề ở nhiều mức độ khác nhau.

Ngày 29-5-2011, nhà báo Trần Công Lũy (Báo Công lý) bị khống chế, còng tay vô cớ trong lúc đang tác nghiệp tại Hội chợ Thương mại quốc tế ĐBSCL 2011 - Tịnh Biên (An Giang). Sau đó không lâu, ngày 30-5, nhà báo Võ Thanh Mai, Báo Nông nghiệp Việt Nam thường trú tại Nghệ An bất ngờ bị hai đối tượng xông tới dùng kiếm chém gây thương tích khi đang dừng xe để mua xăng trên đường. Rồi ngày 14-6 mới đây, hai nhà báo của kênh VTC14 và Truyền hình An ninh Thủ đô bị cản trở, lăng mạ và hành hung khi tác nghiệp về bảo đảm TTATGT đường sắt tại xã Phú Diễn, Từ Liêm (Hà Nội)...

Đang ngày càng có nhiều vụ việc như thế xảy ra và cơ quan báo chí chủ quản cùng Hội Nhà báo địa phương đều đã có công văn gửi các cơ quan có trách nhiệm của địa phương, nơi có nhà báo bị cản trở, hành hung, đề nghị khẩn trương chỉ đạo làm rõ vụ việc và xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã có sự can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, việc xử lý của cơ quan chức năng lại thường là quá chậm hoặc thiếu nghiêm khắc dù Luật Báo chí (sửa đổi, bổ sung năm 1999) đã quy định rất rõ: "Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm nhân phẩm của nhà báo hoặc phá hủy, thu giữ phương tiện, cản trở nhà báo tác nghiệp".

Là người dân trong một xã hội văn minh, có kỷ cương, chúng tôi đánh giá rất cao tác dụng của báo chí, vai trò của nhà báo và hết sức phẫn nộ trước việc nhà báo bị cản trở, xúc phạm khi tác nghiệp. Để hạn chế tình trạng xấu này, đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật cần xử lý nghiêm minh, áp dụng các chế tài đủ sức răn đe để trừng trị thích đáng những kẻ côn đồ. Đồng thời, cần bổ sung ngay vào luật các đối tượng thi hành công vụ bao gồm cả các nhà báo đang tác nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực điều tra, chống tham nhũng, tiêu cực. Bên cạnh đó, ngoài việc nhà báo cần thường xuyên tu dưỡng, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, Nhà nước cũng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến để mọi người hiểu rõ quy định của pháp luật về báo chí và hoạt động của nhà báo.

Nhật Minh