Một mô hình nhiều ý nghĩa

Đời sống - Ngày đăng : 07:36, 18/06/2011

(HNM) - Xa nhà, sau những giờ làm việc mệt mỏi cộng với thiếu hiểu biết về cách phòng chống các tệ nạn xã hội khiến nhiều người đã tìm cách giải sầu thiếu lành mạnh mà không biết đó chính là con đường ngắn nhất dẫn đến lây truyền HIV/AIDS.


Chương trình phòng chống HIV/AIDS thuộc Dự án "Xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1, giai đoạn 1" (HURC1) đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên đã có những hoạt động can thiệp làm giảm nguy cơ mắc HIV/AIDS cho các cán bộ thiết kế, lực lượng lao động thực thi cũng như người dân quanh khu vực dự án.

Giật mình những con số


Tập huấn kiến thức, kỹ năng cho đội tuyên truyền đến hộ gia đình và các đối tượng trong dự án. Ảnh: Lê Mận


Dự án HURC1 do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, nguồn vốn ODA từ Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), được xây dựng có độ dài 28,68km, đi qua 8 quận, huyện, 22 phường, xã. Dự án này thu hút hàng ngàn cán bộ, công nhân tham gia thiết kế, xây dựng và vận hành công trình sau này, lại chạy qua nhiều địa bàn dân cư nên ít nhiều cũng có những tác động không như mong muốn cả về kinh tế cũng như những vấn đề xã hội khác. Theo thiết kế, tuyến đường sẽ chạy qua Vọng, Giáp Bát, Gia Lâm… vốn được xem là những điểm "nhạy cảm", tiềm ẩn nhiều tụ điểm tệ nạn xã hội. Trong khi đó, đội ngũ công nhân lao động thực hiện dự án chủ yếu là người nơi khác đến, thiếu thông tin giải trí, thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức phòng, chống các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục… Nhưng chính họ lại là những người rất dễ sa ngã, dễ tìm tới gái mại dâm để mua vui hoặc tham gia vào các tệ nạn khác.

Lường trước những vấn đề đó, Liên danh các tư vấn Việt Nam và Nhật Bản (JICA) đã hỗ trợ thực hiện chương trình phòng phống HIV/AIDS trong các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn. Dự án HURC1 đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên là trường hợp đầu tiên JICA thí điểm đưa Chương trình phòng, chống HIV/AIDS do Hội KHHGĐ Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức về phòng, chống lây nhiễm HIV từ giai đoạn tiền thi công (giai đoạn thiết kế) cho nhân viên và cộng đồng dân cư khu vực dự án đi qua.

Để thực hiện dự án này, Trung tâm tư vấn truyền thông sức khỏe sinh sản và phát triển cộng đồng (Hội KHHGĐ Việt Nam) đã khảo sát đối với các kỹ sư người Việt, người nước ngoài đang làm việc tại dự án và cư dân thuộc các huyện Thanh Trì, Đống Đa, Từ Liêm. Kết quả cho thấy, mặc dù 95,3% đến 99,8% cán bộ dự án và người dân cho rằng đã nghe nói về HIV/AIDS, song kiến thức của họ về HIV/AIDS, cách phòng tránh còn rất hạn chế. Cụ thể, có tới 87,7% số người được hỏi cho rằng không biết vấn đề chính sách pháp luật liên quan đến HIV/AIDS; 43,9% không biết có thuốc điều trị cho mẹ nhiễm HIV để giảm lây truyền sang con; 26% cho rằng không có, không biết về thuốc điều trị HIV; 51,7% khẳng định bản thân không có tài liệu gì về HIV/AIDS. Đặc biệt là 17,4% số người được hỏi cho rằng muỗi đốt có thể lây nhiễm HIV. Hơn nữa, với phần đông số người được hỏi có thái độ kỳ thị người có HIV... Từ nhận thức chưa đầy đủ và chính xác dẫn đến những hành vi nguy hiểm như: có 5% số người cho biết họ có quan hệ với gái mại dâm trong vòng 12 tháng qua; 58,9% cho biết họ không sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục… Những con số này là một trong nhiều minh chứng cho thấy tình trạng thiếu hiểu biết của rất nhiều cán bộ, công nhân thực hiện dự án cũng như người dân ở các địa bàn tuyến đường đi qua.

Nỗ lực vì cộng đồng

Theo tiến độ, dự án chăm sóc y tế được chia làm 3 giai đoạn, thực hiện trong 10 năm (2009 - 2019). Giai đoạn 2009 -2011, khi dự án đường sắt ở giai đoạn thiết kế thì đối tượng được chăm sóc y tế, tư vấn nhận thức về hiểm họa HIV trong cộng đồng là đội ngũ trí thức và nhân dân tại địa bàn. Giai đoạn 2 (2011 -2016) đối tượng sẽ là công nhân lao động, lực lượng tham gia thi công đông nhất và cũng là đối tượng tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm HIV cao nhất. Giai đoạn 3 sẽ thực hiện khi dự án đi vào vận hành, lúc này đối tượng được hướng tới là hành khách đi tàu.

Bà Chu Thị Xuyến - Giám đốc Trung tâm Tư vấn truyền thông SKSS và phát triển cộng đồng cho biết, sẽ có khoảng 100 lãnh đạo quản lý ở trung ương, Hà Nội và Bộ GT-VT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam… và trên 200 lượt các kỹ sư, tư vấn thiết kế, 500 đối tượng nguy cơ cao, 3.000 lượt hộ gia đình và hàng vạn người dân sẽ được tiếp cận các thông tin về phòng, chống HIV/AIDS của dự án. Trong đó có hàng ngàn người sẽ được cung cấp dịch vụ khám sức khỏe và xét nghiệm tự nguyện thông qua các hoạt động truyền thông trực tiếp và cung cấp dịch vụ của các mô hình.

Hiện nay, ba quận, huyện: Hoàn Kiếm, Gia Lâm, Thanh Trì mỗi quận, huyện đã thành lập được 3 câu lạc bộ (CLB) "Giao lưu phòng chống HIV/AIDS" cho người dân ở các xã, phường có tuyến đường đi qua. Mỗi CLB có 30 thành viên, họ đã và đang là những "chiến sĩ" tích cực tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về phòng, chống HIV/AIDS; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nhân dân. Các chuyên gia, kỹ sư, kiến trúc sư người Việt Nam và người nước ngoài tham gia dự án cũng đang từng bước được tiếp cận các hoạt động tư vấn truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS.

Thảo Nguyên