Vinh danh những cựu tù Hỏa Lò
Chính trị - Ngày đăng : 07:08, 18/06/2011
Anh hùng trong chiến đấu
Tập hồi ký của các tù nhân Hỏa Lò mà Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban liên lạc các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò và Ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò ấn hành đã giúp tôi hiểu rằng hai cụ ông Trần Hữu Thỏa (tức Nguyễn Tiến Hà) và Nguyễn Hữu Thụy (trú tại phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội) đang ngồi trước mặt tôi chính là những tù nhân hoạt động cách mạng rất hăng hái trong những năm tháng ở trong tù.
Trong những ngày tham gia kháng chiến chống Pháp, chàng trai Nguyễn Hữu Thụy được biệt phái về vùng tạm chiếm Hà Nội, hoạt động trong đội vũ trang tuyên truyền khu Văn Miếu. Do có kẻ xấu chỉ điểm nên ông đã bị bắt, bị tra tấn nhiều trận chết đi sống lại và có lần bị đưa đi xử án nhưng Nguyễn Hữu Thụy vẫn cùng đồng đội tham gia hoạt động ngay tại nhà tù. Ông chính là tù nhân chính trị cuối cùng được trao trả trước khi Pháp rút khỏi Hà Nội. Với cựu tù Trần Hữu Thỏa, người từng tham gia Thanh niên thành Hoàng Diệu trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và bị giam cầm ở nhà tù Hỏa Lò trong nhiều năm liền thì nhà tù chính là trường học, là nơi giúp ông trưởng thành với vai trò là Bí thư chi bộ Hỏa Lò…
Với bà Nguyễn Thị Lý (84 tuổi, ở Đội Cấn, quận Ba Đình), những ngày ở Hỏa Lò mãi là nỗi ám ảnh. Bà bị giặc bắt, ở tù Hỏa Lò tới 4 lần, trong đó có 3 lần trước khi bà lấy chồng. Đến khi lấy chồng, bà lại tiếp tục bị bắt khi đang mang thai tháng thứ 5. Bọn cai tù đã tra tấn dã man khiến bà bị sảy thai. Nuốt đau thương, vợ chồng bà tiếp tục đi theo cách mạng… Ông Vũ Đức Chính (hiện đang sinh sống ở Nam Định) - một trong những nhân vật chính trong cuộc vượt ngục của 17 phạm nhân mang án tử hình tại nhà tù Hỏa Lò năm xưa nay cũng ở tuổi "xưa nay hiếm". Ông bị bắt vào nhà tù Hỏa Lò khi làm nhiệm vụ đi đánh tàu chuyên chở quân trang, quân dụng từ cảng Hải Phòng về chi viện cho quân đội Pháp ở Thái Bình và mặt trận ba tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình. Những trận đòn thừa chết thiếu sống của địch như dìm đầu trong thùng phuy đựng nước trộn ớt, cho vào thùng phuy rỗng đậy kín gõ cho đến khi bất tỉnh, treo ngược lên xà nhà hoặc cho chó béc-giê cắn nát hai ống chân... đều không làm ông nao núng.
Bình dị giữa đời thường
Các chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò đã có những năm tháng chiến đấu trong lòng địch thật oai hùng, khi trở về với cuộc sống đời thường họ là những người mẹ, người vợ, người chồng rất đỗi bình dị, gương mẫu. Hiện nay, tổ chức nhà tù Hỏa Lò còn khoảng 300 người, người cao tuổi nhất gần 100 tuổi, ít tuổi nhất cũng đã ngoài 70 tuổi nhưng tất cả đều giữ được phẩm chất cộng sản. Khi còn sức khỏe, trí tuệ họ vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương, tiếp tục có những đóng góp cho Đảng, Nhà nước thực hiện thành công công cuộc đổi mới.
Đó là tấm gương không ngừng học tập của ông Nguyễn Tiến Hà để từ một giáo viên dạy "bình dân học vụ" đã trở thành Tổng Thư ký Hội Học sinh, sinh viên Việt Nam và sau này là chuyên viên của Bộ Giáo dục-Đào tạo. Năm 1991, sau khi về nghỉ hưu, thấy mình vẫn còn đủ sức khỏe, ông Hà đã hăng hái tham gia vào công việc tại khu dân cư mà gia đình ông đang sống. Ông cũng là người đầu tiên gây dựng nên Ban liên lạc cựu tù Hỏa Lò, là ngôi nhà chung đầy tình nghĩa, nơi giao lưu tình cảm của những người bạn tù năm xưa.
Cũng giống người bạn tù của mình ông Nguyễn Hữu Thụy hay ông Vũ Đức Chính luôn phát huy phẩm chất của người lính giữa thời bình. Sau khi nghỉ hưu, các cựu tù Hỏa Lò luôn hăng hái tham gia các buổi nói chuyện truyền thống tại các trường học. Ông Nguyễn Hữu Thụy chia sẻ: "Tôi không nhớ nổi bao nhiêu bạn trẻ khi được dẫn đến thăm di tích cách mạng nhà tù Hỏa Lò đã xúc động rơi nước mắt. Hình ảnh thật, con người thật chính là bằng chứng sống động nhất để giáo dục lòng yêu nước cho các bạn trẻ hôm nay". Phẩm chất bình dị trong cuộc sống đời thường đang làm đẹp thêm hình ảnh người chiến sỹ cựu tù Hỏa Lò. Những việc làm bình dị của họ đang góp phần giáo dục truyền thống cho nhiều thế hệ người Việt Nam…