Trẻ em được sinh ra ở nước ngoài: Có nên công nhận quốc tịch VN?
Đời sống - Ngày đăng : 06:52, 18/06/2011
Khi đăng ký khai sinh cho con tại cơ quan có thẩm quyền, cha mẹ đã lựa chọn quốc tịch nước ngoài. Tuy nhiên, khi cư trú tại Việt Nam, trẻ em có quốc tịch nước ngoài gặp phải một số vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày... Do vậy, phụ huynh có nguyện vọng xin nhập quốc tịch Việt Nam, đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài để "giữ sự ràng buộc về tình cảm với bố hoặc mẹ, cũng như quyền lợi về tài sản, thuận tiện cho việc đi về thăm người thân".
Tại cuộc họp liên ngành mới đây về chủ đề trên do Bộ Tư pháp chủ trì, có ý kiến cho rằng, dù các cháu có đủ điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam, nhưng lý do xin giữ quốc tịch gốc "chưa có tính thuyết phục cao" để coi là những trường hợp đặc biệt cho phép mang hai quốc tịch theo pháp luật Việt Nam. Nhằm ngăn chặn những trường hợp "tính toán" cho con có hai quốc tịch khi nhiều người "sính" quốc tịch "ngoại", nhất là khi hiện không quá khó khăn để có thể ra nước ngoài sinh con, khi xem xét công nhận quốc tịch Việt Nam cho các cháu, cần cẩn trọng xem xét, để không bị rơi vào tình trạng lạm dụng, lách luật. Theo cảnh báo của ông Trần Thất (Vụ trưởng Vụ Hành chính Tư pháp - Bộ Tư pháp), nếu giải quyết công nhận cho các trường hợp này có thể tạo thành "trào lưu" lạm dụng quy định của pháp luật và số trẻ có hai quốc tịch sẽ tăng lên, nhất là trong điều kiện việc kết hôn, đi lại, sinh sống giữa công dân các nước rất thuận tiện như hiện nay. Đây là hiện thực chưa được "lường" đến khi xây dựng luật.
Phân tích kỹ quan điểm của cơ quan gác cổng pháp luật - Bộ Tư pháp sẽ thấy cái nhìn không mềm dẻo. Xu thế công dân có nhiều quốc tịch trong điều kiện pháp luật các nước liên quan cho phép là tất yếu. Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2008 đã lường viễn cảnh này và cho phép một số trường hợp ngoại lệ có hai quốc tịch. Các chủ thể được đăng ký đàng hoàng để một mặt chúng ta dễ thống kê số liệu công dân, mặt khác để thực hiện chính sách bảo hộ công dân, tránh những tranh chấp có thể xảy ra. Đối với người Việt Nam ở trong nước, việc cho phép vừa có quốc tịch Việt Nam vừa có thể có quốc tịch nước ngoài có nghĩa cho họ cơ hội tốt hơn để hội nhập thị trường lao động quốc tế, tăng sức cạnh tranh của người lao động Việt Nam có trình độ cao. Đồng thời mở ra khả năng người Việt Nam định cư tại nước ngoài còn có thể mua nhà như các công dân trong nước, không bị hạn chế theo một số điều kiện của Luật Nhà ở (được sở hữu một nhà ở, phải cư trú thời hạn tối thiểu sáu tháng), vấn đề đi lại giữa hai nước của Việt kiều cũng sẽ dễ dàng hơn (không phải xin visa).
Nhiều quan điểm cho rằng, nếu đề nghị của các tỉnh, thành không được chấp thuận, vô hình trung, Bộ Tư pháp đang tự hạn chế quyền lợi đối với những công dân của nước mình. Mặt khác, khi các cơ quan quản lý còn lúng túng trong phương án giải quyết cũng có nghĩa, luật chưa chi tiết hóa trường hợp nào phải dùng quốc tịch Việt Nam, trường hợp nào dùng quốc tịch nước ngoài, trường hợp nào được quyền lựa chọn quốc tịch... Trong khi đó, quy định rõ như vậy thì Điều 3 Luật Quốc tịch năm 1998 mới thực sự đi vào đời sống.