Mỹ đứng trước nguy cơ mất quyền phủ quyết ở WB

Thế giới - Ngày đăng : 09:42, 17/06/2011

Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất quyền phủ quyết và lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như các ngân hàng phát triển đa phương khác, nếu Quốc hội cắt giảm tài trợ cho các thể chế tài chính quốc tế này.

Trụ sở của WB ở Washington. (Nguồn: Internet)

Mỹ đang đứng trước nguy cơ mất quyền phủ quyết và lãnh đạo Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như các ngân hàng phát triển đa phương khác, nếu Quốc hội cắt giảm tài trợ cho các thể chế tài chính quốc tế này.

Đây là cảnh báo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Mỹ về các vấn đề quốc tế, bà Lael Brainard, trong phiên điều trần trước Tiểu ban các dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ ngày 16/6.

Bà Brainard khẳng định, Mỹ sẽ phải trả giá rất đắt nếu nguy cơ này trở thành hiện thực vào thời điểm quan trọng hơn bao giờ hết hiện nay.

Bà cho biết, nếu Quốc hội Mỹ không ủng hộ các yêu cầu tăng vốn của WB, Mỹ sẽ mất quyền phủ quyết duy nhất có được tại thể chế tài chính đa phương này, từ đó nước này không thể sử dụng công cụ tài chính quốc tế này để thúc đẩy ảnh hưởng chính trị của mình trong thế giới đang phát triển.

Mỹ hiện đang là cổ đông lớn nhất của WB với quyền bỏ phiếu 15,85% để nắm quyền phủ quyết mọi quyết định của ngân hàng.

Trong bối cảnh WB đang kêu gọi tăng vốn, Mỹ lại phải cạnh tranh trong cuộc chạy đua quyết liệt để duy trì quyền phủ quyết và quyền chỉ định Chủ tịch WB thông qua việc tiếp tục tăng cổ phần của Mỹ trong thể chế tài chính này và các thể chế tài chính liên quan.

Quốc hội Mỹ đang xem xét yêu cầu của Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ sung vốn cho WB và các ngân hàng phát triển đa phương khác, trong bối cảnh cuộc chạy đua chính trị quốc tế giành chức Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã vào giai đoạn nước rút.

Đây cũng là tiến trình gắn với việc lựa chọn chức Chủ tịch WB, theo một quy định bất thành văn là châu Âu giành quyền chỉ định người đứng đầu IMF và Mỹ giành quyền chỉ định người đứng đầu WB suốt bảy thập kỷ qua.

Các nền kinh tế mới nổi hiện đang gây sức ép để Mỹ ủng hộ Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, ông Agustin Carstens, vào chức Tổng Giám đốc IMF trong cuộc chạy đua không cân sức của ông này với bà Christine Lagarde, Bộ trưởng Tài chính Pháp.

Giới phân tích nhận định dù thế nào, Mỹ cũng sẽ ủng hộ ứng cử viên của châu Âu để đảm bảo quyền chỉ định của Mỹ ở WB và được đảm bảo chỉ định nhân vật số hai của IMF.

TTXVN/Vietnam+