Đừng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”
Xã hội - Ngày đăng : 07:49, 17/06/2011
Có gì làm nấy
Xây dựng đường liên thôn, liên xã tại xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ). Ảnh: Bá Hoạt
Tại xã Đại Áng, huyện Thanh Trì (một trong 3 xã làm điểm mô hình NTM của TP), Phó Chủ tịch UBND Trần Quốc Oai cho biết: Tiến độ xây dựng NTM càng ngày càng chậm do gặp một loạt khó khăn. Đơn cử như dự án phát triển sản xuất theo đề án được duyệt, chuyển đổi trồng lúa sang thủy sản trên diện tích 67ha đã cho thu nhưng các chủ thầu trả sản lượng rất chậm. "Hai dự án chuyển đổi khác là mô hình hoa, cây cảnh; cây ăn quả nhưng lại có thông tin là TP đã phê duyệt cho một dự án xây dựng chung cư trên khu đất đó. Do đó, rất khó vận động nhân dân đầu tư vào sản xuất" - ông Trần Quốc Oai nói. Đáng bàn hơn, theo quy hoạch được duyệt đường giao thông liên thôn 3 tuyến sẽ được mở rộng từ 3-5m thành 5-7m trên cơ sở vận động nhân dân giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, sau khi được đầu tư 13 tỷ đồng, đường vẫn nguyên hiện trạng, không mở rộng được, nút cổ chai không thông, cột điện nằm giữa đường chưa di chuyển.
Nếu như xã Đại Áng xây dựng hạ tầng trên cơ sở nguyên trạng, không theo quy hoạch phê duyệt thì ở xã Đồng Tân, huyện Ứng Hòa lại làm ngược so với sự chỉ đạo của BCĐ trung ương và TP, chưa tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM trong nhân dân; chưa công khai, dân chủ bàn bạc, lắng nghe ý kiến của dân… Tại cuộc kiểm tra của BCĐ xây dựng NTM TP mới đây, một số người dân đã phản ánh cách làm không giống ai của địa phương. "Lúc xây dựng đề án, xã không triển khai cho dân bàn bạc công việc, đến khi đề án được phê duyệt mới tuyên truyền, thì người dân còn bàn gì nữa"- ông Ngữ, một người dân thôn Vọng Tân bức xúc. Nhiều gia đình khác trong thôn cho biết thêm, nếu cấp trên thu hồi đất để làm các công trình, dân sẵn sàng chấp nhận. Nhưng công trình của xã đầu tư thì nhất định không, bởi dân chưa được bàn bạc thống nhất. Kết quả họp dân, 54 hộ có đất phải thu hồi đã không nhất trí. Ông Nguyễn Tiến Trình, Chủ tịch UBND xã Đồng Tân thừa nhận, do bắt tay vào lập đề án chậm hơn so với các địa phương khác nên BCĐ của xã đã có phần vội vàng trong lập và triển khai đề án...
Tháo gỡ khó khăn
Kiểm tra tiến độ xây dựng NTM ở các xã điểm trên địa bàn TP, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trịnh Duy Hùng thẳng thắn nhìn nhận quá trình triển khai NTM đã bộc lộ nhiều lúng túng trong biện pháp, cách làm, nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhiều vấn đề khó chưa được phân tích làm rõ để có biện pháp tháo gỡ. Đó là chưa kể đến tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", làm không đúng theo tinh thần, quan điểm chỉ đạo về xây dựng NTM của trung ương và TP. Ở nhiều nơi, năng lực của cán bộ còn hạn chế và nhận thức của người dân còn chưa thông, thiếu sự đồng thuận. Đặc biệt, cơ chế, giải pháp chung để có nguồn đầu tư riêng nhằm tạo ra nguồn lực chưa có. Trong khi đó, ở Hà Nội, tiêu chí nội dung xây dựng NTM khá cao; đất đai đắt đỏ nên vận động dân hiến đất là rất khó. Còn theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, ở nhiều địa phương xuất hiện tâm lý coi xây dựng NTM như một "đại dự án" xin kinh phí của Nhà nước; người dân còn đứng ngoài cuộc. "Tổ chức thực hiện các đề án, xây dựng NTM là phải đưa các dự án về giải quyết việc làm cho dân. Đơn cử như xây dựng đường giao thông, người dân có thể tham gia góp ngày công thay đóng tiền, hay làm công nhân để được trả công. Nhưng hiện tại, các công trình, dự án hoàn toàn do các doanh nghiệp làm, người dân không được tham gia nên coi đây là việc của Nhà nước chứ không phải việc của mình". Mặt khác, nhiều địa phương cho rằng xây dựng NTM là đầu tư cho cơ sở hạ tầng, chưa chú trọng lập quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tạo nghề và nâng cao thu nhập cho nông dân. Có xã, đề án NTM được phê duyệt đã 3 - 4 tháng, kế hoạch cũng đã thông qua, nhưng vẫn không triển khai vì còn… chờ vốn.
Mục tiêu đề ra đến năm 2015, Hà Nội có 40-45% số xã đạt tiêu chí NTM, tức gần 200 xã. Với tiến độ thực hiện như hiện nay thì rất khó thực hiện mục tiêu. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng BCĐ chương trình xây dựng NTM Hà Nội Nguyễn Công Soái cho rằng, để khắc phục khó khăn, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM. Muốn vậy, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Quá trình triển khai cần được bàn bạc một cách dân chủ để đi đến thống nhất các tiêu chí. Đặc biệt, cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, dồn điền đổi thửa tạo vùng sản xuất tập trung, quy mô hợp lý; ưu tiên đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ và hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền phải thường xuyên kiểm tra tiến độ thực hiện NTM để kịp thời tháo gỡ khó khăn.