Tự làm khó mình?

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:53, 17/06/2011

(HNM) - Gom lại từng tin riêng biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta bỗng giật mình với hàng loạt câu hỏi đặt ra liên quan đến những câu chuyện quản lý trên nhiều lĩnh vực.


Câu chuyện thứ nhất về hồ tiêu. Mùa hồ tiêu năm nay, người trồng tiêu đã tăng diện tích, thêm nữa nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, lại gặp năm thời tiết thuận, nên sản lượng tiêu thụ được khá cao. Đua nhau trồng, lại gặp nhiều thuận lợi; cho đến ngày thu hoạch, người trồng tiêu đang lo không biết tìm cách nào tiêu thụ cho hết số tiêu thành phẩm, "may" mà hàng đoàn thương lái từ Trung Quốc không biết đã móc nối với các tay "chạy mánh" trong nước từ lúc nào, nên tiêu chưa kịp chín, chỉ mươi ngày họ đã đến tận vườn vét không còn một lạng. Lại cũng nghe đâu, số hạt tiêu thô ấy, nếu mang về Trung Quốc chế biến, đóng hộp (tất nhiên là mang nhãn Made in China), để rồi khi đến tay người tiêu dùng giá tăng không biết đến đâu.

Câu chuyện thứ hai liên quan đến việc loạn giá thịt lợn những ngày gần đây. Các bà nội trợ không biết lý do vì sao, cả tuần lễ nay, nếu ai không đi chợ sớm, xem ra khó có thể mua nổi miếng thịt lợn ngon. Thêm nữa, chỉ mấy ngày giời mà giá thịt lợn tăng đến chóng mặt. Đến nỗi, các trại nuôi lợn (miền Nam gọi là heo) ở miền Nam, trung bình chuyển ra miền Bắc mỗi ngày ít là 2.000 con heo, tăng tới 40% so với nhu cầu bình thường, mà vẫn không đủ hàng, dẫu giá heo hơi đã tăng tới gần 10.000 đồng/kg. Tìm hiểu mới vỡ lẽ, thương lái Trung Quốc sang Việt Nam rất đông, họ đã đến từng trang trại và tuyên bố "số lượng bao nhiêu cũng mua và giá nào cũng mua".

Câu chuyện thứ ba về các nhà máy chế biến thủy, hải sản. Trong khi sản lượng thủy, hải sản đặc biệt là hải sản đánh bắt ngoài biển không tăng thì ngay cả khi lượng hải sản đã được đánh bắt của ngư dân, nếu các doanh nghiệp mua được hết, may ra mới đáp ứng 80-90% công suất chế biến của các nhà máy này. Vậy mà, cũng lại là thương nhân Trung Quốc tận thu bằng mọi cách, để đến nỗi nhiều nhà máy, xí nghiệp chế biến thủy, hải sản của Việt Nam chỉ còn biết sản xuất… cầm chừng.

Từ hiện tượng này, các cơ quan quản lý nhà nước, các ngành chức năng cần xem lại trách nhiệm của mình trong xây dựng chiến lược phát triển sản xuất và quản lý, điều hành chương trình chế biến nông, lâm hải sản, thực phẩm…; cùng công tác tổ chức quản lý, cơ chế phối hợp liên kết giữa người nông dân, ngư dân, người hoạt động dịch vụ với nhà sản xuất, kinh doanh; để tránh hiện tượng chủ nhà thì thiếu ăn, còn mấy kẻ hám lợi móc nối có gì ngon mang bán hết cho hàng xóm.

Hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta phải chấp nhận luật chơi của thế giới. Nhưng đừng vì "dễ" quá hay do ảnh hưởng chi phối của nhóm lợi ích, chính chúng ta tự làm khó mình.

Nguyễn Hòa Bình