Núi lửa ở Chile khuấy động nửa vòng trái đất
Thế giới - Ngày đăng : 06:48, 17/06/2011
Hàng nghìn hành khách bị chậm chuyến tại sân bay Tullamarine, thành phố Melburne (Australia). |
Núi lửa Puyehue - nằm ở dãy Andes, cách thủ đô Santiago của Chile 870km về phía Nam, gần với biên giới Argentina đã "thức giấc" trở lại hôm 4-6, lần đầu tiên kể từ năm 1960 khiến 3.500 người dân Chile ở khu vực này phải sơ tán. Chính phủ Chile đã ban bố tình trạng báo động cao nhất vì dư chấn và tro bụi, khí lưu huỳnh do núi lửa phun trào đã theo gió lan nhanh đến các khu vực lân cận. Tro bụi đã bay sang các khu vực khác của Nam Mỹ, buộc các hãng hàng không của Chile, Argentina, Brazil và Uruguay hủy hàng trăm chuyến bay, khiến hàng nghìn hành khách bị ảnh hưởng. Hơn thế, gió mạnh đã thổi cát bụi phủ tới hơn một nửa vòng trái đất, từ Nam Đại Tây Dương và Nam Ấn Độ Dương tới tận Australia và New Zealand.
Ngày 13-6, Cơ quan Hàng không dân sự Argentina cho biết các sân bay ở thủ đô Buenos Aires đã phải hủy các chuyến bay nội địa và quốc tế. Nhiều sân bay ở miền Nam Argentina thậm chí đã tạm đóng cửa từ cuối tuần trước, hàng không cũng tạm ngừng khai thác các đường bay từ Brazil và Chile qua khu vực núi lửa hoạt động. Bộ trưởng Giao thông Argentina Juan Pablo Schiavi cảnh báo: "Tro bụi núi lửa rất nguy hiểm và gây độc hại cho động cơ máy bay và vì thế có thể tạo ra những tình huống nguy hiểm". Trong khi đó, giới chức Australia thông báo sau hơn một tuần phun trào, tro bụi từ núi lửa Puyehue đã vượt quãng đường khoảng 9.400km trên Thái Bình Dương và tiến vào không phận của đảo miền Nam Tasmania cũng như nước láng giềng New Zealand. Tro bụi khiến Hãng Hàng không Qantas hủy tất cả chuyến bay đến và đi từ Tasmania và từ Sydney, Melbourne (Australia) đến các thành phố Christchurch, Queenstown, Wellington của New Zealand. Trong hai ngày 12 và 13-6 đã có tổng cộng 110 chuyến bay của Qantas bị đình hoãn, khiến ít nhất 20.000 hành khách bị mắc kẹt. Hãng Hàng không Jetstar hủy 12 chuyến Australia - New Zealand, 24 chuyến giữa Tasmania và đất liền và thêm 30 chuyến bay nội địa ở New Zealand, khiến hơn 3.000 người bị ảnh hưởng. Hãng Virgin Australia cũng hủy 5 chuyến Australia - New Zealand trước khi hoãn tất cả chuyến nội địa và quốc tế từ Melbourne. Cơ quan Dịch vụ hàng không Australia (ASA) dự đoán tro bụi sẽ còn gây ảnh hưởng trong vài ngày nữa và có thể sẽ bay đến các bang Victoria, New South Wales và cả thủ đô Canberra. Giám đốc Trung tâm Tư vấn tro bụi núi lửa Australia Andrew Tupper dự báo vùng bờ biển phía Đông của Australia cũng sẽ sớm bị ảnh hưởng. Theo ông Tupper, đây là lần đầu tiên trong 2 thập niên, một đám mây tro bụi núi lửa bay ngang qua toàn bộ châu Đại Dương. Trước tình hình trên, ngày 14-6, Chile đã cảnh báo tình trạng đình trệ hàng không quốc tế có thể kéo dài nhiều tháng do hiện tượng thiên nhiên này vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi hay giảm sút. Còn Giám đốc Cục Địa chất và Mỏ Chile Enrique Valdivieso cho biết, các cột tro bụi vẫn giữ độ cao tới 8-9 km, trong khi mẫu tro thu được ngày càng mịn hơn, đồng nghĩa với khả năng phát tán xa hơn.
Khi núi lửa Eyjafjoell của Ireland phun trào hồi năm 2010, những đám mây tro bụi của nó đã khiến hơn 100.000 chuyến bay phải hủy bỏ do các nhà chức trách châu Âu lo ngại nguy cơ tiềm tàng từ các hạt bụi đối với động cơ máy bay. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có các tiêu chuẩn chính thức hoặc phổ biến trong ngành hàng không về tro bụi núi lửa và nhiều hãng hàng không châu Âu, vốn đã bị thua lỗ nặng và mất hàng triệu hành khách, đã rất bất bình trước sự thận trọng của chính phủ các nước họ.