Mảnh vườn cuối cùng

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:39, 17/06/2011

(HNM) - Thời gian vẫn cứ trôi, nhưng đúng vào khi tất thảy tin rằng làng hoa Ngọc Hà chỉ còn là quá vãng thì ta chợt nhận ra, cái sắc hương Ngọc Hà xưa kia vẫn còn vương vấn. Màu xanh vẫn cứ vươn lên ở một mảnh vườn Ngọc Hà, giữa rừng bê tông cốt thép, cho dù đó là mảnh vườn cuối cùng...

Ông Trần Nguyên Bộ đang chăm sóc vườn hoa cuối cùng ở Ngọc Hà.


Vương vấn hương xưa
"Giếng Ngọc Hà vừa trong vừa mát/ Hoa Ngọc Hà thơm ngát gần xa". "Ngày rằm đi chợ mua hoa/ Phải chờ thấy gánh Ngọc Hà mới mua"… Chỉ từng ấy thôi cũng đủ thấy hoa Ngọc Hà quan trọng nhường nào trong đời sống tinh thần của người dân đất Thăng Long - Kẻ Chợ.

Thế rồi cuộc sống đổi thay, hồn hoa khi xưa như đã nằm sâu dưới những lớp bê tông cốt thép. Hơn chục năm trước, đoàn làm phim đến Ngọc Hà, ghi hình làng hoa nhưng rồi lại phải lóc cóc quay về… Thời gian vẫn cứ trôi, nhưng đúng vào khi tất thảy tin rằng Ngọc Hà chỉ còn là quá vãng, ta chợt nhận ra cái sắc hương Ngọc Hà xưa kia vẫn còn vấn vương. Đằng sau chiếc cổng sắt ố màu thời gian trên con ngõ 158/169 phố Ngọc Hà, vẫn có một cặp vợ chồng già ngày ngày vác cuốc ra vườn chăm hoa. Ở nơi ấy, màu xanh vẫn cứ vươn lên giữa một màu bê tông xám xịt. Vợ chồng ông Trần Nguyên Bộ, bà Đào Thị Liên, những người cuối cùng trồng hoa ở Ngọc Hà.

Người ta không thể nhận ra một làng hoa đã đi vào thơ ca, giữa rừng bê tông cốt thép. Nhưng bước vào căn nhà của ông Trần Nguyên Bộ, cảm giác như được sống lại giữa làng hoa Ngọc Hà xưa cũ. Khoảng sân được bao phủ bởi một màu xanh trầm tĩnh, những tán cây phủ bóng, chỉ đủ cho chút nắng lọt xuống sân nhà. Không gian tinh sạch của những hòn non bộ, những giò phong lan được tô điểm thêm bởi tiếng chim lảnh lót đùa vui. Tôi nói đùa: Ông Bộ là người Hà Nội gốc duy nhất làm nghề nông. Ông cười đầy sảng khoái, khoe đôi bàn tay chai sần: Đừng tưởng nghề trồng hoa không vất vả nhé! sống giữa ngàn hoa từ thuở lọt lòng, nên sau khi rời quân ngũ, ông Bộ trở về với nghề mà bao đời nay tổ tiên ông vẫn gắn bó, ấy là trồng hoa. Mỗi sáng, hai ông bà lại vác cuốc ra vườn chăm những luống hoa. Bà Đào Thị Liên, vợ ông Bộ, người Phú Thọ, làm dâu Ngọc Hà, được mẹ chồng dạy làm hoa. Nhớ lại thời xa xưa ấy, đôi mắt người phụ nữ đã gần bảy mươi rạng rỡ hẳn lên: "Khi tôi về làm dâu, làng hoa đẹp lắm. Đàn bà con gái thường gánh hoa đi bán. Ngày rằm, mồng một, chợ hoa họp suốt từ trước cửa chùa, chúng tôi hay gọi là chợ Cửa Chùa, kéo dài cả cây số đến tận hồ Hữu Tiệp. Ngày thường, các bà ở Ngọc Hà như mẹ chồng tôi vẫn mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ gánh hoa đi bán khắp nơi. Tôi cũng gánh hoa đi bán ở chợ Đồng Xuân. Đến giờ, cái cột điện có từ thời Pháp nơi tôi thường đặt gánh hàng vẫn còn...". Ngọc Hà bắt đầu mất nghề khi Hợp tác xã Hoa rau Ngọc Hà giải thể, đất đai được chia về các hộ gia đình. Phần nhiều người ta bán đi, xây nhà. Đến đầu những năm 1990, hoa Ngọc Hà gần như đã lụi tàn. Duy có gia đình ông Trần Nguyên Bộ vẫn nặng lòng nghề cũ...

Do đất đai không còn rộng như xưa, nếu trồng hoa thành phẩm thì lợi nhuận rất thấp, ông Bộ - bà Liên chọn cách trồng hoa giống. Cụ thân sinh ông Trần Nguyên Bộ là cụ Trần Nguyên Phòng, một người có tiếng ở tổ kỹ thuật của đội sản xuất số 2 - Hợp tác xã Hoa rau Ngọc Hà trước kia. Bởi thế, gia đình ông Bộ tinh nghề hoa từ xưa. Sản phẩm chủ yếu của gia đình ông bà là giống hoa cúc các loại. Ông Bộ trồng những cây cúc giống quanh năm, từ những cây cúc mẹ, ông cắt mắt, đem giâm thành giống. Ông Bộ bảo rằng, bí quyết tạo vẻ đẹp của hoa Ngọc Hà, không phải ở phân bón, không phải ở các loại thuốc kích thích như bây giờ, mà ở sự dày công chăm sóc vùng đất Ngọc Hà xưa nhiều ao hồ. Cuối năm, bao giờ người ta cũng tát ao, phơi bùn, sau đó đập nhỏ ra để trồng hoa. Chăm hoa như thể giữa người với hoa có mối giao hòa. Đã bao năm rồi, ông Bộ vẫn giữ nếp trồng cây xưa của người Ngọc Hà, cho dù ngày nay không thiếu những loại chất kích thích cho hoa mau lớn. Giờ không còn phân bắc, phân chuồng để làm nghề như xưa, cũng không còn ao để vật bùn lên phơi như thuở trước nhưng ông vẫn cẩn thận đến cầu kỳ. Trong góc vườn có những bao tải đất được xếp gọn gàng. Đất phù sa sông Hồng vốn đã mịn, ông còn kỳ công xay ra. Đất phải làm kỹ, trồng hoa giống hoa mới tốt. Nhờ thế mà cây giống của những gia đình khác bề ngoài có vẻ to khỏe hơn, nhưng sức sống không thể sánh nổi với giống hoa của ông Bộ. Ngoài đem lên chợ Quảng Bá bán, khách hàng từ Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng... cũng luồn lách qua những con ngõ nhỏ ở Ngọc Hà tìm đến nhà ông Bộ mua giống hoa.

Nối dài một tình yêu
Ông Bộ dẫn chúng tôi thăm những luống cúc xanh rì. Thửa đất 300 mét vuông, vợ chồng ông Bộ dành khoảng 2/3 để trồng hoa. Thật lạ, giữa phố phường Hà Nội, vẫn còn những không gian như thế, như cái cách hai ông bà bảo cữ này là tiết "nông nhàn". Từ tháng Tám cho đến tháng Một ta là thời điểm "vào vụ". Lúc ấy, cứ quãng 9 giờ tối là anh con trai lại đưa bà Liên lên chợ hoa Quảng Bá, mang theo khoảng 2.000 đến 3.000 cây giống. Người bán hoa ở các nơi đổ về Quảng Bá bán hàng trong đêm, cất giống cũng trong đêm. Những ngày thu còn khá, chứ sang đông, bà Liên sù sụ một chiếc áo mưa tránh mưa phùn gió bấc. Chợ họp bên sông, gió lồng lộng, phải ngồi qua đêm, 4-5 giờ sáng chợ vãn mới được về. Mưu sinh và cũng là yêu nghề thì vậy, chứ ai biết giá 100 cây cúc giống chỉ từ 6.000 - 7.000 đồng vào đận đắt lắm, cũng chỉ được độ 10.000 đồng khác nào mớ rau muống!

Thửa đất nhà ông Bộ có hai mặt tiền, bề rộng bảy, tám mét, dài gần bốn chục mét. Người làng bảo ông Bộ cứ bán phắt đi vài chục mét là chẳng phải lo nghĩ gì mà con cái vẫn có đất ở. Nhưng ông Bộ không nghĩ thế. Cái nghề đời nối đời nó ăn vào huyết quản, không dễ vì điều nọ điều kia mà xa rời được. Ông Bộ tự hào rằng dù khó khăn, mấy anh con trai nhà ông đều muốn giữ đất, giữ nghề. Ông Bộ - bà Liên sinh được bốn người con trai thì hai người nối nghiệp trồng và sửa cây cảnh. Trong đó, anh con trai út ham mê hơn cả. Mỗi khi đi xa gặp những giống cây mới, anh thường mua về trồng thử. Thửa đất này trong tương lai sẽ được ông Bộ chia cho mấy người con. Có thể lắm, khi ấy đất chật, không còn đủ để trồng hoa, nhưng nghề trồng hoa, sửa cây sẽ còn mãi khi ông Bộ có người nối nghiệp.

Cuộc sống bao đổi thay. Thú chơi hoa người Hà Nội cũng khác xưa nhiều. Giờ nhiều loại hoa mới, màu sắc rực rỡ hơn được nhập về Hà Nội. Nhưng cũng có những thứ mất đi. Nghĩ về sự đổi thay, ông Bộ - bà Liên thường nuối tiếc, ấy là có những giống đặc trưng của Hà Nội, như cúc đại đóa, giờ không tìm đâu ra. Giống hoa xưa đẹp, nhưng đòi hỏi chăm sóc cầu kỳ, cần nhiều thời gian nên không còn chỗ đứng. Những giống hoa mới không thể nói là thua kém về hương sắc, nhưng có lẽ thiếu đi chút tinh tế trong mắt người chơi hoa. Xưa, người Ngọc Hà thường bán hoa cúng. Hoa cúng được gói trong những chiếc lá dong, để vào đĩa dâng lên tổ tiên. Nay, người ta thường thắp hương với hoa cắm trong lọ. Không hẳn đó là điều hay, vì hoa để trên đĩa, khi thắp hương có ý nghĩa con cháu dâng lên tổ tiên, để phân biệt với hoa chơi, cắm trong lọ.

Dẫu buồn, dẫu vui, ông Bộ - bà Liên vẫn một lòng bền bỉ. Có tiếp xúc mới thấu hiểu, văn hóa Hà Nội không chỉ được tạo bởi những danh nhân, những làng khoa bảng, nó được làm nên từ những con người bình dị, từ tình yêu được truyền thừa từ đời nọ đến đời kia trong mỗi gia đình...

Dã Liên