Cải thiện mạnh mẽ năng lực cạnh tranh
Chính trị - Ngày đăng : 09:21, 16/06/2011
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), năm 2009, Hà Nội xếp thứ 33 và năm 2010 vị trí này tụt xuống thêm 10 bậc trong số 63 tỉnh, TP trong cả nước. Dư luận và giới quản lý cho rằng, Hà Nội chưa đạt được sự cải thiện trong việc củng cố và thăng hạng trong bảng xếp hạng PCI hằng năm, điều này ảnh hưởng đến khả năng hấp dẫn dòng vốn khu vực tư nhân. Dường như hình ảnh một Hà Nội năng động, có quy mô kinh tế lớn và sở hữu một nguồn lực tổng hợp, trong đó có nhân lực quản lý hàng đầu đã phần nào ảnh hưởng tới mục tiêu đẩy nhanh quá trình huy động vốn cho tăng trưởng để TP hoàn thành công cuộc CNH-HĐH sớm hơn các địa phương khác. Đáng lưu ý, đến nay dư luận và sự đánh giá của giới chuyên gia, các địa phương chưa thống nhất hoàn toàn về mức độ chính xác trong tính toán của PCI, cũng như cho rằng sự xếp hạng này cũng chỉ là một trong những thước đo về tình hình và năng lực quản lý của chính quyền cấp tỉnh. Tuy vậy, trước vị trí được xếp hạng như trên, UBND TP Hà Nội nhìn nhận PCI là một chỉ số đáng quan tâm, như một kênh thông tin phản hồi hữu ích, cần có sự nhìn nhận nghiêm túc, trên tinh thần cầu thị nhằm rút kinh nghiệm phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH bền vững. Thực tế, 2 năm qua (2009 và 2010), công tác quản lý nhà nước của TP đối với DN tiếp tục được đổi mới, chuyển từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" theo hướng tăng tính tự chịu trách nhiệm của DN. TP đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại cùng DN, nắm bắt những khó khăn nảy sinh để từng bước tháo gỡ, nhất là những vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, hỗ trợ lãi suất, giãn - giảm - miễn thuế… bước đầu thu được kết quả đáng ghi nhận. Đã có hơn 67% số DN tham gia cuộc điều tra năm 2010 cho biết, cán bộ cơ quan chức năng đã nắm vững chính sách, quy định hiện hành để áp dụng trong công việc hằng ngày (tỷ lệ tương ứng năm 2009 là 35,88%). Tuy nhiên, bảng xếp hạng PCI chỉ ra rằng, một số tiêu chí quan trọng, như sự cảm nhận của DN đối với thái độ của cán bộ, công chức; tính sáng tạo trong việc giải quyết những trở ngại của DN lại giảm. Hơn nữa, những hạn chế về tiêu chí tiếp cận đất đai, mặt bằng cho sản xuất, nhất là chi phí thời gian DN phải bỏ ra khi thực hiện quy định nhà nước… vẫn còn những thiếu sót, tồn tại. Đó là những rào cản, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan, khiến Hà Nội mất điểm.
Trước thực tế trên, Hà Nội đặt quyết tâm cao nhằm cải thiện vị trí trong bảng đánh giá PCI giai đoạn 2011-2015. UBND TP đã nghiên cứu và đưa ra một số nhóm giải pháp để đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh đáng chú ý. Đó là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp chính quyền và đội ngũ công chức. Trong đó, tập trung phát huy mô hình "Tổ công tác liên ngành" trong giải quyết vướng mắc cho DN; tăng cường thanh tra kết hợp phòng chống tham nhũng trong bộ máy; vận dụng, tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong khuôn khổ pháp luật cho phép để nâng cao chỉ số "Năng động, sáng tạo" trong bảng xếp hạng.
Được biết, TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm tối đa thời gian cho DN khi khởi sự kinh doanh, tập trung vào việc thực hiện Đề án 30 của Chính phủ qua việc rà soát, đơn giản hóa các thủ tục, kiên quyết bỏ những thủ tục không cần thiết; có cơ chế "hậu kiểm" với hoạt động của DN, giảm số cuộc thanh tra. Đặc biệt, sẽ chọn một số thủ tục hành chính có tính chất đơn giản để thí điểm làm "sáng kiến" trong cắt giảm thời gian giải quyết đến mức ngắn nhất để tạo bước đột phá. Các cơ quan chức năng đẩy mạnh việc công khai, minh bạch hóa thông tin cho DN, phát huy tối đa tác dụng của các trang web và cổng thông tin điện tử của TP, chú trọng các mẫu thủ tục, hướng dẫn cụ thể và sự thay đổi để DN nắm và thực hiện.
Đặc biệt, TP hoan nghênh vai trò của các hiệp hội trong việc thu thập dư luận, tư vấn và phản biện chính sách; chú trọng vai trò tham gia ý kiến của DN, tổ chức các diễn đàn đối thoại. Làm rõ và công bố kế hoạch sử dụng đất đến năm 2015, đẩy mạnh công tác quy hoạch chi tiết, từ đó tạo quỹ đất, thu hút đầu tư, lập kế hoạch, tạo cơ chế thuận lợi hỗ trợ di dời các cơ sở sản xuất ra ngoại thành. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đa dạng hóa dịch vụ hỗ trợ DN, làm tốt các dịch vụ công, pháp lý trợ giúp DN trong xây dựng thương hiệu, nâng cao trình độ quản lý, tạo cơ hội giao thương cũng như tiếp cận và chuyển giao công nghệ…