Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ KH-CN đầu đàn
Chính trị - Ngày đăng : 09:06, 16/06/2011
Phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một đột phá chiến lược, là yếu tố quyết định đẩy mạnh phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và là lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Xây dựng đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu khoa học là một trong những nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực. Ảnh: Huy Hùng
Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phải chú trọng đổi mới toàn diện và phát triển nhanh giáo dục và đào tạo, trong đó cần đặc biệt coi trọng phát triển đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý giỏi, đội ngũ chuyên gia, quản trị doanh nghiệp giỏi, lao động lành nghề và cán bộ khoa học, công nghệ đầu đàn. Đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đa dạng, đa tầng của công nghệ và trình độ phát triển của các lĩnh vực, ngành nghề.
Đảng và Nhà nước đã sớm quan tâm tới việc đào tạo, phát triển đội ngũ trí thức. Năm 2008, tại Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương (Khóa X), Đảng ta đã có nghị quyết chuyên đề "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế". Có thể nói, đây là tư tưởng chỉ đạo mang tính chiến lược đối với việc phát triển "máy cái" trong quá trình đào tạo nguồn nhân lực nói chung. Mục tiêu hướng tới là đến năm 2020, xây dựng đội ngũ trí thức ở các viện nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục và đào tạo quốc gia lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức các nước trong khu vực và thế giới; thực hiện tốt hai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học cơ bản và nghiên cứu ứng dụng; cung cấp những luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển nhanh, bền vững đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kết quả thực hiện Nghị quyết TƯ 7 (Khóa X) đã mang lại những tiền đề thuận lợi cho việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là, hoàn thiện môi trường và điều kiện thuận lợi cho hoạt động của đội ngũ trí thức. Xây dựng và thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nghiên cứu khoa học đã góp phần tạo điều kiện cho các cán bộ khoa học tự khẳng định, hoàn thiện và phát huy hết năng lực của mình trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khuyến khích đội ngũ trí thức tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định các chủ trương chính sách, dự án phát triển kinh tế, xã hội. Việc trọng dụng đãi ngộ và tôn vinh đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học - công nghệ được nâng lên một bước. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng cơ chế và chính sách thu hút, tiếp nhận sử dụng các cán bộ khoa học có năng lực và kiến nghị các giải pháp cải tiến chế độ tiền lương rất bất hợp lý hiện nay đối với cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học. Thực hiện giải pháp kéo dài thời gian công tác đối với cán bộ quản lý và nghiên cứu khoa học có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và học vấn cao đã hết tuổi công tác. Mở rộng hơn nữa việc đưa các cán bộ trẻ đi học tập tại nước ngoài và giao lưu, hợp tác với các cá nhân và tổ chức khoa học quốc tế.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức phải vượt qua, đáng chú ý là: Chưa có cơ chế, chính sách thu hút, đãi ngộ trí thức trình độ cao và có nhiều cống hiến; mặt khác một bộ phận cán bộ còn có tâm lý ỷ lại, ngại thay đổi và tiếp thu nguồn tri thức mới của nhân loại; một số khác chưa thật sự yên tâm cống hiến. Hạn chế dễ nhận thấy của cán bộ khoa học công nghệ của ta là khả năng làm việc nhóm còn yếu; trình độ ngoại ngữ, tin học chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; thiếu cán bộ đầu đàn giỏi, thiếu cán bộ trẻ có trình độ cao cả về chuyên môn và năng lực quản lý. Thực tế cho thấy, hầu hết đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ có trình độ tiến sỹ, tiến sỹ khoa học, được đào tạo ở nước ngoài; các giáo sư, phó giáo sư, các nghiên cứu viên cao cấp và tương đương đều ở độ tuổi từ 51 đến ngoài 60. Trong giai đoạn 2011-2020, đội ngũ này được nghỉ chế độ, sẽ có sự thiếu hụt đáng kể về nhân lực chất lượng cao.
Đáng chú ý là hiện nay, chúng ta không thiếu những chuyên gia đầu ngành người Việt đang làm việc ở nước ngoài. Theo thống kê, tại Pháp có khoảng 40.000 trí thức trong đó có 40 người có học hàm, học vị cao đang giữ các vị trí quan trọng thuộc các lĩnh vực như: Hóa sinh, vật lý, công nghệ, toán học, tin học… tại Đức có khoảng trên 300 trí thức khoa học - công nghệ và chuyên gia lành nghề. Đội ngũ trí thức người Vịêt tập trung đồng nhất ở nước Mỹ ước tính khoảng 150.000 người trong đó có hơn 10.000 chuyên gia, kỹ thuật cao cấp. Tại Đông Âu và Liên bang Nga có khoảng 500 giáo sư, tiến sỹ. Như vậy, nguồn nhân tài Việt Nam ở nước ngoài là rất dồi dào và hầu hết tập trung ở các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và kinh tế mũi nhọn. Nếu chúng ta có chính sách thu hút được nguồn nhân lực này thì đây là điều kiện tốt cho việc đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước.
Như vậy, ngoài việc đào tạo, phát triển đội ngũ cán bộ khoa học đầu đàn trong nước, cần chú trọng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao có sẵn ở nước ngoài. Trong thời gian tới, để động viên khuyến khích đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, Đảng và Nhà nước ta cần thiết phải đổi mới chính sách đối với đội ngũ cán bộ khoa học, cán bộ quản lý, từ đào tạo, tuyển chọn, quản lý, sử dụng đến chính sách đãi ngộ, khen thưởng và tôn vinh.