Cần sự vào cuộc của cả cộng đồng
Giáo dục - Ngày đăng : 09:03, 16/06/2011
Kỳ thi ĐH-CĐ đang đến gần nên những thông tin này được đông đảo người dân quan tâm, Báo Hànộimới xin lược ghi một số ý kiến của bạn đọc.
Em Nguyễn Hoàng Linh (sinh viên tình nguyện Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội):
Nên tìm hiểu thông tin trước khi thuê nhà trọ
Phần lớn những người thuê trọ đều ở xa, không hiểu biết rõ về phố phường nơi đến thuê trọ và càng không có nhiều địa chỉ thuê trọ để chọn lựa… Để giúp những người ở địa phương khác về thi vào lớp chuyên của trường, hơn một tháng nay Đội sinh viên tình nguyện (SVTN) Trường THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên đã thay nhau đi tìm nhà trọ, vận động nhiều gia đình chung tay giúp đỡ các thí sinh và đã có khá nhiều người hưởng ứng chương trình. Điều đó cho thấy, việc tăng giá nhà trọ bất thường không phải là đa số mà chỉ rơi vào một số người lợi dụng cơ hội này để bắt bí người có nhu cầu thuê trọ. Nếu mô hình SVTN được triển khai tích cực và những người đang chuẩn bị hành trang cho con em mình đi thi chịu khó tìm hiểu, nắm bắt thông tin thì sẽ hạn chế được việc chủ nhà trọ "ăn xổi" như hiện nay.
Nhếch nhác nhà trọ (phường Mộ Lao, Hà Đông). |
Sinh viên Lâm Thị Huyền Thu (Trường ĐH Thương mại Hà Nội):
Đội SVTN cần phát huy vai trò chủ động
Là một sinh viên ở xa Hà Nội, tôi rất thấm thía cảnh đi thuê nhà trọ. Hai năm trước khi đi thi ĐH, bố tôi cũng phải vất vả lên tìm nhà trọ ở gần điểm thi và tôi thực sự thấy mọi thứ quá đắt đỏ so với cuộc sống thường ngày ở quê. Nay nhìn những người cùng cảnh, tôi rất đồng cảm với họ. Thiết nghĩ, ngay từ khi kỳ thi tốt nghiệp THPT kết thúc, đội ngũ SVTN cần có ngay chương trình hành động "Tiếp sức mùa thi" như việc hướng dẫn, giới thiệu những thông tin chính thống đáng tin cậy về địa điểm ôn thi do nhà trường mở, quỹ phòng ở ký túc xá… để người ở xa đến có thể tìm hiểu. Nhưng để có quỹ nhà cho thuê ổn định, lâu dài, đội SVTN các trường phải thiết lập mạng lưới với các chủ nhà trọ, thuyết phục chủ nhà trọ hợp tác và cam kết không tăng giá, tạo điều kiện cho người đến thuê nhà trong thời gian ôn và thi ĐH, CĐ… Nếu làm được như vậy, năm nào chúng ta cũng có một lượng nhà trọ ổn định, là địa chỉ tin cậy cho sĩ tử và xã hội cũng sẽ bớt đi những điều phiền nhiễu.
Anh Nguyễn Văn Điện (xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm):
Tăng cường tuyên truyền đến các chủ nhà trọ
Mùa thi ĐH, CĐ năm trước, tôi từng biết có thí sinh quê ở huyện Ba Vì đã phải thuê chỗ chỉ để ngủ qua đêm với giá 2 triệu đồng cho 3 ngày thi để được ở gần điểm thi… Gần kề ngày thi, giá cao đã đành, nhưng nhiều em luyện thi cấp tốc cũng phải cắn răng chấp nhận giá thuê 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng/phòng/tháng trong căn phòng xập xệ rộng khoảng 10m2, chưa kể còn phải cộng thêm giá điện từ 3.000 - 3.500đ/kWh, giá nước từ 60.000 đồng đến 70.000đồng/người/tháng. Vậy là bên cạnh việc lo đi thi, nhiều học trò còn phải lo chỗ ăn, chỗ ở, bảo quản tài sản… thì làm sao có thể toàn tâm toàn lực cho việc thi cử? Đây là vấn đề xã hội, phụ thuộc nhiều vào ý thức của những người có nhà cho thuê... Vì vậy, việc tăng cường tuyên truyền để chủ nhà trọ có tinh thần giúp đỡ những người khó khăn về chỗ ở trong kỳ thi này là việc làm cần thiết. Mặt khác, những người đi thuê nhà trọ cũng phải nêu chính kiến và nên tham khảo giá cả trước khi quyết định thuê nhà trọ ở một địa điểm cụ thể.
Giáo viên Đỗ Thị Hồng (Trường THPT Trần Hưng Đạo, quận Thanh Xuân):
Cần giải pháp mang tính lâu dài
Thời gian vừa qua, chúng ta nói nhiều đến các vấn đề xã hội như: nhà ở cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, di dời các trường ĐH, CĐ ra khỏi nội thành…, song để thực hiện được các ý tưởng này không thể một năm, hai năm mà làm được, vì vậy hiện tượng tăng giá nhà trọ nhân cơ hội mùa thi như hiện nay sẽ còn khiến nhiều sĩ tử phải long đong. Tôi khuyên các em học sinh hãy tự tin với kiến thức của mình, học và thi là cả một quá trình rèn luyện chứ không phải cứ vào các lò luyện cấp tốc là sẽ yên tâm. Từ kỳ thi tốt nghiệp THPT đến kỳ thi ĐH, CĐ không có nhiều thời gian, quá trình "khăn gói" lên tìm nhà trọ, làm quen với môi trường sống mới cũng sẽ khiến các em thiếu tập trung, chưa kể với tình hình giá cả như hiện nay thì nhiều em cũng không thể vô tư ôm sách mà học được. Khi "cầu" lớn hơn "cung" thì giá cả leo thang là chuyện bình thường, vì vậy nếu không có sự nỗ lực từ chính sách của Nhà nước và cả cộng đồng thì đây vẫn là vấn đề nan giải. Nên chăng, chúng ta hãy tìm giải pháp để có cách thi cử hiệu quả, đỡ tốn kém hơn hiện nay...