Cơ hội nhiều, thách thức lớn

Kinh tế - Ngày đăng : 08:56, 16/06/2011

(HNM) - Có một nghịch lý mà nông dân Việt Nam đang phải gánh chịu là nghề trồng lúa liên tục trúng mùa, Việt Nam đang là nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai thế giới, vậy mà người nông dân vẫn phải chịu cảnh nghèo,

Giải thích điều này, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, tiền lời từ hạt lúa, hạt gạo phần lớn đã chảy vào túi thương lái và các đơn vị, cá nhân kinh doanh nông sản, vật tư nông nghiệp...


Trồng lúa liên tục được mùa nhưng người nông dân vẫn chưa thể giàu có nhờ nghề này. Ảnh: Thảo Nguyên - Trí Lâm


Người trồng lúa vẫn nghèo

Bộ NN&PTNT cho biết, hơn 20 năm qua, từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, Đảng và Chính phủ Việt Nam luôn xem phát triển lúa gạo là nhiệm vụ trung tâm trong phát triển nông nghiệp. Nhà nước ta đã đầu tư thích đáng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, khoa học, công nghệ, khuyến nông, các chính sách hỗ trợ nông dân… Thực tế cho thấy chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu ấn tượng trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Giai đoạn 1990-2010, Việt Nam luôn dẫn đầu các nước ASEAN về năng suất lúa với mức bình quân tăng từ 3,18 tấn/ha lên 5,3 tấn/ha/vụ; sản lượng lúa tăng từ 19 triệu tấn lên 40 triệu tấn/năm; xuất khẩu gạo từ 1,6 triệu tấn/năm tăng lên 6,7 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thành tựu là vậy nhưng theo chuyên gia đầu ngành lĩnh vực nông nghiệp, GS-TS Võ Tòng Xuân thì đến nay, người nghèo nhất vẫn là nông dân trồng lúa. Tiền lời từ hạt lúa, hạt gạo làm ra chảy vào túi của các công ty xuất khẩu, phân bón, bảo vệ thực vật... Một khảo sát mới đây của Ngân hàng thế giới (WB) tại tỉnh An Giang cho thấy, trong sản xuất lúa, lợi nhuận bình quân đầu người chỉ đạt 3,8 triệu đồng/năm; tương đương 316.250 đồng/tháng, trong khi ngưỡng nghèo của Việt Nam hiện ở mức 400.000 đồng/người/tháng. Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng, những thành tích mà Việt Nam có được trong xuất khẩu gạo là có thật nhưng chúng ta không khỏi day dứt vì nông dân vẫn nghèo, những vùng chuyên canh trồng lúa là những vùng kém phát triển. Thống kê cho thấy, trong 9 triệu hộ gia đình Việt Nam tham gia sản xuất lúa gạo, rất ít hộ có thể sinh sống chủ yếu nhờ bán lúa. Vựa lúa lớn nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa tới 1/4 số người trồng lúa có triển vọng duy trì được mức sống cạnh tranh dựa vào canh tác lúa chuyên canh.

Một nguyên nhân căn bản dẫn đến thực trạng kể trên là do khâu sản xuất lúa và tiêu thụ gạo chưa được tổ chức tốt; lợi ích giữa các khâu sản xuất - tiêu thụ - xuất khẩu chưa được chia sẻ công bằng; chưa đầu tư mạnh cho khâu trữ lúa gạo; doanh nghiệp thiếu gắn kết với vùng nguyên liệu để nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; thiếu thận trọng trong việc chuyển đổi nhiều vùng đất trồng lúa màu mỡ sang sử dụng vào các mục đích phi nông nghiệp… Ông Steven Jaffee, điều phối viên Ban Phát triển Nông thôn của WB nhận định, việc tăng sản lượng và xuất khẩu lại không thành công trong cải thiện sinh kế cho phần lớn nông dân do họ sử dụng quá nhiều chi phí "đầu vào" và ngày càng gia tăng như thuốc trừ sâu, phân bón, bơm tưới nước... Thêm nữa, nông dân thiếu khả năng thương lượng nên khi thị trường biến động, họ không hiểu đâu là giá hợp lý để bán lúa.

Hướng tới sản xuất lớn


Trước những thách thức lớn chung mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực, khủng hoảng năng lượng, dân số gia tăng… trong tương lai lúa gạo vẫn là trụ cột an ninh lương thực quốc gia của Việt Nam. Tại hội thảo "Lúa gạo, nông dân và phát triển nông thôn ở Việt Nam, từ tăng trưởng thành công đến thịnh vượng bền vững" do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc WB tại Việt Nam cho rằng, khi Việt Nam đã vươn lên trở thành quốc gia có thu nhập trung bình, ngày càng hội nhập sâu vào thị trường thế giới, ngành sản xuất, kinh doanh lúa gạo Việt Nam cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Trong đó, những thách thức đáng quan tâm là làn sóng cạnh tranh trong xuất khẩu gạo; nhu cầu tiêu dùng thay đổi; yêu cầu ngày càng cao về chất lượng, an toàn lương thực, thực phẩm; yêu cầu bảo vệ môi trường trước những tác động bất lợi của biến đổi khí hậu toàn cầu; nhu cầu gia tăng thu nhập của nông dân… Để vượt qua những thách thức này, Chính phủ Việt Nam cần tăng cường hoàn thiện thể chế, sớm chuyển đổi những chủ trương, chính sách trong sản xuất, kinh doanh lúa gạo thành cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học đẩy mạnh hợp tác, liên kết để gia tăng giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo; đồng thời sớm nghiên cứu xây dựng những chính sách sản xuất lúa gạo phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Ở một cách nhìn khác, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt Phạm Văn Dư cho rằng, hướng đi nhiều triển vọng đang được thực hiện là việc hình thành cánh đồng mẫu lớn. Nông dân tham gia mô hình được hưởng nhiều lợi ích như giống tốt, dịch vụ sản xuất, chất lượng vật tư nông nghiệp; doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định...

Ngoài ra, nhiều chuyên gia trong và ngoài nước cũng khuyến nghị chưa nên giảm diện tích lúa theo kịch bản mà WB cùng các viện nghiên cứu, trường đại học của Việt Nam công bố, theo đó từ nay đến năm 2030, diện tích trồng lúa giảm từ 3,8 triệu hécta xuống còn 3 triệu hécta. Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ lo ngại, nếu các viện nghiên cứu, nhà nông học đưa ra giống mới có năng suất cao, giá thành sản xuất thấp, nông dân có lời thì việc giảm diện tích lúa là cần thiết. Tuy nhiên, các kịch bản chưa đề cập vấn đề biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tác động của các đập ở thượng nguồn sẽ ảnh hưởng lên vùng trồng lúa như thế nào...

Thứ trưởng Bùi Bá Bổng khẳng định, việc nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa là vấn đề cấp bách và cần được quan tâm nhất hiện nay. Vì vậy, trước mắt, các địa phương cần chú ý áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí, tăng năng suất, đổi mới phương thức sản xuất, nâng cao chuỗi giá trị trong tiêu thụ sản phẩm nội địa và xuất khẩu, thực hiện các chính sách hỗ trợ ưu tiên cho người trồng lúa... Về lâu dài, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam cần có sự thay đổi và chuyển đổi phù hợp, hiệu quả để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và nâng cao thu nhập cho người trồng lúa gắn với phát triển nông thôn Việt Nam.

Chí Đạo