Trung tâm học tập cộng đồng: Cần gì để gần dân?

Giáo dục - Ngày đăng : 08:53, 16/06/2011

(HNM) - Sự ra đời của gần 10.500 trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ), phủ kín 93,8% số xã, phường, thị trấn trên cả nước đã thể hiện sự cần thiết của mô hình giáo dục này với việc học tập của mọi tầng lớp nhân dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội Khuyến học Việt Nam, chỉ có khoảng 30% trong số này hoạt động hiệu quả. Việc tìm ra giải pháp để hàng nghìn TTHTCĐ phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu "cần gì học nấy" của người dân và thực sự là "trường học của nhân dân"… đang là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Hà Nội hoàn thành kế hoạch xây dựng TTHTCĐ

Theo thống kê của Hội Khuyến học Việt Nam, nếu như năm 1999, toàn quốc mới có 10 TTHTCĐ, thì sau hơn 10 năm, mạng lưới TTHTCĐ đã phát triển mạnh mẽ, phủ kín 93,8% số xã, phường, thị trấn trên cả nước; vượt hơn 13% so với mục tiêu đặt ra trong đề án "Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010" ban hành theo Quyết định số 112/2005/QĐ - TTg ngày 18-5-2005 của Thủ tướng Chính phủ.

Hiện nay, các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn trên cả nước đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người dân.

Trước khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội cũ đã hoàn thành việc xây dựng TTHTCĐ tại 232 xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 100%. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội nhân rộng mô hình xây dựng TTHTCĐ ra các xã, phường, thị trấn ở địa bàn mở rộng, vì tỷ lệ này ở khu vực Hà Tây cũ là hơn 70%. Đến nay, toàn bộ 577 xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đều thành lập TTHTCĐ, vượt 4 năm so với kế hoạch phát triển GD-ĐT giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, theo đánh giá của lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, phong trào này phát triển không đồng đều, số TTHTCĐ hoạt động có chất lượng chiếm tỷ lệ rất ít. Nhiều trung tâm còn gặp khó khăn về kinh phí, nhân lực; nhiều nơi chỉ hoạt động mang tính hình thức, kém hiệu quả hoặc lúng túng khi triển khai… Đây đã và sẽ là nội dung chính của các hội thảo chuyên đề do hội khuyến học tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình này trên toàn quốc.

Lãnh đạo quan tâm, trung tâm khởi sắc

Thực tế cho thấy, nơi nào lãnh đạo địa phương quan tâm, thạo việc, coi trọng vai trò của TTHTCĐ thì nơi đó hoạt động trung tâm rất hiệu quả, đem lại nhiều lợi ích thiết thực. Minh chứng rõ nét cho vấn đề này là mô hình hoạt động của TTHTCĐ phường Đức Giang, quận Long Biên. Đây là trung tâm thành lập sớm nhất trên địa bàn TP (năm 1999) và hoạt động có hiệu quả. Hiện nay, TTHTCĐ phường Đức Giang đã trở thành địa chỉ quen thuộc để các đồng nghiệp giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm. Theo Giám đốc Trung tâm Nguyễn Đình Đạt thì TTHTCĐ cũng là nơi quy tụ phong trào của quần chúng, nếu biết cách phát huy hiệu quả thì sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, huy động được sức mạnh tổng hợp vào xây dựng địa phương.

Một trong những giải pháp hiệu quả mà TTHTCĐ phường Đức Giang đã triển khai, được nhân dân trên địa bàn tin tưởng, ủng hộ là làm cầu nối giữa người dân với ngân hàng. Có vốn làm kinh tế, lãi suất phù hợp, đời sống nhiều hộ gia đình đã dần được cải thiện. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tìm đến TTHTCĐ phường để tìm hiểu về những lĩnh vực khác như: văn hóa, giải trí, xã hội, luật pháp…

Sự quan tâm của lãnh đạo địa phương tạo ra "chất keo" thu hút sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội và người dân trong việc triển khai nhiều hoạt động phục vụ cộng đồng, trong đó có phong trào xây dựng xã hội học tập. Nói về vấn đề này, bà Thái Xuân Đào (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng: Huy động được sự tham gia của các đơn vị sản xuất, doanh nghiệp tại địa phương vào việc của các TTHTCĐ thông qua hỗ trợ kinh phí, nhân lực hoặc kiến thức… cũng là một giải pháp quan trọng. Những đơn vị có nhiều đóng góp cho việc xây dựng xã hội học tập, cải thiện cuộc sống người dân cần được tuyên dương, ghi danh để tạo khí thế thi đua.

Giải pháp bền vững: Kết nối cộng đồng

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam), tình trạng hoạt động kém hiệu quả của nhiều TTHTCĐ xuất phát từ chính nhận thức của giám đốc trung tâm - điều có ảnh hưởng lớn đến việc huy động nguồn lực, sự đóng góp của cộng đồng. Về bản chất, TTHTCĐ thành lập, vận hành dựa trên sự tham gia của cộng đồng, phục vụ nhu cầu, mục đích của cộng đồng và các hoạt động ấy đem lại lợi ích cho chính người dân trong cộng đồng. Song để việc kết nối cộng đồng hiệu quả thì phải xác định được nhu cầu, nguyện vọng của từng đối tượng, độ tuổi (phụ nữ, trẻ em, thanh niên, người già…) để từ đó xây dựng chương trình, nội dung hoạt động cho phù hợp và có sức hấp dẫn. Nếu người đứng đầu trung tâm không thiết tha, rất khó đạt được điều đó.

Thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, đã có khoảng 14 triệu lượt người tham gia học tập theo các chuyên đề, hoạt động tại các TTHTCĐ xã, phường, thị trấn. Nói như ông Phạm Xuân Luận (Vụ Giáo dục thường xuyên, Bộ GD-ĐT), xã hội càng phát triển thì vai trò của TTHTCĐ càng quan trọng, trong đó có việc giúp đỡ, tạo cơ hội tiếp cận với giáo dục cho những đối tượng thiệt thòi. Sự kết nối cộng đồng càng mạnh mẽ, thường xuyên, bền chặt thì càng đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng.

Ngoài ra, do hoạt động của các TTHTCĐ đều mang tính an sinh xã hội, không đem lại lợi nhuận, lại diễn ra ngoài giờ hành chính nên phải sớm có cơ chế để huy động sự tham gia tích cực, có trách nhiệm của các đoàn thể, chính quyền… trong việc tổ chức các hoạt động; bổ sung danh mục chi cho các hoạt động của TTHTCĐ tại địa phương sao cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế…

- TTHTCĐ khác với nhà trường chính quy ở một số điểm:

+ Do cộng đồng thành lập

+ Ban quản lý, đội ngũ giáo viên, hướng dẫn viên làm việc tự nguyện, không lương (có thể hưởng phụ cấp)

+ Không chặt chẽ về thời gian (phục vụ suốt đời)

+ Phục vụ cho mọi người, mọi lứa tuổi

+ Không định hướng bằng cấp

+ Đa mục tiêu hoạt động; chương trình và phương thức hoạt động linh hoạt, đáp ứng nhu cầu của cộng đồng…

- TTHTCĐ ở Việt Nam có 3 mục đích chính:

+ Tạo ra những cơ hội học tập cho mọi người dân để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và phát triển nguồn nhân lực cộng đồng.

+ Đáp ứng nhu cầu học tập theo phương châm "cần gì học nấy", giáo dục suốt đời cho mọi người.

+ Xây dựng hệ thống giáo dục thường xuyên ở cơ sở nhằm ai cũng được học hành, ai cũng có thể tham gia vào công việc giáo dục và học tập tại cộng đồng.

(Nguồn: Hội Khuyến học Việt Nam)

Thống Nhất