Nhật Bản sẽ mở rộng vốn vay ODA, phát triển dự án PPP cho VN

Kinh tế - Ngày đăng : 16:35, 15/06/2011

(HNMO) - Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA Việt Nam) vừa cùng Chính phủ Việt Nam triển khai Hiệp định vốn vay lần 1 - năm tài khóa 2011. Theo đó, JICA cung cấp khoản vay 510 triệu USD cho Việt Nam để triển khai xây dựng 2 dự án thuộc mạng lưới đường cao tốc của Việt Nam.


Trước sự kiện quan trọng này, chiều 15/6, tại Hà Nội, ông Motonori Tsuno- Trưởng đại diện JICA Việt Nam đã có buổi trao đổi với các phóng viên Việt Nam về việc hỗ trợ ODA của Nhật Bản với Việt Nam, xu hướng phát triển các dự án hợp tác công tư (PPP).

* Việt Nam vừa trở thành nước thu nhập trung bình, một số nước đã cắt giảm vốn vay ưu đãi cho Việt Nam. Với Nhật Bản vừa trải qua những khó khăn lớn do động đất và sóng thần, vậy tại sao vẫn hỗ trợ ODA cho Việt Nam, thưa ông?

* Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là đối tác chiến lược quan trọng với Nhật Bản. Sự phát triển giữa hai nước, góp phần ổn định cho cả khu vực. Năm 2010, Việt Nam đã đạt mức thu nhập trên 1000 USD/người, trở thành nước thu nhập trung bình. Tuy nhiên, trong quá trình tự do hóa thương mại, để theo kịp các nước trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Việt Nam cần phát triển hơn nữa, nhất là trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Do đó, Nhật Bản tiếp tục hỗ trợ Việt Nam vốn vay ưu đãi.

Mặt khác, trở thành nước thu nhập trung bình, quy mô nền kinh tế của Việt Nam lớn hơn, có năng lực hấp thụ vốn vay sẽ tốt hơn. Các nước châu Âu vừa qua chủ yếu hỗ trợ Việt Nam vốn vay không hoàn lại, nay họ ngừng lại. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam chủ yếu qua vốn vay ưu đãi nên khi khả năng hấp thụ tăng lên, chúng tôi sẽ mở rộng vốn vay trong những năm tới.

Hơn nữa, với nền kinh tế ngày càng mở rộng, cơ sở hạ tầng đòi hỏi phát triển nhiều hơn, nếu chỉ dựa vào nguồn vốn ODA sẽ khó đáp ứng hết. Vì vậy với các công trình cần nguồn vốn cao, cần thêm cả nguồn vốn tư nhân với hình thức hợp tác công tư (PPP). Tôi nghĩ trong tương lai, Việt Nam sẽ cần nguồn vốn PPP nhiều hơn. Theo đó, ngoài việc hỗ trợ vốn ODA, JICA đang giúp Chính phủ Việt Nam xây dựng cơ chế chính sách để thực hiện các dự án PPP.


* Việt Nam có phải là nước nhận viện trợ ODA nhiều nhất của Nhật Bản không? Ông đánh như thế nào về hiệu quả viện trợ này?


* Nhật Bản đang cung cấp vốn ODA cho hơn 100 nước trên thế giới. Ấn Độ đang nhận nhiều nhất vốn ODA với hơn 200 tỷ Yên, tương đương với 2 tỷ USD/năm cho phát triển hệ thống đường sắt và đường bộ. Tuy nhiên, dân số của Ấn Độ có quy mô lớn hơn nhiều so với Việt Nam. Do đó, nếu tính theo đầu người, Việt Nam là nước nhận nhiều ODA nhất từ Nhật Bản.

Nhật Bản hỗ trợ vốn ODA cho Việt Nam từ năm 1992 đến nay cho nhiều dự án môi trường, nông thôn… đạt hiệu quả hơn cả mức mong đợi. Hơn nữa, bên cạnh nguồn vốn ODA cho phát triển cơ sở hạ tầng, chúng tôi còn hợp tác đào tạo con người, xây dựng cơ chế chính sách, để tạo ra hiệu quả cao nhất… Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, Nhật Bản ngày càng mở rộng vốn vay ODA cho Việt Nam, thể hiện mối quan hệ chiến lược giữa hai nước và còn là do sự hiệu quả của các công trình.

* Ông có nhắc đến việc thực hiện các dự án theo hình thức công tư (PPP) sẽ là xu hướng chính các công trình cần nguồn vốn lớn, vậy ông có thể cho biết rõ hơn việc triển khai hình thức này?

* Hình thức đầu tư công – tư là phần đầu tư của nhà nước kết hợp với khối tư nhân thực hiện công trình. Chúng tôi đang hợp tác với Việt Nam thực hiện dự án PPP để khảo sát, nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế Long Thành; dự án cấp nước sạch cho Hà Nội và đường cao tốc phía Nam Việt Nam.

Dự định trong năm tài khóa 2012, Nhật Bản sẽ đẩy mạnh việc thực hiện các dự án PPP ở Việt Nam, qua hình thức góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân phát triển các dự án hạ tầng.

* Theo ông để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA, cần những giải pháp gì?

* Việc hỗ trợ ODA của Nhật Bản với Việt Nam đã thực hiện được hơn 20 năm, các cơ quan của Việt Nam đã dần quen với việc quản lý các công trình, thực hiện dự án. Năm tài khóa 2010, Việt Nam đã giải ngân được 92 tỷ Yên, lớn nhất từ trước tới nay. Điều đó cho thấy, tiến độ các dự án đã được đẩy mạnh. Tuy nhiên hiện còn một số dự án bị cản trở trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư. Để tháo gỡ vấn đề trên, JICA đã và đang phối hợp với các địa phương giải quyết vấn đề này; hy vọng trong thời gian tới sẽ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thực thi các dự án cũng như việc giải ngân.

Mặt khác, bên cạnh JICA còn có các cơ quan như Ngân hàng thế giới (WB, ADB…) cũng hỗ trợ Việt Nam trong quá trình giải ngân. Ngoài ra, liên quan đến việc quản lý quá trình xây dựng, đấu thầu… chúng tôi cũng đã giúp đào tạo cho hơn 10.000 cán bộ Việt Nam, để thực hiện hiệu quả các dự án ODA.

* Hỗ trợ Việt Nam vốn vay ODA, ông đánh giá như thế nào về khả năng trả nợ của Việt Nam?

* So với quy mô nền kinh tế Việt Nam hiện nay, nợ công chưa phải là vấn đề lo lắng. Nhật Bản cung cấp vốn vay cho Việt Nam có xem xét đến vấn đề trả nợ. Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã nỗ lực kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tôi mong Việt Nam sẽ thực hiện tốt. Hy vọng hoạt động hỗ trợ vốn vay ODA của Nhật Bản với Việt Nam sẽ phát huy được hiệu quả hơn nữa.

* Xin cảm ơn ông!

Lan Hương