Giải “cơn khát” diễn viên chuyên nghiệp

Văn hóa - Ngày đăng : 06:36, 15/06/2011

(HNM) - Dòng phim cổ trang Việt đang là "mốt" trên màn ảnh nhưng lực lượng diễn viên có thể "trở về" quá khứ hóa thân vào nhân vật thì hiếm như sao buổi sớm. Chính vì thế, Công ty Vẻ đẹp Việt đã chẳng ngần ngại khi là đơn vị tiên phong triển khai dự án đào tạo diễn viên phim cổ trang tại Việt Nam.

Ý tưởng này nhận được sự quan tâm, tán đồng của những người trong nghề, họ cho rằng dự án sẽ phần nào giải tỏa "cơn khát" diễn viên phim cổ trang chuyên nghiệp cho các nhà làm phim Việt. 

Bộ phim “Huyền sử thiên đô” mở ra tương lai mới cho phim cổ trang Việt Nam.


Hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực văn hóa dân tộc, Công ty Vẻ đẹp Việt nắm bắt rõ tâm lý người Việt rất yêu thích phim cổ trang, bằng chứng là hàng trăm bộ phim cổ trang nước ngoài đã được trình chiếu liên tiếp trên màn ảnh Việt. Trong khi đó, Việt Nam với hàng nghìn năm lịch sử, nhiều câu chuyện chính sử còn hay hơn, phong phú hơn phim nhập ngoại thì hầu như không có bộ phim nào đủ sức hấp dẫn khán giả. Có nhiều nguyên nhân khiến phim cổ trang Việt yếu thế nhưng nguyên nhân dễ thấy vẫn là lượng diễn viên chưa đáp ứng được nhu cầu. Diễn viên diễn cứng, khô, chưa thể hiện được thần thái, tác phong của nhân vật trong những thế kỷ trước. Vì thế, mục đích của lớp học này là rèn luyện cho diễn viên kỹ năng diễn xuất tổng hợp (diễn xuất trước ống kính, hình thể, tiếng nói…); kỹ năng đánh đàn, chơi cờ, vẽ tranh thủy mặc, thư pháp và những kiến thức cơ bản về lịch sử, văn hóa truyền thống của dân tộc…

Ở khóa đào tạo này, học viên sẽ được học tập trong không gian văn hóa cổ, tham quan phim trường tại Hà Nội, giao lưu với các diễn viên nhiều kinh nghiệm… Đồng hành cùng họ sẽ là những diễn viên tên tuổi của điện ảnh Việt, như NSND Hoàng Dũng, NSƯT Minh Hòa trực tiếp giảng dạy, trợ giảng là diễn viên Diệu Hương. Đào tạo kỹ năng mềm cũng là các chuyên gia đầu ngành trong các lĩnh vực, như đánh đàn (nhạc sỹ Hạnh Nhân, Trưởng khoa Nhạc cụ dân tộc, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh); viết thư pháp (nhà thư pháp Nguyễn Quang Đức); thêu (nghệ nhân Vũ Giỏi); múa (Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam Nguyễn Văn Thêu)…

Tham gia khóa học này, ngoài năng khiếu, tố chất của một diễn viên thông thường, học viên còn phải yêu nghề, yêu truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc, chịu đựng được gian khổ và phải biết hy sinh. Ông Trần Ngọc Linh, Giám đốc Công ty CP Vẻ đẹp Việt cho hay, 3 học viên xuất sắc của khóa học đầu tiên sẽ được công ty ký hợp đồng, bảo vệ hình ảnh và giao đảm nhận những vai diễn trong phim cổ trang "Mắt biển" dự kiến sản xuất vào năm 2012. Các học viên còn lại sẽ được công ty giới thiệu tới các đạo diễn, hãng phim có nhu cầu sử dụng diễn viên phim cổ trang. Tuy nhiên, học viên có thể trở thành gương mặt vàng để các đạo diễn săn lùng hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào khả năng diễn xuất, sự năng động của chính họ. Khóa đầu tiên của dự án sẽ học ở Hà Nội, từ khóa thứ 2 trở đi sẽ học ở Hà Nội, Huế để giúp học viên có thể cảm được, thấm được hồn xưa đất Việt - ông Linh cho biết thêm.

Đánh giá về dự án này, đạo diễn, diễn viên Trần Lực nói: "Tôi rất mừng khi dự án này ra đời, nó sẽ góp phần giải tỏa cơn khát diễn viên phim cổ trang chuyên nghiệp cho các nhà làm phim. Tôi có một hãng phim tư nhân và cũng rất quan tâm đến dòng phim này, bởi thế học viên nào đáp ứng được yêu cầu của các vai diễn, tôi sẵn sàng cộng tác".

Như vậy, nếu dự án đào tạo diễn viên phim cổ trang thành công thì đây không chỉ là nguồn cung cấp diễn viên cho các đạo diễn, hãng phim quan tâm đến đề tài lịch sử mà còn góp phần giảm tải gánh nặng cho ngân sách trong đào tạo diễn viên chuyên nghiệp dòng phim lịch sử.

Thời gian chiêu sinh khóa học đầu tiên diễn ra từ ngày 10-6 đến 5-7 với số lượng khoảng 60 người, chia làm 2 lớp, khai giảng vào ngày 11-7 tại Công ty cổ phần Vẻ đẹp Việt, số 3/76, đường An Dương, Tây Hồ (Hà Nội). 30 người đăng ký đầu tiên sẽ được tham gia học thử.

Thu Hiền