Ý tưởng cuộc “đại phẫu” cứu làng nghề ô nhiễm

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:54, 15/06/2011

(HNM) - Bao nhiêu năm qua, nghề chế biến sắn, dong riềng đã mang lại nguồn lợi chính cho người dân xã Dương Liễu (Hoài Đức - Hà Nội). Song nghề này đã kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường (MT) ngày càng nặng nề, bức xúc và hậu quả không chỉ trong phạm vi làng nghề…

Nguyễn Phi Trường trình bày dự án sản xuất than bán hữu cơ.


"Nổi, chìm" trong… rác
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức Hồ Trung Nghĩa thừa nhận: "Vào mùa hè nóng nực, đứng trên đê, cách cổng làng nghề vài trăm mét, nhiều người có thể ngất xỉu khi phải hứng chịu mùi chua, thối khẳn từ làng bốc ra. Nhiều người đã ví sông Tô Lịch cũng phải thua nếu so sánh mức độ ô nhiễm với các con mương, ao, hồ ở đây. Thật là trớ trêu, trong mấy chục năm qua, người dân làng nghề đều cùng ngậm ngùi chung sống với rác thải và hít thứ mùi ấy…".

Dương Liễu là xã đất chật người đông; diện tích 410,05ha, dân số trên 11.600 người, trong khi đất nông nghiệp chỉ hơn 242ha… Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến cho người dân bươn ra mở mang ngành nghề, nhằm tạo việc làm, ổn định cuộc sống. Nghề chế biến nông sản ra đời từ hơn 40 năm nay. Hiện làng nghề đã có hơn 70% số hộ làm nghề chế biến nông sản, dải đều trên 14 xóm toàn xã. Sản phẩm phong phú, đa dạng: tinh bột sắn, mạch nha phục vụ cho các công ty dược, các nhà máy bánh kẹo; dong riềng chế biến miến, bún khô cung cấp cho thị trường trong nước.

Đến làng nghề, dễ thấy các mương tiêu nước thải đen ngòm, ứ đọng, mùi hôi thối nồng nặc. Trung bình mỗi ngày, các hộ làm nghề thải ra từ 200 đến 300 tấn bã, hơn 15.000m3 nước. Nước thải không qua xử lý, xả trực tiếp vào hệ thống mương tiêu thoát, đổ thẳng ra sông Nhuệ, sông Đáy. Đó là chưa nói đến lượng khí thải độc hại khi các hộ sử dụng khoảng 3.000-4.000 tấn than đá/năm. Đi sâu vào trong làng, chúng tôi như bị ngạt thở. Các kênh, mương bị tắc nghẽn, nước đặc quánh, đen sì, trôi nổi đủ thứ túi ni lông, hộp, chai nhựa, xác động, thực vật... Toàn xã chỉ có 1,5km đường nhựa và bê tông hẹp, đang xuống cấp, còn lại là đường cấp phối xấu. Đã vậy, mỗi bên mép đường còn liền với hệ thống cống rãnh thoát nước để trần (sát với tường nhà). Một cán bộ địa phương cho biết, thực ra, xã đã rất quan tâm trích quỹ từ nguồn ngân sách, rồi nhân dân đóng góp tiền tu sửa, nâng cấp đường sá, nhưng chẳng thể nào cưỡng nổi sự xuống cấp nhanh. Hằng ngày, đủ các loại xe qua lại như mắc cửi. Vào chính vụ, lượng xe có thể tăng gấp đôi, gấp ba, chạy suốt ngày đêm thì đường nào chịu nổi?

Người ta ước tính, ở Dương Liễu, mỗi ngày có tới hàng chục nghìn mét khối nước thải, hàng trăm tấn thải rắn được tuôn ra, chứa các chất tẩy rửa hóa học, mang tính axít, kiềm, qua quá trình phân hủy tạo ra những mùi hôi thối khó tưởng tượng. Hơn nữa, hệ thống dẫn nước thải rất kém, thường xuyên tắc nghẽn. Toàn bộ nguồn nước tầng ngầm bị ô nhiễm nặng. Hàng trăm giếng khơi bỏ hoang hoặc không có nước hoặc có nước cũng không ai dám dùng. Mọi ao tù, nước đen ngòm sánh lại, không loài thủy sản nào có thể sống nổi. Ngay cả các sản phẩm tinh bột (nha, miến, bún khô...) phơi chình ình ra ngoài trời cũng dễ bị vi khuẩn từ các chất cặn bã thải rắn và thải lỏng xâm nhập. Ngậm ngùi, ngoi ngóp trong ô nhiễm, nhưng con người vẫn cứ phải "gồng mình" mà sống. Vì mưu sinh, vì ai ai cũng cần có "của ăn của để" nên phải cam chịu sống chung với rác thải. Cái sự ấy diễn ra đã trên 40 năm!

Ý tưởng táo bạo, tâm huyết
Người dân làng nghề vẫn hằng ngày, hằng giờ miệt mài sản xuất ra những sản phẩm phục vụ xã hội, nhưng lại rất ít người biết rằng, sức khỏe của họ đang bị đe dọa từng ngày, từng giờ do ô nhiễm môi trường.

Trưởng phòng TN&MT huyện Hoài Đức Hồ Trung Nghĩa trăn trở: "Địa phương không đủ năng lực để đầu tư hệ thống xử lý nước thải, rác thải cho làng nghề, không chỉ riêng Dương Liễu, tất cả đang trông chờ ở TP. Dù không bảo đảm yêu cầu về MT nhưng không thể cấm bà con sản xuất vì đây là nghề chính của người dân".

Nhưng những gì hiện hữu ngay tại quê hương đã "gieo" vào lòng chàng trai 26 tuổi Nguyễn Phi Trường - một người đã thành công trong việc tận dụng nguồn rác thải rắn (bã dong riềng) làm chất đốt: "Bao năm qua, người dân ngậm ngùi "tự chuốc nỗi khổ lên đầu". Em chưa dám nói tới những vấn đề to tát, chỉ chuyện ô nhiễm - gây bệnh tật, hủy hoại cơ thể con người, mỗi năm bà con phải "đổ" không biết bao nhiêu tiền của cho khám, chữa bệnh - trong suốt hơn 40 năm qua? Một sự lãng phí vô cùng lớn, trong khi sức khỏe con người thì luôn tiềm ẩn những rủi ro bệnh tật khó lường!".

"Bởi thế nên Trường đã nghĩ ra cái cách… biến rác thải (bã dong riềng) thành chất đốt?" - tôi hỏi. "Em cũng suy nghĩ nát óc, cuối cùng mới tìm ra lời giải bài toán "trộn bã cây dong riềng với than cám làm chất đốt". Sau nhiều lần mày mò thử nghiệm, bỏ bao công sức, nhiều phen thất bại, nhưng cuối cùng thì Trường đã cho ra lò sản phẩm than tổ ong mang tên "STC999". "Tụi em cán mịn bã dong riềng trộn với than cám ở tỉ lệ 50-50, thêm một chút mùn cưa, làm than tổ ong bán hữu cơ. Sau nhiều lần đốt thử thì thấy than cháy đượm, không mau tàn… Vậy là thành công rồi" - Trường tâm sự.

Trường cho hay, sau lần đó, dự án "Sản xuất, kinh doanh than bán hữu cơ sinh học từ chất thải làng nghề" (sản phẩm chính là than tổ ong "STC999") do chính em và một số cộng sự xây dựng, đã đoạt giải Ba cuộc thi "Ý tưởng xanh 2010", do Công ty Toyota Việt Nam phối hợp với Bộ GD-ĐT, Tổng cục MT và Văn phòng Tiết kiệm năng lượng (Bộ Công thương) tổ chức. Dự án còn được hỗ trợ 250 triệu đồng để phát triển sản xuất.

Hiện nay, nhóm của Trường đang từng bước đầu tư xây dựng cơ sở, trang bị hệ thống máy móc, thuê nhân công… "Thời gian đầu, tụi em chỉ có vài ba người làm. Giờ đã huy động được hơn 20 thợ trong xã, sản xuất với số lượng lớn hơn. Tính ra, mỗi ngày tiêu thụ từ 2-3 tạ bã thải dong riềng" - Trường cho biết.

Hỏi: Vậy tới khi nào mới… hót hết những đống bã dong riềng - lên tới hàng nghìn tấn, chất thành từng đống rải khắp trong thôn, xã? Trường cười tủm: "Nếu "có duyên" - tiêu thụ được nhiều sản phẩm mỗi ngày thì chẳng mấy đâu, tụi em sẽ làm cuộc "đại phẫu" - hồi sinh cho ngôi làng…".

Vâng! Họ đang bắt đầu làm một cuộc "đại phẫu" để góp phần giảm ô nhiễm môi trường tại làng nghề - nỗi niềm và khát vọng ngàn đời, bớt đi chi phí không nhỏ - chống lãng phí - thực hành tiết kiệm hằng năm cho người dân. Họ là những chàng trai trẻ khởi nghiệp - khát khao - táo bạo - sáng tạo - biết trăn trở, tâm huyết với quê hương.

Xuân Phong