Lạc quan ở ngã tư của thế giới
Thế giới - Ngày đăng : 05:50, 15/06/2011
Nhiều người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổ ra đường mừng chiến thắng của Thủ tướng R.Erdogan. |
Kết quả kiểm 99,8% số phiếu bầu thông báo ngày 14-6 cho thấy, AKP giành được 50% số phiếu (tương đương 326 ghế trong Quốc hội). Đứng thứ hai là đảng Cộng hòa nhân dân theo đường lối trung tả (CHP) đối lập được 25,9% số phiếu (135 ghế). Đảng Phong trào dân tộc (MHP) cực hữu về thứ ba với 13% số phiếu (54 ghế). Số ghế còn lại thuộc về các ứng cử viên độc lập.
Với kết quả bầu cử này, Thủ tướng R.Erdogan đã trở thành người đứng đầu Chính phủ thành công nhất trong lịch sử hệ thống bầu cử đa đảng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Thắng lợi của AKP khẳng định uy tín ngày càng tăng của Chính phủ trong ổn định và phát triển đất nước như một lạc quan hiếm hoi trên bản đồ các quốc gia Hồi giáo. Hiện tại, tốc độ phát triển kinh tế của đất nước hơn 70 triệu dân này đã tăng lên gần gấp 3 lần so với năm 2002, kim ngạch xuất khẩu từ 36 tỷ USD/năm đã tăng lên tới 114 tỷ USD. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp, các quốc gia châu Âu oằn mình vì bão nợ, năm 2010, Thổ Nhĩ Kỳ đã có một bước nhảy vọt ngoạn mục khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 8,9%. Thu nhập bình quân của người dân đạt hơn 10.000 USD/người, tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 14,4% của năm 2009 xuống còn 11,5% trong năm 2010. Điều này trái ngược với bức tranh nghèo đói, lạm phát có khi lên tới 3 con số và đầy bất ổn chính trị trong quá khứ.
Bên cạnh đó, phải kể tới những bước tiến trong chính sách đối ngoại khôn khéo mà AKP theo đuổi trong gần 1 thập kỷ nắm quyền. Nhận thức được ưu thế địa - chính trị như một “ngã tư của thế giới” - giao cắt giữa châu Âu, châu Á, châu Phi và Địa Trung Hải - trong những năm qua, Ankara đã thể hiện một vai trò chiến lược trong giải quyết các cuộc xung đột tại khu vực Balkan, Trung Đông, vùng Kavkaz, Trung Á và Vịnh Persic. Những thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ gần đây với Syria, Iraq và Iran được định hướng chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế cho thấy phần nào sức mạnh "quyền lực mềm" của Ankara. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sự cân bằng trên trường đối ngoại khu vực và quốc tế của Chính phủ Thủ tướng R.Erdogan đã không chỉ giúp quốc gia Hồi giáo ở biên giới châu Âu này ổn định mà còn dần vươn tới vị trí nắm giữ vai trò đầu tàu trong khu vực.
Với số ghế như trên, AKP có quyền tự đứng ra thành lập chính phủ, qua đó, tiếp tục thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế. Mục tiêu mà chính đảng này đề ra là tới năm 2023 sẽ đưa Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một trong 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới với thu nhập đầu người ở mức 25.000 USD. Tuy nhiên, AKP vẫn chưa giành đủ 330 ghế cần thiết để thông qua sửa đổi Hiến pháp - một di sản được cho là lỗi thời từ năm 1980 - mà không cần có sự hậu thuẫn của các đảng phái đối lập. Đây là một trong những mục tiêu mà Thủ tướng R.Erdogan ấp ủ kể từ khi lên nắm quyền.
Mặc dù nền dân chủ của Thổ Nhĩ Kỳ được phương Tây ca tụng là mô hình đáng noi theo của các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi, nhưng Thủ tướng R.Erdogan cho rằng nước này cần một hiến pháp mới tôn trọng các quyền cơ bản và tự do phục vụ lợi ích đích thực của nhân dân. Vì vậy, nội dung quan trọng của hiến pháp mới mà AKP soạn thảo sẽ là phát triển mô hình tổng thống nắm quyền hành pháp cao nhất và đặt dấu chấm hết cho sự can thiệp chính trường của quân đội khi bất ổn xã hội xảy ra.
Để chèo lái con thuyền Thổ Nhĩ Kỳ trước một thay đổi mang tính bước ngoặt như vậy, "Thuyền trưởng" R.Erdogan sẽ phải vượt qua không ít chướng ngại trong quá trình thảo luận và tham vấn các phe phái chính trị đối lập cũng như giới học giả. Hiện tại, có luồng dư luận Thổ Nhĩ Kỳ lo ngại rằng thay đổi hiến pháp sẽ mang lại cho ông R.Erdogan cơ hội kéo dài quyền lực khi ra tranh cử tổng thống đầu tiên vào năm 2015, thời điểm đương kim Thủ tướng Thổ Nhĩ kỳ không thể tranh cử tiếp nhiệm kỳ thủ tướng thứ IV theo Hiến pháp hiện hành.