Trò chuyện với "Người đến từ Sao Hỏa"
Xe++ - Ngày đăng : 20:46, 14/06/2011
Sáng nay (14/6), tại Đại học FPT đã diễn ra buổi nói chuyện về thiên văn học giữa các bạn trẻ yêu thiên văn Hà Nội với một người được mệnh danh là "Người đến từ Sao Hỏa". Chương trình được phối hợp tổ chức bởi Phòng Nghiên cứu Không gian FSpace và Hội Thiên văn học trẻ Hà Nội.
Sau những phút đầu tiên dành để giới thiệu những thông tin sơ lược về sao Hỏa và tầm quan trọng của thám hiểm sao Hỏa, buổi trao đổi bước vào chủ đề chính với sự xuất hiện của nhân vật chính là anh Virgil Pop, nhân viên Cơ quan Hàng không Vũ trụ Romania (ROSA).
Anh Virgil Pop và anh Vũ Trọng Thư, thành viên FSpace |
Là một trong 6 người trực tiếp tham gia chương trình "Nhiệm vụ RoMars", anh Virgil đã cung cấp những thông tin đáng chú ý về chương trình này, cũng như chia sẻ những trải nghiệm của bản thân khi tham gia vào một chương trình có mục tiêu chuẩn bị cho những cuộc thám hiểm trong tương lai trên Hành Tinh Đỏ.
Nhiệm vụ RoMars là chương trình nghiên cứu về cuộc sống của con người trên sao Hỏa, được ROSA tổ chức hồi tháng với mục tiêu luyện tập trên thực tế khả năng sống và hoạt động của con người trên bề mặt sao Hỏa. Chương trình được tiến hành tại Trạm Nghiên cứu Sa mạc sao Hỏa (MDRS), một môi trường mô phỏng điều kiện trên sao Hỏa đặt tại sa mạc Colorado, bang Utah nước Mỹ.
Trong vòng 2 tuần, đội nghiên cứu tiến hành các hoạt động như thể họ đang ở trên sao Hỏa thật sự: mặc những bộ quần áo du hành và mũ bảo hiểm nặng nề, vào phòng điều áp, bước đi trên địa hình sa mạc hiểm trở (ở nơi được coi là có địa hình gần với sao Hỏa nhất) với cảm giác về trọng lực được mô phỏng rất chi tiết.
Hoạt động của nhóm nghiên cứu trong môi trường mô phỏng |
6 thành viên đội nghiên cứu được phân ra từng nhiệm vụ khác nhau về thiên văn học, địa chất học hay phân tích và tiến hành các hoạt động nghiên cứu hàng ngày như thu thập mẫu vật, tìm hiểu địa tầng, tìm kiếm nguồn sống vi sinh, quan sát thiên văn v.v... những việc mà một trạm nghiên cứu tương tự như thế trên sao Hỏa sẽ phải tiến hành.
Chia sẻ với các bạn trẻ yêu thiên văn những trải nghiệm thú vị của mình về cuộc thí nghiệm, anh Virgil cho biết trừ những khi "trở về cuộc sống bình thường" như ăn uống (ăn thức ăn tổng hợp rút kiệt nước), tắm rửa (trong một không gian hẹp và rất hạn chế về lượng nước được sử dụng) hay vào Internet (mỗi ngày một người được sử dụng Internet một giờ đồng hồ) v.v... thì thời gian còn lại "chúng tôi đang ở trên sao Hỏa thực sự".
Không chỉ trao đổi về chương trình, anh Virgil còn đặt ra khả năng thực hiện một chương trình "VietMars" như thế cho Việt Nam. Mọi người thật sự bất ngờ khi anh cho biết đã tính rằng, mỗi người dân Việt Nam chỉ phải bỏ ra số tiền hơn mười ngàn đồng là đã có thể góp lại số tiền đủ để đưa được một phi hành gia Việt Nam lên trạm không gian quốc tế ISS.
Ở phần sau của buổi nói chuyện, các bạn trẻ yêu thiên văn được tiếp xúc với anh Phan Mạnh Dần, chuyên gia của Viện Công nghệ Vũ trụ STI, giảng viên Đại học Bách khoa Hà Nội; và anh Vũ Trọng Thư, thành viên Phòng Nghiên cứu Không gian FSpace. Cả hai tập trung giới thiệu về một hướng học tập, thực hành ứng dụng công nghệ thiên văn rất hiệu quả, phù hợp với học sinh - sinh viên nhưng còn rất mới mẻ ở Việt Nam: chế tạo vệ tinh siêu nhỏ.
Thuyết trình về khái niệm, cách chế tạo và ứng dụng của CanSat (Can Satellite), những loại vệ tinh chỉ nhỏ bằng một chiếc lon và giá thành chế tạo chỉ khoảng vài trăm USD, Mạnh Dần tỏ mong muốn phát triển hoạt động thực hành công nghệ mới này trong giới học sinh - sinh viên Việt Nam. Với ứng dụng về nhiều mặt như quan trắc, đo lường, phân tích, thu thập dữ liệu v.v... CanSat đã xuất hiện trong các cuộc thi chính quy có quy mô lớn tại Mỹ và Nhật Bản.
Vũ Trọng Thư còn khiến các bạn trẻ bất ngờ hơn với PongSat, loại vệ tinh chỉ nhỏ bằng quả bóng bàn. Được biết FSpace đã chế tạo và gửi ba PongSat sang Mỹ để phóng thành công lên bầu khí quyển, chế tạo và thử nghiệm thành công vệ tinh nhân tạo "Made in Vietnam" mang tên F1.
CanSat và PongSat. Những chiếc vệ tinh siêu nhỏ này có rất nhiều công dụng. |
Trước khi kết thúc buổi nói chuyện, Trọng Thư công bố một số dự án hiện tại của FSpace, trong đó có một số dự án rất đáng chú ý như phát triển ứng dụng vệ tinh vào theo dõi tàu biển, hỗ trợ cứu hộ cứu nạn hay giúp xử lý các vụ tràn dầu.